Về núi Sáng nghe chuyện người xưa

Đến với khu vực núi Sáng, thác Bay ở xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một vùng sơn thủy hữu tình và những câu chuyện về Anh hùng Đề Thám, về những vết tích của ngôi danh lam cổ tự Kim Tôn từ thời Lý - Trần.

Từ cổng Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức trông ra hồ Bò Lạc.

Từ cổng Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức trông ra hồ Bò Lạc.

Núi Sáng, hay còn gọi là Sáng Sơn, thuộc 2 huyện Sông Lô và Lập Thạch (Vĩnh Phúc), cách TP Vĩnh Yên chừng 30km về phía tây bắc. Núi Sáng nằm sát Tam Đảo, nối tiếp núi Lịch (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Núi Sáng cao 640m so với mặt nước biển, hợp với hàng chục ngọn núi to nhỏ khác thành dãy Sáng Sơn.

Khu vực này là một vùng sơn thủy hữu tình, bên cạnh núi và thác nước còn có Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức. Người dân trong vùng cho đến nay vẫn truyền tai nhau những địa danh hang Đề Thám, cây đa Đề Thám, Gò Đôn, bếp nuôi quân, bãi Bách Bung, đèo Mai Phục, thác “Trống giục quân reo”.

Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, dãy Sáng Sơn nằm giữa núi tổ Nghĩa Lĩnh (khu Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ), núi mẹ Tam Đảo và núi cha Ba Vì. Trước là dòng sông Lô, sau lưng là núi Sáng, giống như một bức thành vững chãi, một thế đất tay ngai “rồng cuộn hổ chầu”.

Những địa danh khu vực núi Sáng thường gắn liền với những huyền thoại li kì từ thuở hồng hoang dựng nước của cha ông ta như thác Bay, núi Hình Nhân, bãi Bách Bung… Có người mô tả núi Hình Nhân (núi Kim) mang hình một người đàn bà mang thai không có đầu đang nằm. Bên cạnh là núi Nón Treo, cạnh đó là núi Voi mang hình một chú voi đang nằm phủ phục. Trong núi Hình Nhân có đồi Chúa, nơi di tích chùa cổ Kim Tôn đã bị bỏ hoang nhiều năm, chỉ còn lại nền móng.

Năm 2009, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành khai quật khu vực chùa cổ Kim Tôn, tìm thấy nhiều hiện vật gồm các loại gạch, ngói và đồ gốm sứ... Chất liệu, hoa văn và họa tiết trang trí của các hiện vật có nhiều nét tương đồng với các loại vật liệu xây dựng tại tháp Bình Sơn (Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) và Hoàng thành Thăng Long.

Dựa trên các mẫu hình cổ vật và chất liệu, họa tiết hoa văn, người ta xác định chùa cổ Kim Tôn được xây dựng vào khoảng cuối thời Lý (1010 - 1225), đầu thời Trần (1225 - 1400), giai đoạn phát triển cực thịnh của Phật giáo tại Việt Nam. Ngôi cổ tự này là một trong những trung tâm Phật giáo lớn khi xưa. Hiện nay, cụm di tích đã được phục dựng tại khu vực nay là Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức.

Còn về cái tên thác Bay trên núi Sáng là tên mới đặt. Thời xưa gọi là thác “Trống giục quân reo”. Tương truyền rằng, thuở trước có ông Nguyễn Diên, là con một bà bán nước ở chân tháp Bình Sơn, chiêu tập quân sĩ chống lại bọn cướp để bảo vệ dân làng. Tiếng chiêng trống tập trận lẫn vào tiếng thác nước vang động một vùng. Thanh thế của Nguyễn Diên ngày càng lớn nên triều đình đem quân đánh dẹp. Dân gian kể rằng sau nhiều trận chiến, quân của Nguyễn Diên bị đánh tan, ông ôm kiếm chạy vào tháp Bình Sơn rồi biến mất.

Các câu chuyện về Nguyễn Diên nhuốm màu huyền thoại, nhưng núi Sáng, thác Bay hay tháp Bình Sơn cách thác Bay hơn 10km, là những di tích tồn tại đến ngày nay.

Đến với núi Sáng, tháp Bình Sơn hay vùng Sông Lô, Lập Thạch nói chung, du khách như lạc bước vào một vùng đất cổ, nơi con người đã sinh sống từ rất sớm, văn hóa địa phương vẫn còn lưu giữ nhiều tập quán từ thời Hùng Vương, ví như tục ăn đất, nghề làm gốm ở Lập Thạch, hội chọi trâu ở Sông Lô…

Trúc Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ve-nui-sang-nghe-chuyen-nguoi-xua-10293643.html