Đẩy mạnh công nghiệp hóa, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Công nghiệp hóa đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cùng sự vào cuộc của các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài, ngành công nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những thành tựu quan trọng
Trước đổi mới, Việt Nam là một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra gay gắt, tỉ lệ lạm pháp có lúc lên đến 774,7%, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực triền miên, khoảng ¾ dân số sống ở mức nghèo khổ. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng tương đối cao, trung bình khoảng gần 7% mỗi năm.
Quy mô GDP năm 2023 đạt 430 tỷ USD, xếp hạng 34 thế giới; GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt trên 683 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng rau quả và gạo lập đỉnh mới với nhiều con số kỷ lục. Cụ thể, nhóm nông sản đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17% so với năm ngoái. Có 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD gồm cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong 11 tháng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng lập kỷ lục với hơn 7,7 triệu tấn gạo cho giá trị hơn 4,4 tỷ USD, tăng hơn 36% so với năm ngoái. Hạt gạo Việt đã vượt qua các đối thủ để giành vị trí số 1 cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.
Kỷ lục trong giải ngân vốn FDI và thành lập doanh nghiệp mới, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ, là năm cao thứ ba trong giai đoạn 2008 đến nay. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, là mức giải ngân đạt kỷ lục từ trước tới nay trong bối cảnh thương mại đầu tư toàn cầu bị thu hẹp. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam cũng tăng 12 bậc trên toàn cầu. Hoạt động đăng ký kinh doanh năm 2023 rất ấn tượng với kỷ lục gần 160.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,2% so với năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.
Quyết liệt thúc đẩy những ngành, lĩnh vực mới nổi, năm 2023 ghi những dấu ấn mới trong cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Chuyển đổi số quốc gia được tích cực thúc đẩy, ước cả năm 2023 tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 15% GDP. Đề án phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao và đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần hạn chế tiêu cực, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, là một “điểm sáng” trong chuyển đổi số ở nước ta.
Quy mô sản xuất của ngành công nghiệp liên tục mở rộng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp tăng từ vị trí 58 vào năm 2009 lên thứ 42 vào năm 2019. Đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng, vật liệu xây dựng; cơ khí, chế biến, chế tạo ô tô, xe máy; dệt, may, da giày... Một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn đã phát triển lớn mạnh, đóng góp lớn cả về sản xuất, đầu tư, xuất khẩu, giải quyết việc làm, như dệt may, da giày, thực phẩm chế biến, thép, hóa chất, nhựa. Một số ngành công nghiệp nền tảng, như cơ khí chế tạo; luyện kim; hóa chất; vật liệu; công nghiệp năng lượng từng bước đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Việc phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển đã giúp cho văn hóa, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống và chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước). Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại.
Khó khăn, thách thức đặt ra
Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP có thể được coi là ấn tượng, nhưng sự phát triển chưa đều giữa các khu vực, ngành và địa phương là một vấn đề đáng lo ngại. Năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn vẫn còn thấp, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế trên thị trường quốc tế. Một vấn đề nghiêm trọng khác là tỷ lệ nghèo đói vẫn đang ở mức cao và khoảng cách giữa tầng lớp giàu và nghèo ngày càng gia tăng. Sự phát triển chưa cân bằng là rõ ràng, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa được quản lý hiệu quả. Trong khi khu vực công nghiệp - xây dựng phát triển nhanh chóng, khu vực dịch vụ lại phát triển chậm, không tương xứng với tiềm năng thực sự.
Nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và chưa khai thác được tiềm năng của thị trường trong nước. Sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản, từ việc tiếp cận nguồn vốn đến thị trường và đất đai. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo, nhưng hiệu quả của chúng còn gặp nhiều thách thức. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường và sự khai thác không bền vững của tài nguyên thiên nhiên cũng đang là một mối quan tâm lớn. Hệ thống xử lý nước thải và rác thải vẫn còn nhiều hạn chế, góp phần làm tăng ô nhiễm môi trường. Việc khai thác khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn đến tình trạng cạn kiệt và làm hao hụt nguồn lực quý báu của đất nước.
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Vai trò quan trọng của công nghiệp hóa đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời kỳ hiện nay đang ngày càng thể hiện rõ. Quá trình này không chỉ là một xu hướng tự nhiên theo tiến độ của lịch sử mà còn là một yếu tố chủ động được chính phủ và các nhà quản lý địa phương hướng đến để thúc đẩy sự phát triển toàn diện. Để bảo đảm sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng, phát huy vai trò quản lý của Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa và đổi mới đất nước, một số giải pháp cụ thể cần được triển khai nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo, cải tiến cơ cấu tổ chức và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn Đảng.
Một là, đẩy mạnh công tác tư tưởng, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phát triển nhanh chóng và các thách thức phức tạp nảy sinh, việc nâng cao nhận thức chính trị giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng đối mặt với các khó khăn và thách thức trong quá trình lãnh đạo công cuộc công nghiệp hóa. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp cán bộ hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc phát triển đất nước.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước theo hướng khoa học, dân chủ và hiện đại hơn. Khuyến khích sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy dân chủ trong nội bộ Đảng và xã hội, từ đó phát huy sức mạnh tập thể và sáng kiến của các tầng lớp nhân dân trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế.
Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng. Công tác kiểm tra và giám sát không chỉ giúp phát hiện sớm những sai phạm của cán bộ, đảng viên mà còn tạo ra môi trường làm việc công bằng, minh bạch. Việc xử lý kỷ luật nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng là yếu tố quan trọng nhằm tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, đồng thời khuyến khích các đảng viên làm việc có trách nhiệm và hết lòng vì sự phát triển của đất nước. Các quy trình kiểm tra, giám sát cũng cần được cải tiến để phù hợp với sự phát triển của công nghệ, từ đó giúp việc giám sát trở nên toàn diện và chính xác hơn.
Bốn là, cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các đảng viên trẻ tham gia vào quá trình lãnh đạo và quản lý. Việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng lực lượng trẻ để đảm bảo sự kế thừa và phát triển bền vững của Đảng. Có chính sách khuyến khích đội ngũ cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, có tinh thần đổi mới.
Năm là, đẩy mạnh quan hệ quốc tế, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế và công nghệ tiên tiến từ các quốc gia khác. Việc mở rộng hợp tác quốc tế giúp Việt Nam tiếp cận được các nguồn lực kinh tế và công nghệ hiện đại.
Với tầm nhìn xa lớn và cam kết mạnh mẽ của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta có thể tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp, từ đó đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng và phát triển bền vững của cả khu vực và toàn cầu.
-----------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ VI. NXB Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 212.
(2) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam. Văn kiện Đại hội, 1960, t.1, tr.182
(3) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam. Văn kiện Đại hội, 1960, t.1, tr.182 - 183.