Bầu cử Mỹ và những kịch bản đối với các cuộc chiến ở Trung Đông, Ukraine
Nhiều cuộc chiến đang diễn ra trên toàn cầu có thể leo thang hoặc lắng xuống tùy thuộc vào lập trường của Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Cuộc chiến của Israel ở Gaza và Liban cũng như cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời khỏi nhà cửa. Những cuộc xung đột này có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc sớm được kết thúc sẽ dựa trên lập trường của Washington.
Sau cuộc tổng tuyển cử ngày 5/11, nước Mỹ sẽ được sáng tỏ liệu chủ nhân Nhà Trắng là cựu Tổng thống Donald Trump - ứng cử viên đảng Cộng hòa hay Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris - ứng cử viên đảng Dân chủ. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới các cuộc chiến lớn trên toàn cầu?
Cuộc chiến của Israel ở Gaza và Liban
Cả 2 ứng viên tổng thống Mỹ đều không hề “mơ hồ” trong việc ủng hộ Israel. Do đó, hầu hết người Palestine và thế giới Ả Rập nói chung đều thấy khá ít triển vọng về việc chiến tranh sẽ kết thúc khi một trong hai ứng cử viên được bầu. Tuy nhiên, không bên nào đưa ra giải pháp chấm dứt chiến tranh.
Kịch bản của ông Trump
Ông Trump đã lên án mạnh mẽ việc Hamas tấn công các ngôi làng và tiền đồn quân đội ở miền Nam Israel vào ngày 7/10/2023 khiến 1.139 người thiệt mạng và 251 người bị bắt giữ, đồng thời châm ngòi cho cuộc chiến tranh của Israel ở Gaza. Ứng cử viên đảng Cộng hòa ít bày tỏ "sự cảm thông" với người dân Gaza khi mà hơn 43.000 người Palestine ở vùng đất bị bao vây này đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh trong năm qua.
Trước đây, khi ông Trump nắm quyền, Washington đã công nhận thành phố đang tranh chấp Jerusalem là thủ đô của Israel, gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng người Palestine. Ông Trump đã đàm phán các thỏa thuận "bình thường hóa" giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập theo Hiệp định Abraham. Năm 2020, ông Trump đã trình bày “Kế hoạch hòa bình”, nhưng cuối cùng, kế hoạch này đã đổ vỡ sau khi Israel tuyên bố sáp nhập một số phần của Bờ Tây.
Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, , đặc biệt là ở bang chiến trường Michigan, ông Trump đã thực hiện “đòn tấn công quyễn rũ" đối với nhóm cử tri người Mỹ gốc Liban và Ả Rập cùng lời hứa hẹn về hòa bình.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, ông Trump cho biết “Bạn bè và gia đình của bạn ở Liban xứng đáng được sống trong hòa bình, thịnh vượng và hòa hợp với những người hàng xóm của họ, và điều đó chỉ có thể xảy ra khi Trung Đông có hòa bình và ổn định”. Tuy nhiên, ứng cử viên đảng Cộng hòa lại không đề cập rõ ràng đến Gaza hay Israel.
Kịch bản của bà Harris
So với Tổng thống Joe Biden, bà Harris đã lên tiếng nhiều hơn về nhu cầu chấm dứt nỗi “đau khổ vô nhân đạo” của người dân tại Dải Gaza, thúc đẩy lệnh ngừng bắn và thỏa thuận về con tin trong thời gian tới. Vào tháng 7 vừa qua, ứng cử viên đảng Dân chủ đã nói với Thủ tướng Netanyahu rằng bà sẽ "không im lặng" trước nỗi thống khổ ở Gaza. Trong bài phát biểu với phóng viên sau cuộc họp, bà Harris cho biết "Israel có quyền tự vệ và cách họ thực hiện điều đó rất quan trọng. Những gì đã xảy ra ở Gaza trong 9 tháng qua thật là tàn khốc".
Bà Harris cũng được cho là mong muốn hòa bình ở khu vực biên giới Israel-Liban. Tuy nhiên, bất chấp những điều đó, ứng cử viên đảng Dân chủ vẫn chưa cam kết sẽ ngay lập tức dừng cuộc chiến của Israel ở Gaza. Nhiều người cho biết bà chưa đưa ra các bước rõ ràng để đạt được mục tiêu trên, trong đó có việc cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Israel.
