Bất động sản 'hư hư ảo ảo', đại biểu chỉ ra nhiều bất ổn của thị trường

Trong khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều dự án đang ách tắc, người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mà giá nhà ở tăng đột biến, nhất là ở khu vực không có dự án mới là điều bất bình thường.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên thảo luận.

Sáng 28/10, tiếp tục Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".

Lo ngại trước giá nhà ở, đất đai quá cao, trong khi nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp lại quá ít so với nhu cầu là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhìn nhận, thời gian qua thị trường bất động sản (BĐS) có bước phát triển rất mạnh cả về số và chất lượng, nhiều khu đô thị mới hình thành, nhất là ở TP.HCM và Hà Nội. Nhiều loại hình mới như căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp lưu trú...

“Tuy nhiên thời điểm này đang sốt giá đất, nhu cầu ở thì không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ, cho thuê, có người mới vừa mua thì đã sang tay chốt lời, thị trường BĐS hư hư ảo ảo, khó mà định giá, hôm nay giá này ngày mai lại giá khác”, ông Hòa nhận xét.

Vị đại biểu Đồng Tháp nhấn mạnh, điều bất cập là nhà ở thương mại thường là hạng khá trở lên, nhà cho người có thu nhập thấp đếm trên đầu ngón tay. Nhiều dự án vướng về mặt pháp lý, có dự án xây dựng không có trong quy hoạch, xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng sai giấy phép... , cũng có nhiều trường hợp đã bán cho khách hàng, cư dân vào ở rồi, đến nay vẫn chưa cấp được chủ quyền vì nhiều lý do khác nhau, gây bức xúc cho cư dân, dẫn đến khiếu kiện. Nhiều chung cư xây dựng xong chưa thể bán được, bỏ hoang hóa, xuống cấp, gây lãng phí nguồn lực xã hội, gây nợ xấu ngân hàng.

Ông Hòa cũng phân tích lý do nhà ở cho người thu nhập thấp nguồn cung rất thấp, chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai... cho nhà ở xã hội chưa khuyến khích nhà đầu tư, gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng chậm được giải ngân, nhiều văn bản pháp quy còn chồng chéo nhau, chưa rõ ràng,..

Cũng nêu vấn đề giá, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu, giá bất động sản tăng rất cao ở nhiều thành phố lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM khiến thị trường vừa phục hồi đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước việc thổi giá, tạo sóng gây nhiễu loạn thông tin thị trường.

Theo đại biểu Thủy, giá nhà đất ở một số khu vực đang tăng phi thực tế. Tại một số thành phố lớn thời gian qua giá bất động sản tăng ở tất cả phân khúc, từ chung cư, nhà liền kề, biệt thự, không chỉ khu vực trung tâm, sức nóng lan dần sang quận, huyện, vùng ven đô. Nhiều người dân chia sẻ, sau thời gian vất vả tìm mua nhà, nay phải gác lại vì giá bất động sản tăng đột biến, nhất là chung cư. Không chỉ chung cư mới, khu nhà cũ cũng tăng vọt, bà Thủy phản ánh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại nghị trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại nghị trường.

Nhiều căn hộ chung cư được sử dụng vài thập kỷ nhưng giá tăng gấp đôi, gấp ba. Hàng nghìn hộ dân thường xuyên nhận được các cuộc gọi hỏi bán nhà, bà Thủy nêu thực tế.

Cạnh đó, theo đại biểu Thủy, đấu giá đất ở ven đô cũng nóng, nhiều phiên đấu giá tổ chức xuyên đêm, ghi nhận hàng trăm, hàng nghìn người ăn chực nằm chờ để đấu được suất đất. Giá trúng cao kỷ lục. Giá đất ở huyện ven đô nhưng cũng lên tới hơn 100 tr/m2, tương đương đất dự án đã đầu tư hạ tầng. Giá đất ở 1 số thành phố vừa qua liên tục thiết lập mặt bằng mới, vượt xa thu nhập đại bộ phận người dân.

Trong khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều dự án đang ách tắc, người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mà giá nhà ở tăng đột biến, nhất là ở khu vực không có dự án mới là điều bất bình thường. Nhấn mạnh điều này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn nhận định từ lãnh đạo Bộ Xây dựng, tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá đang là một nguyên nhân chính dẫn tới giá nhà đất tăng cao như vừa qua.

Một bất cập khác được đại biểu Thủy nêu là sự mất cân đối trong phân khúc các căn hộ. Thị trường đang thiếu trầm trọng nguồn cung căn hộ với người thu nhập trung bình, nhưng lại thừa nguồn cung với căn hộ cao cấp. Lệch pha cung cầu này dẫn tới khan hiếm thị trường căn hộ bình dân, tiềm ẩn nguy cơ thao túng cao vì không có nhiều căn hộ bình dân để cạnh tranh. Khi đó sẽ thiếu áp lực thị trường để các nhà cung cấp sản phẩm phải giảm giá với loại hình này.

Tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá dẫn tới nhiều hệ lụy, người dân có nhu cầu thực không mua được nhà ở, trong khi không ít người có tiền đang găm vào đất để tìm kiếm lợi nhuận. doanh nghiệp càng khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chi phí sản xuất kinh doanh bị đội lên nhiều lần theo kết quả đấu giá đất.

Đại biểu Thủy kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách ưu đãi, đủ hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà thương mại bình dân, phù hợp túi tiền của số đông người lao động.

Chính phủ cũng cần tháo gỡ vướng mắc dự án nhà ở hiện nay. Nếu tháo gỡ được thì có thể đưa vào thị trường vài nghìn căn hộ, giúp giảm giá bất động sản. Đồng thời cần triển khai kiểm soát để chấm dứt tình trạng đầu cơ đất, bà Thủy phát biểu.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bat-dong-san-hu-hu-ao-ao-dai-bieu-chi-ra-nhieu-bat-on-cua-thi-truong-d228503.html