Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống:Tsagaan Sar - tết của người Mông Cổ
Giống như một số nước châu Á, Mông Cổ đón năm mới theo lịch chiêm tinh, được gọi là Tugs Buyant, thường kéo dài từ giữa tháng 1 đến hết tháng 2 dương lịch.
Đây là dịp lễ truyền thống quan trọng nhất của người Mông Cổ, đánh dấu sự kết thúc của mùa đông dài khắc nghiệt và bắt đầu mùa xuân tươi mới.
Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, người Mông Cổ cổ đại đánh dấu sự khởi đầu của một năm chủ yếu vào ngày lập đông bằng nghi lễ dâng thịt. Dịp này, thịt do các bộ lạc đi săn về sẽ được phân phát cho mọi thành viên trong bộ tộc.
Còn tết của người Mông Cổ hiện nay có tên gọi Tsagaan Sar, nghĩa là “trăng trắng”, được tổ chức kể từ thế kỷ XIII, khi Khả Hãn Thiết Mộc Chân hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng Đông Bắc Á và thành lập ra đế quốc Mông Cổ (năm 1206), lấy hiệu là Thành Cát Tư Hãn. Ông đã ra lệnh tổ chức lễ Tsagaan Sar vào mùa xuân nhằm mục đích đề cao hòa bình, lòng tốt và sự tôn trọng giữa người dân.
Trong 3 ngày đầu năm mới, người Mông Cổ thường mặc đồ trắng, cưỡi bạch mã, ăn các thực phẩm làm từ sữa và tặng nhau những món quà màu trắng. Bởi từ lâu, các bộ lạc sống trên thảo nguyên này đã xem màu trắng là biểu tượng của sự thuần khiết, đem lại sự may mắn.
Các gia đình, nhất là gia đình có người cao tuổi sẽ tổ chức bữa tiệc lớn tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ trong năm mới. Mâm cỗ trong dịp Tsagaan Sar rất thịnh soạn, đòi hỏi các gia đình phải chuẩn bị trước nhiều ngày. Mỗi vùng Mông Cổ lại có các món ăn khác nhau dành cho dịp lễ trọng đại này. Trong đó, các gia đình thường có một đĩa bánh làm bằng bột rồi nướng lên, gọi là “Ul” hay “kheviin boov”, được xếp chồng lên nhau từ 3 - 9 tầng, tùy theo gia đình nhưng luôn là số lẻ tượng trưng cho núi Sumeru. Mỗi lớp bao gồm 4 chiếc bánh tạo thành 4 mặt, tượng trưng cho 4 phương. Người Mông Cổ có triết lý về các chữ số lẻ, minh họa cho một vòng tròn cuộc sống bắt đầu bằng hạnh phúc và kết thúc cũng bằng hạnh phúc. Số tầng bánh tùy thuộc vào độ tuổi của người già và địa vị xã hội của gia đình. Một gia đình trung niên thường xếp 5 tầng, gia đình trẻ thì 3 tầng, trong khi gia đình có người lớn tuổi hoặc địa vị cao thì bày 7 đến 9 tầng. Ngoài ra, còn có các món đuôi cừu, thịt cừu, thịt ngựa, cơm với sữa đông và một loại bánh bao nhân thịt hấp gọi là “buuz”. Đây là món bánh khá nổi tiếng có vỏ làm bằng bột mỏng, màu trắng. Nhiều gia đình chuẩn bị đến vài nghìn chiếc bánh. Ở vùng nông thôn, mỗi khi biết có nhà đang làm bánh nhân thịt, họ hàng và bạn bè sẽ kéo tới phụ giúp.
Trong những ngày đầu năm, người Mông Cổ tin rằng, nơi ở sạch sẽ mang lại may mắn nên hầu hết các gia đình đều bận rộn dọn dẹp, sửa chữa đồ đạc bị hỏng. Trong đêm giao thừa - được gọi là “Bituun”, nhà cửa, đồ ăn, bàn tiệc đều phải sẵn sàng. Vào ngày này, gia đình quây quần quanh ông bà, cha mẹ, thực hiện những nghi lễ đặc biệt và ăn uống thật no. Người Mông Cổ nghĩ rằng, để bụng đói vào ngày này sẽ là điềm báo đói kém.
Buổi sáng đầu tiên của năm, mọi người phải thức dậy rất sớm và chuẩn bị sẵn những bộ quần áo mới để mặc. Sau đó, nam giới sẽ leo lên ngọn núi gần nhà nhất để ngắm mặt trời mọc, còn phụ nữ ở nhà pha trà sữa, thực hiện nghi thức dâng lên thần linh, cầu mong những điều tốt đẹp.
Đã có một thời gian dài (từ khoảng năm 1950 đến những năm 1960), Tsagaan Sar bị cấm ở thành thị do liên quan đến quan điểm tôn giáo. Chỉ những người chăn nuôi ở nông thôn mới được phép tổ chức ngày lễ này. Đến tận sau năm 1988, ngày lễ truyền thống quan trọng này mới lại được khôi phục trên toàn quốc và trở thành một ngày lễ đoàn viên, thể hiện lòng kính trọng người già và khuyến khích những người Mông Cổ trẻ tuổi tìm hiểu về truyền thống và văn hóa. Hơn nữa, đây còn được coi là ngày lễ cổ vũ những người chăn nuôi vượt qua mùa đông khắc nghiệt, chào đón những ngày xuân ấm áp hơn.
Người Mông Cổ thường thực hiện nghi thức chào hỏi đặc biệt gọi là “Zolgolt” trong dịp lễ năm mới. Khi chào ai đó, người nhỏ tuổi duỗi cả hai tay với lòng bàn tay ngửa lên đỡ lấy khuỷu tay của người lớn tuổi. Sau đó người trẻ hơn sẽ hỏi thăm sức khỏe người lớn hơn một cách tôn trọng. Người lớn đáp lại và hôn hoặc ngửi cả hai má của người nhỏ tuổi.
Người Mông Cổ thường đón năm mới và ăn mừng Tsagaan Sar với tâm hồn lạc quan, trong sáng và trái tim nhân hậu, gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Người Mông Cổ cũng kiêng kỵ làm và nói những điều không hay trong ngày đầu năm bởi như vậy sẽ mang tới những điềm xấu cho cả một năm.