Bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho DN, người dân và nền kinh tế. Song, thực tế cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như xây dựng môi trường kinh doanh online lành mạnh, an toàn.

Không phủ nhận thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong những năm qua đã trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. TMĐT đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, trở thành công cụ, phương thức kinh doanh quan trọng của nhiều DN.

Tuy nhiên, bên cạnh một số sàn TMĐT làm tốt vấn đề hậu mãi, cố gắng bảo đảm quyền của khách hàng, vẫn còn không ít sàn TMĐT chưa quan tâm đến quyền lợi của khách hàng, khiến người tiêu dùng đối mặt với nhiều rủi ro như: mất an toàn thông tin cá nhân, bị lừa đảo trực tuyến, mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, trung bình mỗi năm, đơn vị xử lý từ 500 - 2.000 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan giao dịch online.

Điều đáng nói, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… đặc biệt là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024).

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi đã nảy sinh một số vướng mắc về quy định, ví như quyền hạn, nguồn lực để thực thi chưa cụ thể, chưa phân loại chi tiết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng lĩnh vực cụ thể, từng nhóm hàng hóa, sản phẩm nhất định hay từng phương thức bán hàng khác nhau.

Trước thực trạng trên, để bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường TMĐT, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp nhằm hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao đạo đức, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người tiêu dùng của các DN bán hàng trực tuyến; nâng cao năng lực thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cơ quan Nhà nước có liên quan; đặc biệt là nâng cao vai trò của Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Hiệp hội ngành hàng.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra vi phạm pháp luật về bán hàng trực tuyến và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được tăng cường, song hành với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kiểm soát hành vi bán hàng trực tuyến để bảo đảm tính thống nhất, khả thi.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị người tiêu dùng cần quan tâm, hiểu biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi của chính mình, nhất là kiến thức về tiêu dùng an toàn, thông minh, bền vững, cũng như kịp thời phản hồi, có ý kiến góp ý tới các cơ quan chức năng đối với hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của các DN.

Trên thực tế, quản lý bán hàng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên sàn TMĐT là chuyện không dễ. Công tác quản lý muốn hiệu quả phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ TT&TT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước) là hết sức cần thiết. Đây được coi là giải pháp căn cơ để xử lý chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và chống thất thu thuế, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng trực tuyến.

Ngọc Ánh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung-truc-tuyen.html