Bảo vệ rừng bền vững từ nông nghiệp sinh thái
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng môi trường toàn cầu, nông nghiệp bền vững đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Đây là hướng đi tất yếu để đảm bảo sự cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nông nghiệp gắn liền với bảo vệ, khai thác rừng bền vững
Liên minh Châu Âu (EU) vừa ban hành Luật Chống phá rừng (EU 2023/1115), mở ra đồng thời cả cơ hội và thách thức cho nông sản Việt Nam. Quy định này yêu cầu tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào EU, bao gồm cả các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như cà phê, cao su, gỗ, phải đảm bảo không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng.
Ngoài ra, thịt gia súc, ca cao, dầu cọ, đậu nành và nhiều sản phẩm nông lâm nghiệp cũng phải chịu tác động trực tiếp. Được thông qua vào ngày 19/4/2023, Luật Chống phá rừng của EU yêu cầu các nhà xuất khẩu không chỉ tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt mà còn phải chứng minh nguồn gốc sản phẩm từ các vùng đất không bị phá rừng sau ngày 31/12/2020.
Đáng nói, Luật này sẽ có hiệu lực toàn bộ sau 18 đến 24 tháng nữa, tức là nông sản Việt Nam chỉ còn chưa đến 2 năm để chuẩn bị và tuân thủ các yêu cầu khắt khe từ EU, nếu không muốn mất đi một phần thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng ba điều kiện chính: sản xuất trên đất không bị phá rừng, tuân thủ các quy định pháp luật của quốc gia sản xuất, và có hệ thống thẩm định rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc ngành Nông nghiệp Việt Nam cần đầu tư mạnh vào hệ thống truy xuất nguồn gốc và đảm bảo sự minh bạch trong chuỗi cung ứng. Việc cấp mã số vùng trồng, xác định vị trí địa lý sản xuất và lưu trữ hồ sơ về quá trình sản xuất sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn xuất khẩu nông sản sang EU.
Ví dụ, với mặt hàng cà phê, mặc dù diện tích trồng cà phê hiện nay chủ yếu được trồng cách đây 20 - 30 năm và ít bị ảnh hưởng bởi Luật Chống phá rừng, nhưng Việt Nam vẫn cần chứng minh được nguồn gốc rõ ràng của sản phẩm. Cùng với đó, các mặt hàng khác như cao su và gỗ, vốn đã và đang đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu, cũng cần được truy xuất đầy đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường mới.
Nông nghiệp bền vững là xu thế tất yếu
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp bền vững tại buổi lễ ra mắt sách về nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Công Tạn mới đây. Theo ông, nông nghiệp không chỉ đảm bảo sinh kế cho hàng triệu nông dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và phát triển kinh tế đất nước.
Việt Nam từ một quốc gia nhập khẩu lương thực đã vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt trên 53 tỷ USD, tiếp cận đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nông nghiệp đã bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, qua đó vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; vừa nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn.
Nông nghiệp bền vững không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất nông nghiệp đến môi trường. Đây là “chìa khóa” để giảm thiểu sự mất mát tài nguyên đất và nước, bảo tồn rừng, ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu.
Năm 2018, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện để tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với châu Âu. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đã tạo thế chủ động, điểm mạnh cho sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu.
Chủ trương “đóng cửa rừng tự nhiên” tại Chỉ thị 13-CT/TW năm 2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 đều hướng tới hạn chế và loại bỏ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng bất hợp pháp.
Trong tầm nhìn dài hạn, Việt Nam hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, gắn kết chặt chẽ với các tiêu chuẩn quốc tế. Những yêu cầu mới về toàn cầu hóa, công nghệ hóa và xanh hóa đã thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam không ngừng đổi mới và tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững.