Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch
Khu vực miền núi Thanh Hóa là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Khơ Mú... Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, những năm qua các huyện miền núi trong tỉnh đã có nhiều giải pháp khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm, gắn với phát triển du lịch, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nằm trong Khu du lịch sinh thái Pù Luông, xã Lũng Niêm (Bá Thước) có lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Những năm qua đảng ủy, chính quyền xã luôn xác định muốn phát triển du lịch, thì việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, xã đã vận động Nhân dân bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, như: nhà sàn, trang phục, các trò chơi, trò diễn, món ăn truyền thống..., trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái (chủ yếu ở thôn Lặn). Đến nay, ở thôn Lặn có trên 100 hội viên phụ nữ tham gia nghề dệt thổ cẩm, với các loại sản phẩm, như: vải thổ cẩm, khăn, mũ, quần áo, gối, túi thổ cẩm, khăn trải bàn, đệm ghế... để phục vụ khách du lịch. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có gần 1.000 lượt khách du lịch nước ngoài đến với thôn Lặn. Ngoài tham quan du lịch và mua các sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề, khách du lịch nước ngoài rất thích và mua nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của làng nghề làm quà lưu niệm. Nhờ có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây đã khá hơn rất nhiều, lượng khách du lịch đến với làng nghề ngày một đông.
Đến Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy), nhiều mặt hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đa dạng mẫu mã, chủng loại được bày bán. Nhiều du khách có dịp đến đây, khi trở về đều không quên mua cho mình những món quà làm bằng thổ cẩm. Tuy món quà mộc mạc, dân dã, nhưng mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 40 hộ gia đình vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Trước nhu cầu của khách hàng, các hộ gia đình không ngừng đổi mới về sản phẩm, mẫu mã để phù hợp hơn với thị trường. Sản phẩm chủ yếu là khăn, váy, túi, chăn đệm... Chị em phụ nữ không phải đi làm ăn xa, tranh thủ lúc nông nhàn cũng có thu nhập.
Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”, đến nay trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy đã hình thành được 7 làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Để phát triển bền vững, các địa phương đã tạo điều kiện thành lập các tổ hợp tác sản xuất mặt hàng thổ cẩm. Hiện nghề dệt thổ cẩm đang tạo việc làm bán thời gian cho hàng nghìn lao động miền núi xứ Thanh, tập trung chủ yếu ở các khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng.
Để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, các huyện miền núi trong tỉnh đang có giải pháp hình thành vùng nguyên liệu, liên kết từ sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, đồng thời xây dựng các sản phẩm thổ cẩm có thương hiệu; xây dựng các làng nghề thổ cẩm thành các điểm đến tham quan cho khách du lịch, và hướng đến coi nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm du lịch đặc trưng của miền núi xứ Thanh.