Bảo tồn, phát huy giá trị trò chơi dân gian tại các lễ hội

Từ bao đời nay, trò chơi, trò diễn dân gian có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống. Vì vậy, mỗi độ Tết đến, Xuân về, các trò chơi, trò diễn dân gian lại được tái hiện sinh động, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, vừa giữ được hồn cốt dân tộc.

Trò chơi đi cà kheo được tổ chức tại Lễ hội Xuống đồng ở xã Quang Yên (Sông Lô). Ảnh: Kim Ly

Trò chơi đi cà kheo được tổ chức tại Lễ hội Xuống đồng ở xã Quang Yên (Sông Lô). Ảnh: Kim Ly

Vĩnh Phúc là miền đất thuộc vùng trung tâm kinh đô Văn Lang xưa, nơi lưu trữ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, độc đáo của dân tộc. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có gần 400 lễ hội; gắn với các lễ hội là các trò chơi, trò diễn dân gian phong phú, hấp dẫn, phản ánh sắc thái văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương.

Các trò chơi, trò diễn dân gian thường được tổ chức tại di tích lịch sử - văn hóa như đình, miếu, đền... Hiện nay, một số lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn còn lưu giữ nhiều trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo như: Ném còn, đi cà kheo, bắn nỏ của đồng bào dân tộc Cao Lan (Sông Lô); trò leo cầu ùm, bơi chải, kéo Song (Bình Xuyên); rước Thánh, cướp cây bông, cướp chiếu (Tam Dương); trâu rơm bò rạ, đập nồi đập niêu, nấu cơm thi (Vĩnh Tường)… thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo nên bầu không khí sôi động của lễ hội.

Lễ hội Xuống đồng (lễ hội Lồng Tồng) của đồng bào dân tộc Cao Lan xã Quang Yên (Sông Lô) được tổ chức từ ngày 10 - 15 tháng Giêng hằng năm ở đình làng. Lễ hội ra đời trên cơ sở truyền thuyết về mẹ lúa của đồng bào Cao Lan, đó là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của con người trong sự hòa hợp âm dương, trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, hạnh phúc, ấm no, vạn vật sinh sôi, nảy nở…

Vào ngày diễn ra lễ hội, bên cạnh các nghi lễ chính, đồng bào dân tộc Cao Lan còn tổ chức các trò chơi dân gian như: Kéo co, đi cà kheo, bịt mắt đập niêu, thi bắn nỏ, thu hút đông đảo người dân tham gia; tạo nên tinh thần đoàn kết, không khí nhộn nhịp trong lễ hội. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống mà dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên đã dày công gìn giữ.

Ông Nguyễn Đức Tuy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Xóm Mới, xã Quang Yên cho biết: Các trò chơi dân gian đã gắn với Lễ hội Xuống đồng của đồng bào dân tộc Cao Lan từ nhiều năm nay. Những trò chơi, trò diễn dân gian ngoài việc thể hiện nét đặc trưng văn hóa dân tộc, còn mang đến niềm vui, tiếng cười, giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai và nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Thông qua lễ hội, góp phần làm cho không khí Tết càng thêm rộn ràng, vui tươi.

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân làng Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) lại tổ chức Lễ hội Đúc Bụt. Đây là lễ hội truyền thống, được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng hằng năm nhằm tưởng nhớ công lao của Ngọc Kinh công chúa, vị nữ tướng tài ba ẩn danh nhà tu hành chiêu tập nghĩa sĩ, rèn đúc vũ khí tụ nghĩa dưới ngọn cờ khởi nghĩa cứu nước của Hai Bà Trưng sẵn sàng đánh đuổi quân Tô Định xâm lược.

Lễ hội diễn ra với các tích trò “Sĩ, nông, công, cổ”, để tái hiện lại quá trình Ngọc Kinh công chúa dạy người dân rèn đúc vũ khí, làm ruộng, rèn luyện binh sĩ… Ngoài phần hội chính, xã Đồng Tĩnh còn tổ chức xen kẽ rất nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như cờ người, kéo co… tại sân đình. Các trò chơi dân gian giúp nhân dân rèn luyện trí tuệ, nâng cao thể lực, sức khỏe, tạo thêm sự vui vẻ, phấn chấn trong lao động, sản xuất.

Trong những ngày Xuân, các trò chơi, trò diễn dân gian được tái hiện đã đem đến không khí vui tươi, góp phần động viên người dân gắn bó, đoàn kết, gần gũi nhau hơn. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, một số giá trị văn hóa phi vật thể nói chung và các trò chơi, trò diễn dân gian tại các lễ hội truyền thống đang dần bị thất truyền, mai một.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có các trò chơi, trò diễn dân gian trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc tái hiện trò chơi, trò diễn dân gian trong các lễ hội tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc qua hình thức sân khấu hóa, giai đoạn 2021-2025. Từ đó, từng bước khôi phục, gìn giữ, để các trò chơi, trò diễn dân gian mãi trường tồn cùng mùa Xuân và dân tộc.

Minh Thu

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/73345/bao-ton-phat-huy-gia-tri-tro-choi-dan-gian-tai-cac-le-hoi.html