Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu
Tết Trung thu đã cận kề, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu đang tăng đột biến. Trên phạm vi cả nước, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn, cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo đảm an toàn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, các địa phương trong cả nước đã tăng cường triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm với mục tiêu nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm có chất lượng, vệ sinh an toàn cho sức khỏe trong dịp Tết Trung thu.
Tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm
Tỉnh Đắk Lắk đã tập trung kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá chỉ tiêu chất lượng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm được tập trung sử dụng hoặc phục vụ trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, mứt, bánh kẹo các loại, nước giải khát,...
Tỉnh thành lập hai đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 3 huyện: Krông Pắc, Ea Kar, Cư M’gar. Đoàn liên ngành kiểm tra công tác chỉ đạo và triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu của địa phương và thanh tra, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như cơ sở sản xuất lớn, chợ đầu mối, siêu thị,…
Tại tỉnh Quảng Trị, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao khi dịp Tết Trung thu về. Thị trường hàng hóa sôi động, nhộn nhịp hơn ngày thường, đặc biệt là mặt hàng bánh trung thu, bánh kem kèm theo các đồ ăn uống yêu thích của giới trẻ hiện nay. Bên cạnh ý thức của người dân trong việc lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về đảm bảo an toàn thực phẩm đã góp phần quan trọng để mọi người dân được đón Tết Trung thu an toàn, trọn vẹn.
Tỉnh Quảng Trị đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm; tập trung kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu thực phẩm các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Đồng thời kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ ngày 11-15/9/2023, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã làm việc tại thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh và huyện Hướng Hóa. Đoàn đã kiểm tra 5 cơ sở sản xuất bánh kẹo, bánh kem, kinh doanh hàng bao gói, dịch vụ ăn uống và đã lấy 2 mẫu bánh trung thu của Chi nhánh Công ty cổ phần tập đoàn Kido và cơ sở sản xuất bánh trung thu Hưng Ký gửi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Kết quả các mẫu gửi kiểm nghiệm đạt các chỉ tiêu Coliform tổng số, Staphylococcus aureus, Bacillus Cereus, Aflatoxin B1, Chì (Pb).
Tại Bà Rịa -Vũng Tàu, từ ngày 18 - 20/9, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra 8 cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, huyện Long Điền và Xuyên Mộc.
Đoàn kiểm tra đánh giá, nhìn chung, các cơ sở chấp hành tốt quy định về thủ tục hành chính như công bố chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; tuân thủ điều kiện quy định bắt buộc trong sản xuất, kinh doanh như: điều kiện nhà xưởng, vệ sinh môi trường, bảo quản thực phẩm, tem nhãn nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng…
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở nhỏ lẻ chưa đáp ứng được các yêu cầu về mặt giấy tờ như bản công bố chất lượng sản phẩm, danh sách xác nhận tập huấn kiến thức an toàn về sinh thực phẩm cho nhân viên, bản xét nghiệm chất lượng bánh trung thu, Bản đăng ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Đoàn đã lập biên bản và mời cơ sở về làm việc…
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở
Mỗi dịp cận kề Tết Trung thu, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đều có những khuyến cáo thiết thực đối với các địa phương, người tiêu dùng.
Trong công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị các đơn vị phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Trong đó, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Đồng thời kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghi các địa phương tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Trong đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
Đối với người tiêu dùng, cần hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm…