'Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình'

Với mô hình 'Siêu thị đổi rác lấy quà tặng', đoàn viên thanh niên phường Chính Gián (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đã tạo nên một phong trào ý nghĩa, có sức lan tỏa mạnh mẽ về thông điệp tái chế rác thải nhựa, gìn giữ môi trường sống.

Siêu thị không giao dịch bằng tiền

Chiều thứ 7 hằng tuần, sân Trung tâm Văn hóa thể thao và học tập cộng đồng (Trung tâm Văn hóa Thể thao) phường Chính Gián rộn ràng tiếng nói cười của các bạn thanh niên Đoàn phường. Các bạn trẻ tất bật dựng kệ, sắp xếp các mặt hàng nhu yếu phẩm, tạo nên một “Siêu thị mini” ngay chính trong khoảng sân để sẵn sàng phục vụ người dân đến trao đổi đồ.

Hoạt động mua bán được giao dịch bằng chai nhựa, vỏ lon, giấy đã qua sử dụng. Ảnh: VGP/Minh Trang

Hoạt động mua bán được giao dịch bằng chai nhựa, vỏ lon, giấy đã qua sử dụng. Ảnh: VGP/Minh Trang

Anh Tôn Thất Tùng, Bí thư Chi đoàn Khu dân cư Tân Sinh 2, cho biết, tại siêu thị, hoạt động mua - bán không giao dịch bằng tiền mà bằng giấy vụn, chai nhựa, vỏ lon, pin đã qua sử dụng. Với 50 chai nhựa hoặc 50 vỏ lon các loại, hoặc 20 viên pin đã qua sử dụng hay 5 kg giấy vụn, mỗi cá nhân đổi được 1 phiếu mua hàng.

Người dân dùng phiếu mua hàng có thể đổi được các sản phẩm tại Siêu thị, 1 phiếu đổi được một trong các mặt hàng như xì dầu, nước rửa chén, nước mắm, tương ớt, nước ngọt, bột nêm, bơ, xà phòng rửa tay.... Nếu sử dụng 2 phiếu thì đổi được một trong các mặt hàng như đường, gạo nếp, thạch rau câu, dầu ăn, trứng gà, kem đánh răng, vở học sinh,... và những chậu cây xanh tự chế từ những chai nhựa.

Người dân đổi phiếu lấy hàng nhu yếu phẩm thiết yếu. Ảnh: VGP/Minh Trang

Người dân đổi phiếu lấy hàng nhu yếu phẩm thiết yếu. Ảnh: VGP/Minh Trang

“Đây đều là những mặt hàng rất thiết thực trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của các gia đình, đối tượng nào cũng có thể trao đổi được. Nhờ đó mô hình dễ dàng lan tỏa trong cộng đồng, giúp người dân trên địa bàn có thêm một địa chỉ đổi rác thải tái chế. Từ đó cùng thay đổi ý thức, chung tay hạn chế sử dụng rác thải nhựa”, anh Tôn Thất Tùng cho hay.

Cô Trần Thị Huệ, một chủ quán nước giải khát vỉa hè cho hay: “Khi có mô hình này tôi mừng lắm, trước kia mình toàn vứt đi hoặc cho phế liệu, nay có thể tận dụng quy đổi ra hàng thiết yếu trong nhà. Đúng là sáng tạo và thiết thực!”

Những chậu cây xanh tự chế bằng chai nhựa. Ảnh: VGP/Minh Trang

Những chậu cây xanh tự chế bằng chai nhựa. Ảnh: VGP/Minh Trang

Tuy còn nhỏ tuổi, em Lê Văn Minh (14 tuổi) cũng rất hào hứng với mô hình thú vị này của các anh chị đoàn viên thanh niên phường. Hằng tuần, em thu gom rác thải nhựa, vỏ lon, giấy báo trong nhà và đến thứ 7 chở ra đổi phiếu. “Từ mô hình này, em học được cách phân loại rác thải thế nào và có thể tự tay mình “đi chợ” đem đồ về cho mẹ. Em cảm thấy rất vui”, Minh phấn khởi chia sẻ.

Người thủ lĩnh tâm huyết

Công trình Khu vui chơi thiếu nhi được làm từ phế liệu là lốp xe. Ảnh: VGP/Minh Trang

Công trình Khu vui chơi thiếu nhi được làm từ phế liệu là lốp xe. Ảnh: VGP/Minh Trang

Mô hình “Siêu thị” này được anh Lê Trình, Bí thư Đoàn phường Chính Gián suy nghĩ và mạnh dạn phát động các đoàn viên thanh niên trong phường cùng chung tay làm.

Anh Lê Trình chia sẻ: “Tại địa bàn phường, mặc dù đã tổ chức tuyên truyền đến người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn thông qua nhiều hình thức khác nhau nhưng mức độ hưởng ứng chỉ dừng lại tại các buổi tuyên truyền, chưa thấy nhiều hoạt động hiệu quả thiết thực. Vì vậy, bản thân tôi thông qua những thông tin tìm hiểu được trên mạng, đã suy nghĩ và nảy ra ý tưởng triển khai mô hình siêu thị “Đổi rác thải nhựa lấy quà tặng”. Rất may mắn, mô hình được các bạn đoàn viên thanh niên cũng như người dân ủng hộ nhiệt tình. Rất nhiều người từ các địa phương khác nghe tiếng cũng đến tham gia”.

“Toàn bộ kinh phí ban đầu để triển khai Siêu thị được vận động trích từ nguồn kinh phí Đoàn, tiền cá nhân và đến những quán tạp hóa xin những mặt hàng khuyến mãi. Giấy vụn, chai nhựa, vỏ lon sau khi thu gom sẽ được đem đi bán ở cửa hàng phế liệu, gây quỹ để duy trì Siêu thị. Với pin đã sử dụng, tôi liên hệ Phòng Tài nguyên và Môi trường quận để xử lý phù hợp”, anh Trình chia sẻ.

Từ đầu tháng 6/2020 đến nay, siêu thị được mở cố định tại sân Trung tâm Văn hóa Thể thao phường Chính Gián từ 15h-17h thứ 7 hằng tuần và sau một thời gian hoạt động siêu thị đã thu gom về hơn 6.000 chai nhựa, 6.400 vỏ lon, 570 viên pin và 400 kg giấy các loại.

Nói về những dự định ấp ủ trong thời gian tới, anh Lê Trình cho biết, Đoàn phường đang lên kế hoạch chuyển từ hình thức Siêu thị cố định sang Siêu thị lưu động, di chuyển đến các khu dân cư và tận nhà dân để mô hình ngày càng được biết đến rộng rãi và đạt hiệu quả cao hơn.

Anh Lê Trình cho biết thêm, bên cạnh mô hình “Siêu thị đổi rác lấy quà tặng”, các đoàn viên phường Chính Gián còn xây dựng công trình “Khu vui chơi cho thiếu nhi” tại Trung tâm Văn hóa Thể thao phường được tận dụng từ các phế liệu như lốp xe, ống sắt... Công trình được quyên góp từ các cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn phường. Những phế liệu như lốp xe, ống sắt được mua và xin về, sau đó vệ sinh sạch sẽ và tái chế thành đồ chơi.

“Qua các mô hình tận dụng nguồn rác thải, phế liệu, chúng tôi mong muốn truyền tải thông điệp rằng “Mỗi người hãy thực hành tái chế ngay trong chính ngôi nhà của mình, có ý thức hơn về bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cho cuộc sống của chính mình trong tương lai", anh Trình bày tỏ.

Đánh giá về các mô hình thiết thực trên, anh Nguyễn Bá Duân, Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng cho biết, mô hình “Siêu thị đổi rác lấy quà tặng” trở thành một mô hình điển hình của thanh niên Thành phố trong phong trào chống rác thải nhựa, được nhiều địa phương đến tham quan học hỏi cách làm, định hướng trong thời gian tới sẽ triển khai nhân rộng trên địa bàn Thành phố. Anh Lê Trình, người sáng lập mô hình cũng như xây dựng nhiều mô hình sáng tạo khác, được công nhận là điển hình của TP. Đà Nẵng và được trao Giải thưởng Lý Tự Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn vừa qua.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/bao-ve-moi-truong-la-bao-ve-chinh-minh/426854.vgp