Bảo vệ cây xanh mùa mưa bão

Từ đầu mùa mưa bão đến nay, Công ty TNHH Một thành viên cây xanh đã cắt tỉa tán, hạ độ cao khoảng trên 60.000 cây xanh tại Hà Nội.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện đơn vị đang quản lý khoảng 170.000 cây bóng mát trong đô thị trên địa bàn 12 quận và 5 tuyến đường.

Ở khu vực đô thị Hà Nội hiện có gần 20 nghìn cây có tuổi đời trên 80 năm. Theo các chuyên gia, giải pháp để tránh việc cây gãy, đổ trong mùa mưa là cần phải tăng tần suất kiểm soát.

Ông Nguyễn Gia Mỹ, Đội phó Đội cắt tỉa cây xanh - Công ty TNHH Một thành viên cây xanh Hà Nội, cho biết: để chặt hạ một cây xanh, cây chết cũng như cành sâu mục, hoặc cong nghiêng có nguy cơ đổ trong mùa mưa bão, trước tiên, đơn vị phải khảo sát, đánh giá để nắm bắt từng tuyến phố, từng chủng loại cây bị sâu mục để báo cáo về phòng và khi có lệnh mới tiến hành xử lý, cắt tỉa, chặt hạ.

Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội, hiện nay, việc kiểm ta rà soát tình trạng chất lượng cây chủ yếu là bằng mắt thường và kinh nghiệm, việc sử dụng máy móc thiết bị chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên việc kiểm tra bằng mắt thường và kinh nghiệm vẫn là giải pháp chủ yếu.

Từ đầu mùa mưa bão đến nay, Công ty TNHH Một thành viên cây xanh đã cắt tỉa tán, hạ độ cao khoảng trên 60.000 cây.

Từ đầu mùa mưa bão đến nay, Công ty TNHH Một thành viên cây xanh đã cắt tỉa tán, hạ độ cao khoảng trên 60.000 cây.

Việc kiểm tra, rà soát, xử lý cây xanh trên các tuyến phố trong mùa mưa bão luôn nhận được sự ủng hộ của người dân.

Bà Đoàn Thị Phương (tổ dân phố số 5, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: "Tôi thấy vấn đề rà soát là rất cần. Mỗi một mùa mưa bão cây cối đổ rất nhiều, vừa thiệt cây trồng cổ thụ, vừa gây mất an toàn cho nhân dân". Tuy nhiên, theo bà Phương, quá trình chặt hạ, cắt tỉa cây cần làm sao cho trúng và có tác dụng.

Trước mùa mưa bão, các đơn vị duy trì cây xanh đều chuẩn bị nguồn cây bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng để trồng bổ sung, thay thế kịp thời các cây bóng mát bị đổ, gãy, phải chặt hạ. Tất cả những phương án ứng phó đều hướng tới mục tiêu giảm đến mức thấp nhất số lượng cây gãy, đổ, cũng như thiệt hại do cây gãy, đổ gây ra, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Đỗ Bắc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/bao-ve-cay-xanh-mua-mua-bao-258913.htm