Quan hệ với Trung Đông: Nút thắt chiến lược cho tân Tổng thống Mỹ

Kết quả của cuộc đua vào Nhà Trắng như thế nào sẽ tác động mạnh đến khu vực Trung Đông, trong đó có xung đột giữa Israel và Palestine.

Kết quả của cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ tác động mạnh mẽ đến khu vực Trung Đông. (Nguồn: Hoover Institution)

Kết quả của cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ tác động mạnh mẽ đến khu vực Trung Đông. (Nguồn: Hoover Institution)

Đó là nhận định trong báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) - viện nghiên cứu chính sách độc lập có trụ sở tại Washington DC về tương lai của quan hệ Mỹ-Trung Đông sau cuộc chạy đua nắm giữ chiếc ghế quyền lực bậc nhất thế giới vào ngày 5/11 tới.

Bài toán chưa có lời giải

Theo CSIS, Tân Tổng thống Mỹ, dù là bà Kamala Harris hay ông Donald Trump chiến thắng, cũng sẽ phải đối mặt với làn sóng mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột. Các quốc gia Trung Đông đã quen với việc trở thành tâm điểm trong các chiến lược của Mỹ, một số thậm chí còn xem đó như quyền lợi cho đất nước mình.

Sau khi giao tranh ở Dải Gaza bùng nổ cách đây hơn một năm, các chính sách ngoại giao mạnh mẽ của Mỹ đã tạm thời làm dịu đi những chỉ trích về việc Washington đang rời bỏ khu vực này. Tuy nhiên, các quốc gia Trung Đông vẫn phải đối mặt với sự bất ổn chính trị khi cuộc bầu cử Tổng thống tới đây sẽ làm thay đổi hướng đi của chính sách đối ngoại.

Sau khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bùng nổ cách đây hơn một năm, sự can dự của Mỹ đã tạm thời làm dịu những chỉ trích về việc Washington đang rời bỏ khu vực này. (Nguồn: Responsible Statecraft)

Sau khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bùng nổ cách đây hơn một năm, sự can dự của Mỹ đã tạm thời làm dịu những chỉ trích về việc Washington đang rời bỏ khu vực này. (Nguồn: Responsible Statecraft)

Bên cạnh đó, hai ứng viên Tổng thống có sự khác biệt sâu sắc về thế giới quan, vậy nên chính sách Trung Đông cũng sẽ khác biệt, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan tới Iran, cuộc xung đột tại Dải Gaza và quan hệ của Mỹ với các nước vùng Vịnh - những quốc gia đang tìm cách thúc đẩy an ninh và quyền tự chủ. Trên thực tế, con đường mà Washington sẽ đi bắt đầu từ tháng 1/2025 vẫn là một ẩn số.

CSIS cho rằng chính quyền mới sẽ cần phải thiết lập cách tiếp cận với Iran trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ. Kể từ khi Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2018, chính sách của Tehran đã trở nên thách thức hơn trên nhiều khía cạnh.

Bên cạnh đó, tham vọng hạt nhân của Iran vẫn gia tăng; các lực lượng được cho là có sự hậu thuẫn của Tehran bao gồm Hamas, Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Lebanon cùng một số nhóm chiến binh ở Iraq đã tăng cường hoạt động nhằm chống lại các đồng minh và lợi ích của Washington trong khu vực.

Những người thân cận với chính quyền ông Trump trước đây hy vọng sẽ được phục vụ trong nhiệm kỳ thứ hai của vị cựu Tổng thống, đồng thời cho rằng Iran là nút thắt chính cho mọi thách thức ở Trung Đông của Mỹ. Nhiều người ủng hộ mạnh mẽ việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Iran, phản ứng với các hành động của lực lượng ủy nhiệm và sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại Tehran cùng các lợi ích của nước này trong khu vực.

Tuy nhiên, theo CSIS, những người chỉ trích cách tiếp cận này lại cho rằng chính sách của ông Trump làm tan rã một liên minh quốc tế đang nỗ lực định hình hành vi của Iran, từ đó giải phóng Tehran khỏi các ràng buộc hạt nhân, khiến nước này trở nên nguy hiểm hơn nhiều so với trước đây.

