Bầu cử Tổng thống Mỹ có đảo ngược 'thế trận' cuộc đua trong ngành năng lượng Mặt trời?
Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang nỗ lực trong cuộc chiến bảo đảm tương lai của ngành năng lượng Mặt trời. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tới đây liệu có thể đảo ngược 'thế trận'?
Những tuyên bố cho rằng trợ cấp trong lĩnh vực năng lượng Mặt trời dẫn đến tình trạng dư thừa công suất đã trở thành một điệp khúc quen thuộc của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc năm vừa qua. Tháng trước, Bắc Kinh đã có động thái trả đũa.
Hiệp hội Công nghiệp quang điện Trung Quốc cho biết, Mỹ đã "mở rộng mạnh mẽ công suất năng lượng Mặt trời của mình thông qua các chính sách trợ cấp độc quyền và phân biệt đối xử" trong những năm gần đây, nhưng vẫn cáo buộc Trung Quốc trợ cấp quá mức cho ngành năng lượng mới.
"Những hành động này dẫn đến tình trạng dư thừa công suất ở Mỹ", Hiệp hội lên tiếng cảnh báo, đồng thời nói thêm điều đó có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của ngành trên toàn cầu.
Trên thực tế, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang nỗ lực trong cuộc chiến bảo đảm tương lai của ngành năng lượng Mặt trời. Với Đạo luật giảm lạm phát (IRA), được chính quyền Tổng thống Biden đưa ra vào năm 2022, cung cấp hàng tỷ USD tiền trợ cấp và tín dụng thuế cho thấy những nỗ lực của Washington trong việc cân bằng sân chơi.
Mọi sự chú ý đổ dồn về cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump nói rằng ông sẽ "hủy bỏ tất cả các khoản tiền mà IRA chưa dùng tới" nhưng khẳng định là "người hâm mộ lớn" của năng lượng Mặt trời trong cuộc tranh luận với ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris hôm 10/9.
"Không có khả năng cả hai ứng cử viên sẽ giữ nguyên các ưu đãi hiện có nếu được bầu", Jenny Chase, nhà phân tích năng lượng Mặt trời hàng đầu tại BloombergNEF cho biết.
Trung Quốc đã thống trị chuỗi cung ứng quang điện toàn cầu nhờ 20 năm thực hiện các chính sách công nghiệp chuyên sâu, nhưng hiện tại quốc gia này lại đang ở thế phòng thủ, với lo ngại sự cạnh tranh quá mức có thể làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng trong nước.
Trong khi đó, Mỹ đang tăng gấp đôi các khoản trợ cấp lớn nhằm thúc đẩy một hệ sinh thái công nghiệp độc lập với Trung Quốc như một phần của các nỗ lực "giảm rủi ro" trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược. Các chuyên gia trong ngành cho biết, thành công của nỗ lực đó phụ thuộc phần lớn vào việc bơm tiền đều đặn và ổn định từ cả chính phủ và thị trường vốn.
Mặc dù năng lực sản xuất toàn diện và khổng lồ của Trung Quốc có thể là khó lòng để vượt qua, nhưng những đột phá về công nghệ có thể tạo ra những lối tắt.
"Liệu Mỹ có thể chiếm ưu thế trong ngành sản xuất năng lượng mặt trời không? Chắc chắn, với đủ trợ cấp, bạn có thể làm bất cứ điều gì", chuyên gia Jenny Chase dự báo.
Theo Hiệp hội Công nghiệp quang điện Trung Quốc, một danh sách dài các khoản trợ cấp của liên bang và tiểu bang cho ngành năng lượng Mặt trời do IRA đề xuất có giá trị lên tới 369 tỷ USD, tập trung hỗ trợ đầu tư và sản xuất trong ngành năng lượng sạch, bao gồm các sản phẩm quang điện.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại chọn cách tiếp cận khác. Trung Quốc không cung cấp khoản tiền mặt cụ thể cho các nhà sản xuất năng lượng Mặt trời trong nước. Thay vào đó, chính quyền địa phương sẽ là lực lượng chủ chốt đằng sau các chính sách công nghiệp, thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành này, cung cấp sự hỗ trợ toàn diện như cho thuê đất giá rẻ, các thỏa thuận mua điện giá mềm, khuyến khích xây dựng thêm nhiều nhà máy và trang trại năng lượng Mặt trời.
Daniel Qiu, Giám đốc điều hành kiêm đồng giám đốc ngân hàng đầu tư và thị trường vốn tại Credit Suisse Securities cho biết: "5 hoặc 6 năm trước, chính quyền địa phương đã đưa ra các điều khoản rất tốt cho các nhà sản xuất, một số thậm chí còn giúp xây dựng nhà máy và các nhà sản xuất chỉ cần di chuyển thiết bị của họ vào".
Với những chính sách ưu đãi đặc thù như vậy, Trung Quốc đã dễ dàng trở thành nhà sản xuất các sản phẩm năng lượng Mặt trời số một thế giới trong hai thập kỷ qua, chiếm hơn 80% chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Mỹ, trước khi IRA ra mắt, đã có các chính sách công nghiệp hỗ trợ, bao gồm tài trợ nghiên cứu và tín dụng thuế đối với các công trình lắp đặt tấm pin Mặt trời, nhưng tổng chi phí sản xuất, từ nhân công đến xây dựng nhà máy, đều vượt xa so với Trung Quốc.
Ocean Yuan, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Grape Solar, một công ty sản xuất và bán thiết bị năng lượng Mặt trời của Mỹ, cho biết IRA đã góp phần "thay đổi cuộc chơi" vì lần đầu tiên, các nhà sản xuất Mỹ có thể nhận được các ưu đãi tài chính trực tiếp.
“Bây giờ, đối với bất kỳ công ty nào, dù là công ty Trung Quốc hay các công ty khác, miễn là họ sản xuất tấm pin Mặt trời, nếu họ không đến Mỹ, họ sẽ không có tương lai”, ông Yuan cho hay. "Mỹ luôn có năng lực sản xuất và vấn đề chỉ là mở rộng", ông Yuan nói thêm.