Bất chấp thách thức, kinh tế Việt Nam còn nhiều động lực tăng trưởng
Mặc dù vẫn còn những khó khăn, thách thức, nhưng từ những điểm sáng trong 'bức tranh' tăng trưởng kinh tế thời gian qua, các đại biểu Quốc hội kỳ vọng, GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 7% trong năm nay và từ 7 - 7,5% vào năm 2025.
Phát huy động lực tăng trưởng nội sinh
Khi đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhiều đại biểu Quốc hội đã dành những tính từ “có cánh” để mô tả.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) khẳng định, với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan bất chấp thách thức toàn cầu, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, xuất khẩu mạnh mẽ; đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) bổ sung thêm, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhờ sự phát triển bền vững và năng lực điều hành linh hoạt của Chính phủ, dự báo Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới, khẳng định vai trò nổi bật của Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế.
Đây có thể nói là nền tảng vững vàng để tăng trưởng kinh tế tiệm cận hơn với mục tiêu đã đặt ra là trên 7% vào cuối năm 2024 và 7-7,5% vào năm 2025.
Mặc dù đã có nền tảng, song, thách thức cũng không ít. Kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xung đột chính trị tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ khó lường, chưa có hồi kết có thể vẫn ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Vì lẽ đó, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cần làm rõ hơn các lĩnh vực tiên phong, chiến lược toàn diện để có định hướng phát triển đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Hiến kế, một số đại biểu gợi ý, bên cạnh việc khuyến khích phát triển các động lực mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn,...Việt Nam cần phải đánh thức, phát triển 3 động lực nội sinh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nêu: “Chúng ta cần phải đánh thức, phát triển ba động lực nội sinh, đó là: khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch. Đây là những thế mạnh của Việt Nam chúng ta từ đặc điểm kinh tế chính trị - xã hội, điều kiện thiên nhiên,... Ba lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước. Do đó, rất mong Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến 3 lĩnh vực này”.
Ở góc nhìn khác, một số đại biểu cho rằng các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, vốn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn nữa vào các công trình trọng điểm. Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, cần phải giải đáp được câu hỏi “tại sao đầu tư công lớn mà không dẫn dắt được đầu tư?” đồng thời làm rõ được điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư vào vào nền kinh tế. Trong đó, phải lấy doanh nghiệp làm trụ cột và phải đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất, nên chăng cần mạnh dạn giao cho doanh nghiệp tư nhân triển khai các công trình trọng điểm quốc gia để tăng tỷ trọng đầu tư tư đối với toàn xã hội.
Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025, một số đại biểu đề xuất Chính phủ rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ưu tiên chính sách, tạo môi trường để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp.
Mạnh dạn đi qua "lối mòn tư duy" trong xây dựng pháp luật
Cũng nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc tiếp tục tháo gỡ nút thắt về môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải cách thể chế, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính là một trong ưu tiên quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra.
Quy mô nền kinh tế năm 2025 có thể đạt 500 tỷ USD
Trong dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, khoảng 7 - 7,5%. Với đà tăng này, quy mô nền kinh tế năm 2025 có thể đạt 500 tỷ USD. Nếu đạt được mục tiêu này, đây sẽ là dấu mốc quan trọng củng cố vị thế kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) khẳng định, thủ tục hành chính rườm rà trong kinh doanh vẫn đang là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân, doanh nghiệp. Thế nhưng thực tế vẫn còn tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm. Dẫn chứng bằng số liệu từ năm 2021 đến tháng 8/2024, nữ đại biểu cho hay, có hơn 3.000 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. Con số này phần nào cho thấy hạn chế trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua. Ở một khía cạnh nào đó, việc tổng hợp, lấy ý kiến người dân với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật là vô cùng quan trọng. Song, công việc này vẫn còn hình thức và chưa mang lại hiệu quả cao.
“Có những Cổng thông tin của các bộ, ngành rất ít người dân truy cập để ý kiến, phản hồi về dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những lý do là hình thức xin ý kiến các tầng lớp nhân dân vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật còn rất hàn lâm. Chỉ đăng tải toàn văn dự thảo, trong khi nội dung xin ý kiến, sửa đổi chỉ tập trung vào một số vấn đề” - bà Nga cho hay.
Để khắc phục hạn chế trong xây dựng pháp luật, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) cho rằng, đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng chỉ quy định những vấn đề khung là “sự mạnh dạn đi qua lối mòn tư duy” để mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về phía trước. Vì vậy, đại biểu kiến nghị thể chế hóa kịp thời định hướng này để tạo căn cứ cho việc tổ chức thực hiện. Khi đổi mới công tác xây dựng pháp luật cũng có nghĩa là trách nhiệm xây dựng pháp luật sẽ đặt lên vai Chính phủ nhiều hơn, đòi hỏi thực hiện tiêu chí “đúng vai, thuộc bài” để nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật.
“Đúng vai nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân nhưng đồng thời cũng không bỏ vai, cần thực hiện đúng trách nhiệm mà Hiến pháp đã quy định, làm trọn bổn phận mà Đảng đã trao và nhân dân gửi gắm. Khi đã đúng vai thì nhất định phải thuộc bài. Vì nếu như đúng vai mà không thuộc bài thì sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng” - đại biểu đoàn TP. Hà Nội ví von. Đồng thời, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, nhận diện chính xác những điểm nghẽn và những hạn chế trong tổ chức thực hiện.
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRÌNH LAM SINH (AN GIANG): Tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống
Với mức tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82% và quyết tâm phấn đấu tăng trưởng cả năm vượt 7%, tôi đánh giá cao công tác điều hành rất chủ động và quyết liệt của Chính phủ, đây là sự phấn đấu rất cao trong những tháng còn lại trong năm.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự báo tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục trên 800 tỷ USD. Điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường, trong đó xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao cho thấy các doanh nghiệp của khu vực này đang làm ăn rất tốt trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước ta.
Tôi đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống nhất là xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRẦN THỊ VÂN (BẮC NINH): Nâng cao chất lượng lao động, phát triển hạ tầng logistics
Cần xác định rõ 1 trong 3 đột phá chiến lược đóng vai trò chìa khóa của sự phát triển là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh tế tri thức. Hiện nay, tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, chỉ bằng 34% năng suất lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước và 69% năng suất lao động của doanh nghiệp FDI. Vì vậy, cần khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo, nâng cao trình độ lao động.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư mạnh mẽ phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics. Đây là mắt xích quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển doanh nghiệp. Mặc dù Chỉ số chất lượng hạ tầng toàn cầu năm 2023 của Việt Nam tăng 2 bậc và đứng thứ 52/185 quốc gia, chi phí logistics cũng đã cải thiện nhưng vẫn ở mức cao và chiếm tới 16,8 - 17% GDP, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Chúng ta cần có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư tư nhân, hỗ trợ logistics xanh, công nghệ số hóa...
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI LÊ ĐÀO AN (PHÚ YÊN): Phát huy vai trò tiên phong của Nhà nước trong chuyển đổi xanh
Trung ương đã xác định rất rõ định hướng phát triển xanh, các mục tiêu, chỉ tiêu đã từng bước được lồng ghép trong các chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển ở các ngành, gắn với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương và cấp độ doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng trưởng xanh dường như vẫn là một xu hướng của tương lai, chưa thực sự trở thành những bước đi cấp thiết ở hiện tại.
Để các địa phương, doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh, hướng đến đạt các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững sớm nhất, cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của Nhà nước trong chuyển đổi xanh thông qua các quy định về mua sắm công xanh. Chính phủ cần rà soát, xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về chuyển đổi xanh trên từng ngành, lĩnh vực...