Bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản

Hiện nay, các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô hộ gia đình, cá nhân. Các cơ sở chế biến này nằm xen lẫn trong các khu dân cư, nên có những tác động xấu đến môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân, trong khi việc quản lý về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở này gặp không ít khó khăn.

Thôn Hồng Sơn, xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) có 2 cơ sở chế biến gỗ. Theo phản ánh của người dân nơi đây, các hoạt động cưa, xẻ, bào, đục, mài… tại các cơ sở này gây nhiều tiếng ồn, khói, bụi… khiến nhiều hộ phải đóng kín cửa, che chắn bằng đủ loại vật liệu để giảm ảnh hưởng. Điều khiến các hộ xung quanh bức xúc nhất là việc phun sơn từ các xưởng chế biến gỗ gây mùi khó chịu và độc hại. Anh N.V.A, sống gần một xưởng chế biến gỗ nói: Những ngày nắng ráo, đặc biệt vào dịp cuối năm, việc phun sơn diễn ra thường xuyên, mùi hóa chất rất kinh khủng, có che chắn, bịt kín quanh nhà vẫn không tránh được. Chúng tôi đã phản ánh vấn đề này nhiều lần với chủ cơ sở và chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Không riêng xã Vạn Hòa mà đại đa số cơ sở chế biến lâm sản (chủ yếu là chế biến gỗ) có quy mô nhỏ trên toàn tỉnh hiện nay nằm trong các khu dân cư. Huyện Bảo Thắng hiện có hơn 130 cơ sở chế biến lâm sản vừa và nhỏ của các hợp tác xã, hộ dân. Các cơ sở chế biến lâm sản đã giúp người trồng rừng kinh tế không phải lo đầu ra, nhiều lao động địa phương có việc làm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, qua kiểm tra, thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện 76 cơ sở không thực hiện cam kết môi trường; 10 cơ sở không có phương án phòng, chống cháy nổ.

Các cơ sở nằm rải rác trong các khu dân cư.

Các cơ sở nằm rải rác trong các khu dân cư.

Đơn cử như tại xã Xuân Quang, hiện có 8 cơ sở chế biến lâm sản. Các cơ sở này thu mua gỗ rừng trồng cho người dân trong xã và các địa phương lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, các cơ sở nằm rải rác trong các khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. Ông Trần Đức Khải, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang cho biết: Hiện nay, huyện Bảo Thắng nói chung và Xuân Quang nói riêng chưa có khu vực dành riêng cho các cơ sở chế biến lâm sản. Mặc dù trong quy hoạch chung, UBND xã đã quy hoạch khu vực dành riêng cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, tại thôn Bắc Ngầm với tổng diện tích khoảng 12,5 ha, tuy nhiên do thiếu nguồn kinh phí nên chưa triển khai xây dựng được.

“Trước mắt, khi chưa đưa các cơ sở chế biến lâm sản vào khu tập trung, địa phương sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở chấp hành tốt vấn đề vệ sinh môi trường” - ông Trần Đức Khải nói.

Huyện Bảo Yên hiện có hơn 50 cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động (trong đó có một số cơ sở không có giấy phép hoạt động). Những năm qua, các cơ sở này đã góp phần tiêu thụ lượng lớn gỗ rừng trồng của các hộ, tạo doanh thu hàng chục tỷ đồng và góp phần giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động trực tiếp và hàng nghìn việc làm cho các hộ, hợp tác xã trồng rừng. Tuy nhiên, do hầu hết cơ sở này có quy mô hộ gia đình, cá nhân, lại nằm xen lẫn trong các khu dân cư nên có những tác động xấu đến môi trường.

Xã Cam Cọn có 7 cơ sở chế biến lâm sản (4 cơ sở sản xuất ván bóc). Theo ông Hồ Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Cam Cọn, các cơ sở chế biến lâm sản, nhất là cơ sở chế biến ván bóc đều chưa chấp hành nghiêm công tác bảo vệ môi trường, khiến người dân bức xúc vì gây khói bụi và ô nhiễm môi trường, nhưng việc kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn do vướng về quy định, thủ tục pháp lý, bởi các cơ sở này khi hoạt động thì không cần có hồ sơ đánh giá tác động môi trường, nên không có căn cứ để xử lý vi phạm.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 200 cơ sở chế biến lâm sản. Những năm gần đây, do sự phát triển của công nghệ, các sản phẩm phụ từ việc chế biến gỗ đều được tận dụng nên giảm đáng kể tình trạng phát thải chất thải ra môi trường.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Đắc Long, Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh), trên thực tế vẫn có cơ sở chế biến lâm sản quy mô nhỏ và “siêu nhỏ”, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm, nhiều cơ sở hoạt động mà không đăng ký sản xuất, kinh doanh, không có kế hoạch, cam kết bảo vệ môi trường. Trong khi đó, công tác đấu tranh với các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản nhỏ lẻ còn nhiều khó khăn, vướng mắc do hành lang pháp lý về xử lý hình sự và xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực môi trường chưa được quy định cụ thể và chưa đủ sức răn đe.

Được biết, thời gian qua, để tăng cường công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở chế biến lâm sản, ngày 9/3/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm về lĩnh vực môi trường đối với các cơ sở chế biến lâm sản, trường hợp cần thiết đình chỉ các cơ sở nếu gây ô nhiễm môi trường.

Đối với những cơ sở chế biến lâm sản, quy mô lớn (Nhà máy chế biến MDF tại huyện Bảo Yên, nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu tại huyện Bảo Thắng)... Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn định kỳ tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, qua kiểm tra cho thấy một đơn vị vẫn còn tồn tại, như công tác quản lý chất thải nguy hại, việc thực hiện quan trắc giám sát định kỳ về môi trường… Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các đơn vị khắc phục ngay.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật về môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản, các huyện, thị xã, thành phố và tỉnh cần khẩn trương quy hoạch và xây dựng các khu, cụm tiểu thủ công nghiệp để đưa các cơ sở chế biến lâm sản từ khu dân cư vào sản xuất tập trung trong các khu, cụm tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường tăng cường hơn nữa công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361356-bao-ve-moi-truong-tai-cac-co-so-che-bien-lam-san