'Bật mí' những kỷ vật của vua Hàm Nghi trao tặng cho Huế và Quảng Trị

Các kỷ vật vua Hàm Nghi gồm khay trà, tẩu thuốc, bộ sách chữ Hán do hậu duệ thứ 5 của nhà vua trao tặng cho Huế và Quảng Trị.

Ngày 26-10, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết vừa phối hợp với UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tiếp nhận các kỷ vật của vua Hàm Nghi do hậu duệ của nhà vua gửi tặng.

Theo đó, đơn vị này đã tiếp nhận một khay và tẩu thuốc cùng chất liệu gỗ khảm ốc xà cừ. Trong đó chiếc khay dài hơn 31 cm, rộng hơn 18 cm và cao 10 cm. Bộ sách bằng chữ Hán có ba cuốn là Ngự chế canh chức đồ (hai chương), Đan đồ huyện chí (25 chương) và Tăng đính thi kinh thể chú diễn nghĩa (năm chương).

Ông Hoàng Việt Trung (bên trái) tiếp nhận tượng trưng các kỷ vật vua Hàm Nghi.

Ông Hoàng Việt Trung (bên trái) tiếp nhận tượng trưng các kỷ vật vua Hàm Nghi.

Các kỷ vật này được tiến sĩ Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi, giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Paris (Pháp) và đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ông Nguyễn Anh Minh đưa về nước.

Hình ảnh chiếc khay trà của vua Hàm Nghi.

Hình ảnh chiếc khay trà của vua Hàm Nghi.

Ngoài những kỷ vật trên, ông Nguyễn Anh Minh còn đón nhận một bức tranh ít được công bố của vua Hàm Nghi, trưng bày lần đầu khoảng năm 1878. Ông cho biết ngày 12-11, bảo tàng sẽ tổ chức lễ công bố và trưng bày tác phẩm với sự tham dự của bà Amandine Dabat.

Tọa đàm ra mắt sách 5-11 sẽ có sự tham gia của Tiến sĩ Amandine Dabat, người sẽ sang Việt Nam để giới thiệu cuốn sách "Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger" mới nhất của mình, cũng như chính thức trao tặng các kỷ vật của vua Hàm Nghi.

Bộ sách chữ Hán của vua Hàm Nghi.

Bộ sách chữ Hán của vua Hàm Nghi.

Trước đó vào tháng 12-2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đón nhận bức tranh vua Hàm Nghi vẽ lúc bị lưu đày ở Algérie - do hậu duệ đời thứ năm của ông hiến tặng.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết hoạt động tiếp nhận có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn di sản và khơi gợi, tôn vinh những giá trị lịch sử của dân tộc. Việc hồi hương các kỷ vật mang lại cơ hội để người dân trong nước, nhất là thế hệ trẻ được chiêm ngưỡng và tìm hiểu thêm về vua Hàm Nghi.

Vua Hàm Nghi (1871-1944) lên ngôi khi mới 13 tuổi, là hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn. Năm 1885, sau khi kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết rời khỏi kinh thành. Ngày 13-7-1885, tại thành Tân Sở ở Cam Lộ (Quảng Trị), vua ban chiếu Cần Vương, kêu gọi thần dân khắp ba miền chống Pháp.

Năm 1888, vua bị bắt và bị Pháp đưa đi lưu đày ở Alger (thủ đô Algérie). Thời gian sống ở đây, tài năng hội họa của ông được khai phá.

Q.Nhật; ảnh: TTBTDTCĐ Huế

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bat-mi-nhung-ky-vat-cua-vua-ham-nghi-trao-tang-cho-hue-va-quang-tri-196241026115025448.htm