Những người thân cận với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng Iran là nút thắt chính cho mọi thách thức ở Trung Đông của nước Mỹ. (Nguồn: CNN)

Những người thân cận với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng Iran là nút thắt chính cho mọi thách thức ở Trung Đông của nước Mỹ. (Nguồn: CNN)

Mặc dù tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã tuyên bố ý định hòa hoãn với phương Tây nhưng chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ chỉ có rất ít lựa chọn khả quan. Vẫn chưa rõ liệu ông Pezeshkian có đủ khả năng thay đổi hướng đi chính sách của Iran trong vấn đề hạt nhân và các nhóm ủy nhiệm khu vực hay không. Các nhóm vũ trang liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo khẳng định, Mỹ cùng các đồng minh quyết tâm lật đổ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Ngoài ra, ngay cả những người Iran ủng hộ sự hợp tác với phương Tây cũng sẽ nhìn nhận các đề xuất từ Washington với cái nhìn ngờ vực hơn. Người dân Iran không hài lòng khi chưa nhận được những lợi ích đã hứa hẹn từ thỏa thuận hạt nhân dưới thời Tổng thống Obama. Tehran cũng nhận ra, bất cứ tân Tổng thống Mỹ nào đều có thể rút khỏi thỏa thuận, như chính quyền ông Trump đã làm vào năm 2018. CSIS nhấn mạnh, sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các cường quốc cũng khiến việc khôi phục một liên minh quốc tế nhằm kiềm chế Iran phổ biến hạt nhân trở nên khó khăn hơn nhiều.

Thử lửa chiến lược

Báo cáo của CSIS chỉ rõ, trong những năm qua, Iran đã không còn ưu tiên xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ, thay vào đó tập trung giảm căng thẳng với các nước vùng Vịnh và tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Á. Hơn nữa, kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Nga và Iran ngày càng đồng điệu về mặt chiến lược.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, trong khi triển vọng khu vực của Iran đang dần tươi sáng, tình hình trong nước dường như không quá khả quan. Nền kinh tế suy yếu, thế hệ trẻ ngày càng bất mãn cộng với việc lãnh tụ tối cao đã 85 tuổi mà không có người kế vị rõ ràng, dẫn đến một tương lai mờ mịt cho Iran, bất kể chính sách của Mỹ ra sao.

Cuộc xung đột ở Gaza vẫn luôn căng thẳng, con đường đi đến hòa giải ngày càng khó đoán định. Trong khi chính phủ Israel tiếp tục phản đối lệnh ngừng bắn với Hamas chừng nào lực lượng này "chưa bị tiêu diệt". Trong khi đó, các nước Arab kiên quyết chỉ tham gia vào tiến trình hòa giải khi nhà nước Palestine được thành lập. Thế nhưng, hầu hết người Do Thái Israel lại cho rằng không thể tồn tại một nhà nước Palestine, bởi lo ngại sẽ dẫn đến một chính phủ có ý định tiêu diệt Israel.

Mặc dù Tổng thống đương nhiệm Joe Biden có ảnh hưởng nhất định đến chính sách của Israel, nhưng phải chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. (Nguồn: Middle East Policy Council)

Mặc dù Tổng thống đương nhiệm Joe Biden có ảnh hưởng nhất định đến chính sách của Israel, nhưng phải chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. (Nguồn: Middle East Policy Council)

Theo CSIS, kể từ sau sự kiện ngày 7/10/2023, Tổng thống Joe Biden luôn đón tiếp nồng nhiệt Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm tác động đến quyết định của Israel, nhưng dường như chưa mang lại hiệu quả. Ông Netanyahu đã nhiều lần từ chối lời đề nghị của ông Biden, cả về mặt chính trị và chiến lược. Mặc dù Tổng thống đương nhiệm Biden có ảnh hưởng nhất định đến chính sách của Israel, nhưng phải chịu nhiều áp lực từ hai phía: Một số người chỉ trích ông Biden vì ủng hộ chiến dịch của Israel dẫn đến hàng chục ngàn người thương vong, trong khi những người khác đổ lỗi vì Mỹ đã kiềm chế một đồng minh đang chiến đấu chống khủng bố.

