Bảo Lộc ''khát'' lao động ngành Công nghiệp

Là địa phương đi đầu của tỉnh về phát triển công nghiệp, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, thị trường lao động tại TP Bảo Lộc đang sôi động trở lại do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) tăng cao. Tuy nhiên, nhiều nhà máy, doanh nghiệp sản xuất nông sản, may mặc ở TP Bảo Lộc đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nhân công lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp đang cố gắng khắc phục khó khăn về lao động để ổn định sản xuất, kinh doanh

Các doanh nghiệp đang cố gắng khắc phục khó khăn về lao động để ổn định sản xuất, kinh doanh

NHIỀU DOANH NGHIỆP “KHÁT” LAO ĐỘNG

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP Bảo Lộc, hiện nay, tình hình lao động trên địa bàn thành phố đang có nhiều biến động và đang thiếu hụt khoảng 2.000 lao động. Trong đó tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp may mặc và chế biến nông sản.

Chia sẻ về tình trạng thiếu lao động phục vụ sản xuất, bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Scavi cho biết: Năm 2022, Công ty có kế hoạch mở rộng quy mô, sản xuất. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động làm việc trong các xưởng sản xuất, may mặc hết sức khó khăn, thậm chí không tuyển dụng được người. Trong quá trình tuyển dụng, Công ty đã đưa ra nhiều chế độ ưu đãi để “thu hút” người lao động đến làm việc cho đơn vị. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Công ty vẫn đang thiếu hụt khoảng hơn 450 nhân công lao động để ổn định sản xuất, kinh doanh. Do thiếu lao động nên nhiều đơn hàng xuất khẩu của Tổng công ty giao cho đơn vị đang phải điều chuyển cho những nhà máy sản xuất ở tỉnh thành khác thực hiện để đảm bảo tiến độ.

Tương tự, từ đầu năm tới nay, Chi nhánh Công ty TNHH May mặc First Team Việt Nam ở thành phố Bảo Lộc đang cần tuyển dụng khoảng 1.000 lao động làm việc trong lĩnh vực may mặc. Mặc dù đã thực hiện nhiều phương án tuyển dụng nhân sự nhưng kết quả lại không như mong muốn. Chia sẻ về việc này, bà Bùi Thị Quỳnh Lê, Phó Phòng Nhân sự Công ty TNHH May mặc First Team Việt Nam cho biết: Do nhu cầu mở rộng sản xuất nên Công ty đang cần một lượng lớn nhân công lao động. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, Công ty chỉ tuyển được khoảng 350 lao động, còn thiếu khoảng 1.000 lao động nữa mới bảo đảm chỉ tiêu.

“Để thu hút lao động, ngoài trả lương cơ bản thì công ty còn hỗ trợ kỹ thuật học nghề, tiền chuyên cần, tiền thưởng kỷ luật, tiền hỗ trợ con nhỏ... Những công nhân chưa có tay nghề khi đến làm việc được công ty đào tạo nghề miễn phí. Mặc dù, có nhiều chế độ ưu đãi nhưng việc tuyển dụng lao động không hề đơn giản. Hiện tại, người lao động trẻ tuổi tại địa phương có xu hướng tìm những việc làm đơn giản như phụ quán xá, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng” - bà Bùi Thị Quỳnh Lê chia sẻ.

Ông Nguyễn Hương Sơn - Giám đốc Công ty Merkava cho hay: Với quy mô sản xuất hiện nay, Công ty chúng tôi cần duy trì 2.000 lao động để ổn định sản xuất. Hơn 2 tháng qua, chúng tôi đã áp dụng nhiều hình thức tuyển dụng như thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tại TP Bảo Lộc, đăng thông báo bằng băng rôn và trên các dịch vụ truyền thông… để tuyển dụng. Song đến nay, Công ty chỉ mới tuyển được khoảng 100 lao động. Hiện, chúng tôi đang rất cần lao động để ổn định sản xuất, nhưng do quá khan hiếm nên chưa tuyển dụng được và đang thiếu hơn 350 lao động”.

LAO ĐỘNG TỰ CHUYỂN DỊCH VIỆC LÀM

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều lao động trẻ ở TP Bảo Lộc đang chuyển dịch sang làm việc cho các ngành nghề dịch vụ, tiếp thị, bán hàng online, phục vụ quán ăn, uống... Đặc biệt, những năm gần đây, cơn sốt đất ở TP Bảo Lộc nên đã hút một lượng lớn người lao động tham gia vào lĩnh vực môi giới đất đai.

Đơn cử như anh N.T.T vài năm trước từng làm công nhân cho một công ty ở TP Bảo Lộc. Thế nhưng, hơn 1 năm trở lại đây, anh T. đã xin nghỉ việc chuyển sang làm nghề môi giới bất động sản.

Theo anh T. nghề môi giới đất đai thực chất như đi “câu cá”, không thể bền vững. Bởi chỉ khi giới thiệu thành công được một lô đất của người bán cho người mua thì môi giới mới có tiền hoa hồng. Còn nếu như giới thiệu không thành thì môi giới vừa mất công sức vừa chẳng có thu nhập. Tuy nhiên, mỗi tháng anh T. cũng kiếm được khoảng 40 triệu đồng từ môi giới bất động sản. Qua đó, giúp anh T. và nhiều người sống khỏe với nghề môi giới đất đai.

Tương tự, nhiều bạn trẻ tại TP Bảo Lộc cũng đã chọn cách rời các nhà máy, công ty để tìm về các nhà hàng, quán ăn, uống để làm việc. Các bạn trẻ lý giải cho việc chuyển dịch rời các công ty, doanh nghiệp là họ thích được ăn mặc đẹp, sang trọng nhưng thu nhập vẫn ổn định với công việc nhẹ nhàng. Mức thu nhập mà các bạn trẻ đang làm việc tại các nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn TP Bảo Lộc đang giao động từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Hà Thanh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Bảo Lộc, cho biết: Thống kê cho thấy, các dịch vụ trên địa bàn thành phố mở rất nhiều, nên cần một lượng lao động lớn. Vì thế, số lao động trẻ tuổi họ chọn làm việc tại các nhà hàng, quán cà phê… Tới đây, đơn vị sẽ liên kết với các hội, đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, nông dân… để giới thiệu cho các doanh nghiệp để cùng phối hợp giải quyết các đơn hàng theo nhu cầu. Qua đó, vừa tăng thu nhập cho người lao động và ổn định sản xuất của doanh nghiệp.

KHÁNH PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202203/bao-loc-khat-lao-dong-nganh-cong-nghiep-3107403/