Bất động sản du lịch 'điêu đứng' vì dịch Covid-19 quay trở lại

Dịch bệnh Covid-19 quay trở lại đúng mùa du lịch hè, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng là một trong những phân khúc 'điêu đứng' và 'thấm đòn' nặng nhất. Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, tại Hà Nội nhiều khách sạn với vị trí đắc địa đang bị đóng cửa hoặc rao bán vì không có khách.

Bất động sản nghỉ dưỡng lại gánh vận đen

Việt Nam là một trong những nước kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Từ tháng 5, ngành du lịch đang dần phục hồi với mảng khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 quay trở lại và có dấu hiệu phức tạp với số ca mới lây nhiễm từ cộng đồng tăng nhanh tại Đà Nẵng đã và đang gây ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống khi các biện pháp phòng chống dịch và giãn cách xã hội một lần nữa được áp dụng. Theo đó, ngành du lịch và phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng lại hứng chịu những tác động tiêu cực nhất.

Khách sạn Golden Snake trên phố Ngõ Huyện (Hà Nội) đang đóng cửa. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Khách sạn Golden Snake trên phố Ngõ Huyện (Hà Nội) đang đóng cửa. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Báo cáo nghiên cứu thị trường mới đây của Savills Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 6 tháng đầu năm 2020 hoạt động kém nhất từ trước đến nay do chính sách giãn cách, phong tỏa để phòng chống dịch bệnh. Công suất phòng giảm 36 điểm phần trăm theo năm xuống 32%, trong khi giá phòng giảm 13% theo năm, xuống 74 USD/phòng/đêm.

Sau quý I đầy biến động, công suất quý II chỉ đạt 12%, giảm 36 điểm phần trăm theo quý. Áp lực từ công suất phòng thấp đã khiến giá phòng trung bình giảm 21% theo quý. Phân khúc 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế.

Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, tin tức về các ca nhiễm mới tại Đà Nẵng đã có tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí trên cả nước với từng mức độ khác nhau.

Trong đó, thị trường khách sạn và resort tại Đà nẵng sẽ chịu tác động sớm nhất từ việc du khách hủy đặt phòng cho tháng 8 và tháng 9. Một số khách sạn và resort cho phép khách hàng chuyển các phòng đã đặt sang cuối năm với hy vọng duy trì nguồn khách. Các đặt phòng mới chỉ có thể được ghi nhận khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.

“Vì vậy, các khách sạn và resort đã bỏ lỡ thời điểm du lịch hè vốn được ghi nhận là mùa du lịch nội địa cao điểm như những năm trước đây” - ông Mauro Gasparotti nói.

Khó khăn, nhiều khách sạn đang rao bán hoặc cho thuê lại

Phố Ngõ Huyện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - khu phố có tới 90% các căn hộ được sử dụng kinh doanh khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch, trong đó phần lớn là khách quốc tế. Ghi nhận thực tế của phóng viên tại đây cho thấy, hâu hết các khách sạn đang đóng cửa, rao cho thuê lại hoặc có mở cửa cũng không có khách đến thuê.

Hanoioi Hotel trên phố Bà Triệu (Hà Nội) cũng đang đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Hanoioi Hotel trên phố Bà Triệu (Hà Nội) cũng đang đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Khá nhiều khách sạn ở các khu phố cổ khác cũng có chung tình trạng này đang phải đăng quảng cáo cho thuê lại hoặc rao bán từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Điển hình như Hanoi Oriental Hotel đang rao bán với giá 69 tỷ đồng, một khách sạn khác tại phố Huế, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có diện tích 374 m2 đang rao bán với giá 254 tỷ đồng…

Anh Đinh Văn Đoàn – Công ty TNHH Thương mại và Vận tải du lịch H&D cho biết, dịch bệnh Covid-19 quay trở lại khiến hơn 20 đầu xe ô tô chạy phục vụ khách du lịch của công ty đang phải trú nắng dưới tán cây, việc làm không có, nhiều lái xe đã về quê với gia đình.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 74/2020/TT-BTC quy định mức thu, nộp phí sử dụng đường bộ. Theo đó, từ 10/8 đến hết ngày 31/12, ôtô kinh doanh vận tải hành khách gồm ôtô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng sẽ chỉ phải nộp phí bằng 70% mức thu áp dụng tại Thông tư số 293/2016/TT-BTC; đối với xe tải, ôtô chuyên dùng, xe đầu kéo, mức phí nộp từ nay đến cuối năm bằng 90% mức thu tại Thông tư số 293/2016/TT-BTC.

“Dịch bệnh Covid-19 đợt 1 bùng phát khiến thị trường khách du lịch quốc tế đóng cửa hoàn toàn. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giai đoạn tháng 5 đến cuối tháng 7, đúng thời điểm du lịch hè, có việc làm nên doanh nghiệp vận tải du lịch cũng giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, với làn sóng Covid-19 thứ 2 này sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến ngành du lịch và khả năng phục hồi sẽ rất chậm, điều đó dẫn đến hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch khó khăn theo. Chúng tôi đang hy vọng Chính phủ sớm tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này” – anh Đoàn nói.

Nhận định về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động của ngành du lịch và phân khúc bất động khách sạn, du lịch, ông Mauro Gasparotti cho rằng, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 sẽ tiếp tục gây hưởng nặng nề đến hầu hết các địa điểm du lịch khác của Việt Nam, cả phân khúc khách nghỉ dưỡng lẫn phân khúc khách công vụ vì yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu đối với các du khách. Khi dịch bệnh xảy ra, du khách sẵn sàng hủy hoặc tạm hoãn các kế hoạch du lịch. Mọi người sẽ có xu hướng tránh các khu vực đông người để phòng chống dịch bệnh./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-08-14/bat-dong-san-du-lich-dieu-dung-vi-dich-covid-19-quay-tro-lai-90986.aspx