Bảo vệ người tiêu dùng: Học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề không chỉ của riêng cơ quan, đơn vị hay quốc gia nào. Trong đó, một số quốc gia đã hoàn thiện thể chế tương đối để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt thông qua công tác của Hội bảo vệ người tiêu dùng như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thương mại càng phát triển thì các giao dịch liên quan đến thương mại càng gia tăng, kéo theo quan hệ giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp càng trở nên phức tạp, dễ phát sinh tranh chấp hoặc hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Ở các nước trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung, người tiêu dùng có nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau để tìm đến khi có nhu cầu được bảo vệ quyền lợi trong các giao dịch.

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được triển khai bởi nhiều cơ quan khác nhau của Chính phủ Nhật Bản như Hội đồng Chính sách tiêu dùng, Hội đồng Chính sách chất lượng cuộc sống, Văn phòng Nội các và các Bộ, cơ quan khác.

Trong đó, Hội đồng Chính sách tiêu dùng là Hội đồng tương đương một Bộ được sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và dựa trên Đạo luật tiêu dùng cơ bản. Hội đồng có hai mục tiêu cơ bản: thúc đẩy kế hoạch xây dựng chính sách người tiêu dùng và xây dựng các dự thảo Kế hoạch cơ bản tiêu dùng. Hội đồng có vai trò thúc đẩy thực hiện chính sách người tiêu dùng và cũng có thể xác minh, đánh giá và giám sát việc thực hiện chính sách người tiêu dùng.

Hội đồng Chính sách chất lượng cuộc sống là một cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ, được thành lập trong Văn phòng Nội các. Hội đồng bao gồm các học giả, đại diện của các tổ chức người tiêu dùng, đại diện của các doanh nghiệp lớn và các chuyên gia khác trong lĩnh vực này. Hội đồng sẽ đưa ra các nghiên cứu đánh giá và thảo luận về các vấn đề cơ bản và quan trọng về chính sách người tiêu dùng.

Trong khi đó, Văn phòng Nội các và các Bộ, cơ quan khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Mỗi bộ và cơ quan có liên quan sẽ thực hiện các chính sách của người tiêu dùng trong thẩm quyền. Văn phòng Nội các sẽ thực hiện việc điều phối chung các chính sách cơ bản của người tiêu dùng giữa các Bộ, cơ quan liên quan và phục vụ như các văn phòng liên lạc của Hội đồng Chính sách tiêu dùng và Hội đồng Chính sách chất lượng của cuộc sống.

Tại nước này, Hội Bảo vệ người tiêu dùng là tổ chức người tiêu dùng có đủ tư cách sử dụng quyền yêu cầu lệnh cấm một cách thích hợp để bảo vệ lợi ích của toàn thể người tiêu dùng. Hiện tại ở Nhật Bản có 10 tổ chức như thế được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Các tổ chức này hoạt động dưới hình thức là pháp nhân phi lợi nhuận hoặc pháp nhân tổ chức thông thường hoặc các quỹ tài trợ thông thường. Nhiệm vụ của Hội Bảo vệ người tiêu dùng là yêu cầu lệnh cấm khi phát hiện ra các hành vi bất hợp pháp của người kinh doanh vi phạm pháp luật về người tiêu dùng nhằm đình chỉ/ngăn chặn các hành vi này. Khi các hành vi nói trên gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì Hội Bảo vệ người tiêu dùng xem xét toàn bộ vụ việc và đàm phán, hòa giải ngoài tòa án nhằm cải thiện nghiệp vụ kinh doanh của người kinh doanh. Với các vụ việc nghiêm trọng Hội này có thể thay mặt người tiêu dùng tiến hành khởi kiện ra tòa án và đưa thông tin tới Tổng cục Người tiêu dùng công bố nhằm cảnh báo, ngăn ngừa sự việc tương tự.

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, hệ thống chính sách về bảo vệ người tiêu dùng được xây dựng bao gồm 5 mục tiêu chính: hỗ trợ và khắc phục thiệt hại của người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại công bằng, an toàn người tiêu dùng, cung cấp thông tin tiêu dùng và đào tạo người tiêu dùng. Trong đó, Ủy ban Thương mại lành mạnh (KFTC) là cơ quan đầu mối phối hợp với 16 cơ quan khác của Chính phủ có nhiệm vụ thực thi pháp luật và chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) được thành lập vào năm 1987 với nhiệm vụ tiến hành điều tra theo yêu cầu của chính quyền Trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hàn Quốc đưa vào sử dụng Tổng đài tư vấn thống nhất và duy nhất từ năm 2010 tới nay. KFTC là cơ quan chủ quản của tổng đài; ngoài ra KCA, tổ chức người tiêu dùng (10 tổ chức và 200 chi hội) và 16 chính quyền địa phương (trung tâm quản lý tiêu dùng của 16 tỉnh/thành phố) cùng tham gia vào hệ thống tư vấn tổng hợp này. Ngân sách chi cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tại các địa phương Hàn Quốc khoảng 270 triệu Won (1 Won ~ 20 VND) vào năm 2014. Ngoài ra các địa phương sẽ chủ động bố trí nguồn ngân sách phù hợp cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương.

Về công tác tư vấn và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng tại địa phương, chính quyền địa phương phụ trách tư vấn các nội dung thông thường. Nội dung tư vấn bao gồm giải thích pháp luật và các tiêu chuẩn giải quyết tranh chấp cho người tiêu dùng và hướng dẫn cách thương lượng với nhà cung cấp. Khi tư vấn không giải quyết được thì KCA sẽ vào cuộc để đưa ra phương án thương lượng.

Số lượng cuộc gọi tư vấn và khiếu nại được ghi nhận qua tổng đài 1372 trung bình khoảng 800.000 cuộc/năm. Trong đó các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận và xử lý khoảng 69,9%, KCA là 24,5% và ở các địa phương là 5,7%.

Từ thực tiễn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Hàn Quốc cho thấy, Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm đến công tác bảo vệ quyền lợi người người tiêu dùng. Nhiệm vụ triển khai hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giao cho Ủy ban Thương mại không lành mạnh lên kế hoạch, phối hợp với các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương để triển khai. Tại Hàn Quốc cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng giao một số nhiệm vụ như tư vấn hướng dẫn, tuyên truyền và giải quyết khiếu nại cho Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Để thực hiện những nhiệm vụ trên, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc hỗ trợ kinh phí cho các hội để triển khai.

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy muốn công tác bảo vệ người tiêu dùng được triển khai tốt thì cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự mạnh, cần có một cơ quan làm đầu mối để lên kế hoạch, theo dõi, phối hợp với các cơ quan có liên quan, cần có sự vào cuộc của nhiều Bộ ngành, có liên quan.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung-hoc-hoi-kinh-nghiem-tu-quoc-te-167952.html