Nhiều người cho rằng Thủ tướng Netanyahu đang chờ đợi thời cơ và hy vọng nhiệm kỳ Tổng thống mới của ông Donald Trump sẽ bớt gây áp lực lên Israel trong việc nhượng bộ cho khát vọng dân tộc của Palestine. Tuy nhiên, đây sẽ là một canh bạc đầy rủi ro cho ông Netanyahu nếu chỉ dựa vào ông Trump để kéo dài cuộc xung đột, bởi trước đây cựu Tổng thống Mỹ đã từng căng thẳng với ông.

Trong khi đó, chính quyền bà Kamala Harris có thể sẽ kế thừa và đi theo đường lối chính sách chung của ông Biden, cho dù có thể sẽ không ủng hộ Israel mạnh mẽ như vị Tổng thống đương nhiệm đang làm.

Chính quyền do Phó Tổng thống Kamala Harris lãnh đạo sẽ phản ánh sự phân cực ở Đảng Dân chủ trong vấn đề xung đột Dải Gaza. (Nguồn: AFP)

Chính quyền do Phó Tổng thống Kamala Harris lãnh đạo sẽ phản ánh sự phân cực ở Đảng Dân chủ trong vấn đề xung đột Dải Gaza. (Nguồn: AFP)

CSIS khẳng định, chính quyền do Phó Tổng thống Harris lãnh đạo sẽ phản ánh sự phân cực trong Đảng Dân chủ. Nhiều cử tri thuộc các nhóm thiểu số đồng cảm với người Palestine, hầu hết các cử tri trẻ không xem Israel là một kẻ yếu thế. Mặc dù chính quyền của bà Harris sẽ khó thay đổi hướng đi trong chính sách của Mỹ, nhưng giọng điệu sẽ nhẹ nhàng hơn. Giờ đây, vấn đề cốt lõi giữa Washington và khu vực Trung Đông chính là: Kết cục của cuộc chạy đua này mang tính sống còn với cả hai phe Israel và Palestine. Tổng thống mới của Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực yêu cầu chấm dứt cuộc xung đột, nhưng tình hình giao tranh dường như không thể khả quan.

Bên cạnh đó, các quốc gia vùng Vịnh đã gắn bó mật thiết với Mỹ trong nửa thế kỷ qua, kể từ khi Anh rút lui sau hơn một thế kỷ thống trị khu vực. Trong thế giới vận hành nhờ dầu mỏ, các quốc gia này là đồng minh quan trọng của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh và là khách hàng tiêu thụ hàng tỷ USD thiết bị quân sự mỗi năm. Trong khi đang tích cực thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế và chuyển đổi năng lượng, các quốc gia này cũng tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ Washington song song với việc tự chủ chiến lược. Vì vậy, CSIS cho rằng, những nước vùng Vịnh không hề cảm thấy mâu thuẫn khi vừa theo đuổi các thỏa thuận phòng thủ chung với Mỹ, vừa tăng cường quan hệ công nghệ, quốc phòng, kinh tế với Trung Quốc và Nga.

