Bảo vệ ngân hàng bị cướp đâm chết có được công nhận liệt sĩ?
Để xem xét công nhận liệt sĩ cho bảo vệ ngân hàng, ngoài quy định pháp luật còn căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra, đề nghị của địa phương.
Như báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, bảo vệ ngân hàng chết trong vụ cướp tại TP Đà Nẵng là ông Trần Văn Thành (50 tuổi, ngụ quận Thanh Khê), nhân viên thuộc Công ty Dịch vụ Bảo vệ An ninh (trụ sở ở TP Đà Nẵng).
Cụ thể, khoảng 14 giờ ngày 22-11, Trần Văn Trí (22 tuổi, trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và Nguyễn Mạnh Cường (25 tuổi, trú xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đã vào chi nhánh một ngân hàng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) để cướp.
Trước thái độ hung bạo của Trí và Cường, ông Thành kiên quyết ngăn chặn, chống trả quyết liệt, đuổi theo kẻ cướp ngân hàng và bị người này dùng dao đâm vào lưng khiến ông tử vong.
Đau đớn trước sự mất mát quá lớn, người thân trong gia đình nạn nhân mong muốn cơ quan chức năng công nhận liệt sĩ đối với ông Thành.
Việc xem xét công nhận liệt sĩ luôn được cơ quan nhà nước thẩm định một cách kỹ lưỡng và hết sức thận trọng.
Cục Người có công: Thận trọng khi xem xét công nhận liệt sĩ
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho hay điều kiện và tiêu chuẩn để công dân được công nhận liệt sĩ hiện nay được áp dụng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 và Nghị định 131/2021.
Căn cứ vào điểm k, điểm e khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 và khoản 6 Điều 14 Nghị định 131/2021 thì một người sẽ được xem xét, công nhận liệt sĩ trong các trường hợp sau: Đặc biệt dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh. Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
“Hành động của ông Thành trong trường hợp này là rất dũng cảm để ngăn chặn và bắt giữ các đối tượng cướp tài sản của ngân hàng, nơi ông làm nhiệm vụ bảo vệ. Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, tôi thấy rằng ông Thành có đủ tiêu chuẩn để được xem xét, công nhận liệt sĩ bởi hành động dũng cảm của mình” - luật sư Tuấn nhận định.
Tương tự ý kiến trên, luật sư Nguyễn Chí Tường (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) phân tích thêm: “Trong trường hợp này, nhiều người có thể thờ ơ, bỏ qua, chọn sự an toàn cho chính mình nhưng anh bảo vệ đã rất dũng cảm chọn con đường chống lại cái xấu, hành động này cần được tôn vinh”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Long, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), để tiến tới việc xem xét công nhận liệt sĩ thì ngoài bám sát quy định hiện hành phải căn cứ vào kết luận sự việc của cơ quan điều tra, đề nghị của địa phương.
“Hiện nay, chúng tôi chưa tiếp nhận những tài liệu này” - ông Long nói.
Thực tế thời gian qua, Cục Người có công đã tham mưu cho Thủ tướng công nhận liệt sĩ cho nhiều công dân không thuộc lực lượng vũ trang.
Theo Cục Người có công, danh hiệu liệt sĩ có ý nghĩa rất thiêng liêng và cao cả, do vậy việc xem xét công nhận liệt sĩ luôn được cơ quan nhà nước thẩm định một cách kỹ lưỡng và hết sức thận trọng.
Người được xem xét công nhận liệt sĩ phải gồm các yếu tố sau:
Nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm và tính cấp bách của sự việc;
Chủ động thực hiện hành vi đặc biệt dũng cảm, chấp nhận hy sinh bản thân;
Bảo vệ lợi ích quan trọng của Nhà nước, tính mạng và lợi ích hợp pháp của nhân dân hoặc để ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
Là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội...
(Theo khoản 6 Điều 14 Nghị định 131/2021)
Đã có nhiều công dân được công nhận liệt sĩ
Thực tế thời gian qua đã có những trường hợp người dân dũng cảm hy sinh để bảo vệ người, tài sản của Nhà nước, nhân dân và được công nhận liệt sĩ.
Điển hình, tháng 7-2019, Thủ tướng đã ký quyết định công nhận sinh viên Hoàng Đức Hải (22 tuổi, trú thôn Hồng Kỳ, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) là liệt sĩ vì đã dũng cảm hy sinh khi cứu sống ba người bị đuối nước vào ngày 8-2-2018.
Cụ thể, khoảng 12 giờ 30 ngày 8-2-2018 (nhằm ngày 23 tháng Chạp), chị LThL cùng hai con nhỏ ra sông Ghép (đoạn gần cầu Ghép) để thả cá chép tiễn ông Táo về trời.
Con gái nhỏ của chị L bị trượt chân ngã xuống sông, chị L và con gái lớn đều nhảy xuống để cứu cháu nhỏ thì cả ba người bị đuối nước.
Nghe tiếng kêu cứu, anh Hoàng Đức Hải, sinh viên năm thứ tư Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội, cùng một số người ở gần đó đã bơi ra sông, cứu được ba mẹ con chị L, đẩy vào bờ an toàn. Anh Hải kiệt sức nên bị nước chảy xiết cuốn đi.
Tiếp đó, ngày 27-7-2021, Thủ tướng quyết định công nhận liệt sĩ cho công dân Châu Khêl (37 tuổi, người dân tộc Khmer, trú xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu).
Sự việc xảy ra lúc 18 giờ ngày 21-10-2020, ông La Văn Thuận (ngụ phường 3, TP Bạc Liêu) khi kiểm tra cống nước thải tại chợ nông sản - thực phẩm (phường 3, TP Bạc Liêu) không may bị co giật dưới cống nước thải. Ông Thuận kêu cứu nhưng không ai dám nhảy xuống cứu vì sợ nguy hiểm đến tính mạng.
Lúc này, ông Châu Khêl đã dũng cảm quên mình nhảy xuống cống nước thải để cứu ông Thuận, dù có người ngăn cản. Tuy nhiên, sau khi đưa được ông Thuận từ dưới cống lên, ông Châu Khêl bị kiệt sức, tử vong dưới cống nước thải.•