Bảo tồn 'đặc sản' truyền thống ChămBà Lương Thị Hòa, 63 tuổi: Bà Diên Thị Hương, 65 tuổi: Bà Mã Thị Thuận, 60 tuổi:

Qua nhiều thế hệ, nghề thủ công và nghệ thuật làm bánh truyền thống của người Chăm vẫn luôn lưu truyền, giữ gìn giá trị văn hóa độc đáo.

Bảo tồn

Sản phẩm gốm Chăm giữ giá trị tinh túy

Năm 19 tuổi, bà Hòa lấy chồng, học cách làm gốm từ cô chồng. Theo thời gian, tay nặn gốm trở nên khéo léo, cùng cô chồng làm ra nhiều sản phẩm truyền thống như hỏa lò, niêu, thố… mang lại nguồn thu nhập trong gia đình. Trước hết, người thợ làm gốm xác định làm đồ mỹ nghệ hay làm đồ dùng truyền thống để chọn loại đất sét phù hợp. Tiêu chuẩn đất sét phải dẻo, mịn, không lẫn sạn, sỏi. Tiếp đó, là công đoạn nhồi đất để tạo hình. Nếu đất sét không được nhồi kỹ, thì sản phẩm sẽ bị nổ, bể khi nung hoặc tạo ra sản phẩm có dấu răn nứt. Gốm được nặn, tạo hình xong, đem phơi nơi râm mát cho khô ráo trước khi nung. Thời gian nung chín sản phẩm nhanh hay chậm, tùy thuộc số lượng gốm. Màu sắc tự nhiên của các vết loang trên sản phẩm là do người làm gốm biết cách áp nhiệt độ lửa nung. Bà Hòa cho biết: “Mỗi sản phẩm gốm Chăm truyền thống đều thể hiện sự tinh túy, giá trị độc đáo về kỹ thuật, quy trình làm gốm. Ngoài cách làm gốm truyền thống, tôi còn biết làm gốm mỹ nghệ. Các công đoạn làm gốm rất công phu, đòi hỏi phụ nữ phải khéo tay”.

Bánh gừng không thể thiếu trong các lễ hội

Bánh gừng được nặn giống hình củ gừng. Bột nếp, trứng gà là nguyên liệu chính để làm bánh. Trộn bột, trứng và nước với tỷ lệ hài hòa. Nhồi bột và ủ bột tránh hỗn hợp bột không quá khô, không quá nhão. Sau khi nặn bột bánh thành hình củ gừng, bánh chiên trong chảo dầu nóng. Người chiên phải biết cách đảo bánh. Nếu không, bánh sẽ bị gãy, bị cháy. Khi chiên bánh đạt được độ giòn và ngả màu vàng, thì nhúng bánh vào nước đường. Lớp nước đường mỏng màu trắng phủ bên ngoài chiếc bánh, làm bánh bóng. Bánh gừng có mùi thơm đặc trưng từ bột, trứng. Vị béo ngọt và giòn tan trong miệng. Bà Hương chia sẻ: “Bánh gừng là bánh truyền thống của người Chăm, không thể thiếu trong các dịp lễ hội. Cách làm bánh gừng tưởng chừng đơn giản, thực ra không đơn giản chút nào. Phụ nữ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn trong từng công đoạn làm bánh. Nếu không, bánh sẽ không giống hình củ gừng, không đủ độ giòn, dễ bị gãy khi chiên”.

Lưu truyền giữ gìn nghề dệt thổ cẩm Chăm

Khi 15 tuổi, bà Thuận học cách dệt thổ cẩm từ mẹ và bà. Với sự chăm chú, bà Thuận biết cách dệt sau vài tháng. Trước khi dệt, sợi chỉ được nhúng trong nước cháo nhằm làm cứng sợi chỉ lại và quấn chỉ vào suốt. Dùng thuốc nhuộm để nhuộm màu sắc của chỉ thay thế cho màu sắc tự nhiên từ lá cây ở rừng. Bởi lá cây để nhuộm màu tự nhiên không còn nữa. Thời gian dệt tấm khăn thổ cẩm dài 2 m thì mất khoảng 4 ngày. Khi dệt, người Chăm còn sáng tạo những đường viền hoa văn trực tiếp trên khung dệt nhằm tô điểm trên mỗi sản phẩm. Theo bà Thuận, tấm vải thổ cẩm thể hiện sự đảm đang, khéo tay của phụ nữ Chăm. Hiện nay, thổ cẩm Chăm tại Bình Thuận chủ yếu phục vụ trong sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt xã hội hàng ngày của dòng tộc và gia đình; chứ không còn trao đổi, buôn bán rộng rãi như trước đây. Nghề dệt thổ cẩm được lưu truyền giữ gìn, trở thành di sản văn hóa độc đáo của người Chăm.

Trang Minh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/trang%20du%20lich/bao-ton-dac-san-truyen-thong-cham-135623.html