Bảo tàng Long An: Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử
Bảo tàng Long An được xem là địa chỉ quen thuộc cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử - văn hóa của tỉnh Long An nói riêng, cả nước nói chung.
Long An là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và đấu tranh cách mạng. Do đó, Bảo tàng Long An chính là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, dân tộc. Trải qua hơn 30 năm hoạt động, bảo tàng đang lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, tài liệu khoa học tái hiện quá trình hình thành, phát triển lịch sử và văn hóa của vùng đất Long An, trong đó có 2 bảo vật quốc gia. Với diện tích tổng thể hơn 8.500m2, hệ thống trưng bày của bảo tàng gồm các chuyên đề: Khảo cổ học trên đất Long An, Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mỹ thuật truyền thống, mỹ thuật kháng chiến,... Có thể thấy, với số lượng hiện vật gốc cùng hệ thống tài liệu khoa học phụ, ảnh, biểu đồ,..., Bảo tàng Long An đáp ứng tốt nhu cầu giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, dân tộc.
Chiến sĩ Bùi Thanh Bình - Trung đội Vệ binh, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chia sẻ: “Được nhìn thấy những di tích, hiện vật, hình ảnh về thiên nhiên và con người trên mảnh đất Long An trong quá trình khai hoang lập làng và đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, chúng tôi rất đỗi tự hào. Qua đây, thế hệ hôm nay nguyện rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Năm 1985, Bảo tàng Long An được thành lập, thuộc loại hình bảo tàng khảo cứu địa phương, với chức năng sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu các sưu tập hiện vật về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội của tỉnh Long An. Từ đó, có vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức, lịch sử, văn hóa, đồng thời khơi gợi niềm tự hào dân tộc cho nhiều thế hệ. Và, thời gian qua, bảo tàng hoàn thành tốt sứ mệnh này. Mới đây, Bảo tàng Long An vinh dự tiếp nhận trên 500 hiện vật có giá trị thuộc các thời kỳ lịch sử, các nền văn hóa của 2 nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Ngọc Ẩn và Nguyễn Đình Thịnh, đồng thời tổ chức trưng bày chuyên đề văn hóa Chăm Bình Thuận gồm nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh sinh động phản ánh quá trình sinh sống, lao động, sản xuất của cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận qua các thời kỳ lịch sử.
Chiến sĩ Lê Duy Lĩnh - Trung đội Vệ binh, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tâm sự: “Nếu ai chưa một lần bước chân đến Bảo tàng Long An, chắc chắn nghĩ rằng nơi đây chỉ là nơi lưu giữ những cái thuộc về quá khứ, xưa cũ. Song, khi đến đây, chúng ta sẽ được cung cấp những thông tin nguyên gốc, chính xác. Hơn hết, đây còn là nơi giải trí tích cực, vừa học, vừa chơi. Riêng tôi rất ấn tượng nền văn hóa Chăm vì nó giúp tôi hiểu về các lễ hội của dân tộc Chăm”.
Bảo tàng Long An còn là nơi giúp nhiều người nghiên cứu những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, góp phần làm phong phú giá trị văn hóa, lịch sử của nhân loại. Vì thế , chị Phan Thị Kim Anh - Di sản viên Bảo tàng-Thư viện Long An, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức thuyết trình nhằm phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa, đồng thời khắc phục sự nhàm chán, đơn điệu, phục vụ tốt khách tham quan, thưởng lãm. Chị Anh cho biết: “Mặc dù ngành bảo tàng không sôi nổi như những ngành khác nhưng tiềm ẩn trong nó là một cơ quan nghiên cứu khoa học, mở đường cho con người hiểu biết về quá khứ của các thời đại, dân tộc. Cảm nhận được điều này nên tôi quyết tâm theo đuổi ngành bảo tàng đến cùng”.
Với công tác sưu tầm, tích lũy số lượng hiện vật, tài liệu qua các giai đoạn lịch sử, Bảo tàng Long An thu hút rất đông khách đến tham quan, nghiên cứu. Cụ thể, năm 2018, bảo tàng đón khoảng 5.000 lượt khách. Với sự nỗ lực hết mình, đội ngũ cán bộ, viên chức Bảo tàng Long An có những đóng góp to lớn trong công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc của vùng đất Nam bộ - Long An./.