Khúc quanh quan hệ

CSIS nhấn mạnh, đối với Mỹ, với chiến lược phòng thủ ngày càng xoay quanh sự cạnh tranh của các nước lớn. Washington xem mình là người tạo ra và bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc. Mỹ đã đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào an ninh năng lượng, mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất năng lượng vùng Vịnh cũng như người tiêu dùng toàn cầu. Tuy nhiên, đối với các quốc gia vùng Vịnh vốn nghi ngờ về sự cam kết của Mỹ, cần phải giữ quan hệ chặt chẽ với tất cả các bên.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (thứ 2 bên trái) và các Ngoại trưởng Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại cuộc họp ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 7/6/2023. (Nguồn: AFP)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (thứ 2 bên trái) và các Ngoại trưởng Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại cuộc họp ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 7/6/2023. (Nguồn: AFP)

Cụ thể, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã giúp đàm phán trao đổi tù nhân Nga và Ukraine, Qatar trung gian giữa Mỹ với Taliban và Hamas. Tuy nhiên, Washington đã đưa ra cảnh báo khi thấy Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự ở UAE, Nga rót vốn vào Dubai và Saudi Arabia mở cửa đón đầu tư của Bắc Kinh vào lĩnh vực chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và thiết bị giám sát.

Theo CSIS, mặc dù Các quốc gia vùng Vịnh không phải là "con bài" cốt cán trong chiến lược khu vực của Mỹ, nhưng Washington cần tìm cách thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ, thu hút những nước này vào các nỗ lực về Iran và Gaza. Cựu Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Trung Đông và kêu gọi Washington "thống trị về năng lượng". Động thái này có khả năng làm suy yếu nỗ lực của các quốc gia vùng Vịnh trong việc điều tiết thị trường. Ngoài ra, các quốc gia này cũng ngày càng thận trọng hơn với những hành động quân sự chống lại Iran của Mỹ, lo sợ phải hứng chịu sự trả đũa từ Tehran.

Như nhiều quốc gia khác, các chính phủ Trung Đông từ lâu đã quen với việc Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến an ninh nước mình, nhưng lại không có quyền tác động đến người nắm giữ chiếc ghế quyền lực. Đặc biệt, tại Trung Đông, các đời Tổng thống Mỹ thường không được ưa chuộng. Hơn hết, tất cả các lãnh đạo Trung Đông đều tin rằng họ sẽ tồn tại lâu hơn bất cứ ai chiến thắng cuộc đua tháng 11 của nước Mỹ. Ngoài ra, báo cáo từ CSIS chỉ rõ, công chúng Mỹ cũng ngày càng hoài nghi về sự can dự của Washington vào Trung Đông. Bất kể kết quả bầu cử ra sao, các quyết định khó khăn sẽ luôn chờ đợi tân Tổng thống và chính phủ các nước trong khu vực nhiều dầu mỏ này.

Bất kể kết quả bầu cử ra sao, các quyết định khó khăn sẽ luôn chờ đợi tân Tổng thống Mỹ và chính phủ các nước Trung Đông. (Nguồn: ABC)

Bất kể kết quả bầu cử ra sao, các quyết định khó khăn sẽ luôn chờ đợi tân Tổng thống Mỹ và chính phủ các nước Trung Đông. (Nguồn: ABC)

Tựu trung, Trung Đông sẽ tiếp tục là một bài toán phức tạp đối với bất kỳ chính quyền nào của Mỹ trong thời gian tới. Bối cảnh khu vực ngày càng đa dạng, các mối quan hệ phức tạp giữa những quốc gia vùng Vịnh, sự hiện diện của các cường quốc như Trung Quốc và Nga, đang đặt ra thách thức lớn cho các chính sách về an ninh của Mỹ. Đối với các nhà lãnh đạo Trung Đông, với tư duy dài hạn và sự kiên định trước những biến động chính trị tại Washington, duy trì quyền tự chủ và củng cố vị thế khu vực là ưu tiên quan trọng.

Ngoài ra, chính quyền tân Tổng thống sẽ đối mặt với nhiều quyết định khó khăn khi phải cân nhắc giữa sự gắn bó truyền thống với đồng minh Trung Đông và sự thay đổi không ngừng của môi trường quốc tế. Bất kể là ai đắc cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, bài toán về an ninh, ảnh hưởng và hợp tác ở Trung Đông vẫn sẽ là phép thử cho bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược của Washington trong một thế giới ngày càng phân cực.

(theo CSIS)

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-voi-trung-dong-nut-that-chien-luoc-cho-tan-tong-thong-my-292558.html