Bên cạnh đó, theo nhiều nhà phân tích, giống như ông Biden, bà Harris cũng đã chưa đề cập đến kế hoạch về hai nhà nước. Nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas đã chỉ trích chính quyền Biden trong quá khứ vì đã không đề xuất một hệ thống hai nhà nước. Các cử tri trong cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập đã giúp Biden giành chiến thắng vào năm 2020 tại các bang chiến địa dao động quan trọng như Michigan. Một số người hiện đang chọn bỏ phiếu cho Trump hoặc không bỏ phiếu vì đã mất niềm tin vào đảng Dân chủ.
Xung đột Nga-Ukraine
Cuộc chiến ở Ukraine đang tiếp diễn với cả hai bên đều đạt được một số thắng lợi nhưng cũng ghi nhận nhiều tổn thất. Các nhà phân tích cho biết Kiev cần nhiều tiền hơn cho quân sự để giành ưu thế trước lực lượng Nga lớn hơn nhiều.
Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn ngăn Ukraine gia nhập NATO. Tuy nhiên, trong "Kế hoạch chiến thắng" được công bố vào tháng 10, Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskyy đã xem việc gia nhập NATO là một bước quan trọng hướng tới chiến thắng trong cuộc chiến. Mặc dù, liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo cho đến nay đã ra tín hiệu rằng họ sẽ chỉ mời Ukraine tham gia sau khi cuộc chiến với Nga kết thúc.
Kịch bản của ông Trump
Một số nhà phân tích cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ là thảm họa đối với Ukraine. Với tư cách là tổng thống, ông Trump được cho là vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moskva.
Ông Trump cho biết có thể đàm phán một thỏa thuận hòa bình hướng tới việc chấm dứt chiến tranh "trong vòng 24 giờ". Tuy ông Trum cung cấp rất ít thông tin chi tiết về kế hoạch này, nhưng "phó tướng" JD Vance cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng ông Trump sẽ đàm phán một khu phi quân sự theo các đường phân định hiện tại. Điều đó có nghĩa là Ukraine có thể sẽ nhượng lại quyền kiểm soát Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia do Nga kiểm soát cũng như với Crimea, điều mà phía Ukraine không muốn.
Ông Vance cũng cho biết Nga có thể sẽ nhận được sự đảm bảo rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO. Các nhà phân tích cho rằng ông Trump có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thời Biden đối với Nga để làm cơ sở thực hiện thỏa thuận. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lev Zinchenko thuộc Trung tâm Chính sách châu Âu cho biết “Kịch bản này sẽ không được Ukraine chấp nhận”.
Ông Trump và một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa cũng phản đối mạnh mẽ việc cung cấp viện trợ quân sự quan trọng của Mỹ cho Ukraine, thậm chí đổ lỗi cho chính phủ Biden vì đã tài trợ cho một cuộc chiến mà họ cho là không có lợi cho lợi ích của nước này. Nếu Kiev mất nguồn tài trợ từ Mỹ - nguồn viện trợ quân sự lớn nhất của nước này - thì có khả năng sẽ đối diện với nguy cơ thua cuộc.
Một số nhà phân tích cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump có thể là cơ hội để phá vỡ bế tắc và đạt được một thỏa thuận hòa bình. Điều này có thể giúp Kiev tránh khỏi cảnh thất bại và biến Mỹ thành “người bảo lãnh” cho tiến trình này.
Kịch bản của bà Harris
Mặc dù bà Harris chưa đưa ra kế hoạch chấm dứt chiến tranh ngay lập tức nhưng đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Kiev và kêu gọi các nước phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Mỹ đã gửi cho Kiev hơn 64 tỷ USD viện trợ và vũ khí kể từ sau cuộc chiến với Nga vào năm 2022. Trong cuộc tranh luận trực tiếp với ông Trump vào tháng 9, bà Harris cho biết nếu Nga giành chiến thắng sẽ “để mắt” đến phần còn lại của châu Âu.
Với NATO, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden đã phủ quyết việc Ukraine gia nhập NATO và hạn chế Kiev sử dụng vũ khí do nước này cung cấp tấn công vào lãnh thổ Nga do lo ngại sẽ kéo toàn bộ khối này vào cuộc chiến.
Khi Tổng thống Zelensky trình bày “Kế hoạch chiến thắng” của mình với các nhà lãnh đạo phương Tây vào tháng 10, Mỹ dường như không đưa ra cam kết, nhưng các nhà phân tích cho biết điều này có lẽ là do bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi chính sách vào thời điểm gần đến ngày bầu cử sẽ gây tổn hại tới đảng Dân chủ. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi sau khi bà Harris giành chiến thắng.