Bầu cử Tổng thống Mỹ giai đoạn chạy nước rút: Trump và Harris bất phân thắng bại

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đang bước vào giai đoạn chạy nước rút quan trọng khi chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa cuộc bầu cử chính thức diễn ra. Hiện nay, 2 ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn đang cạnh tranh nhau gay gắt.

Cuộc chạy đua gay cấn

Càng vào cuối cuộc đua, chiến dịch tranh cử của 2 ứng viên tổng thống đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa càng được đẩy mạnh. Theo The New York Times, kể từ tháng 9, Donald Trump đã tham gia 71 sự kiện, tới thăm 14 bang, bao gồm tất cả các bang xung đột (đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều có cơ hội giành chiến thắng ở các bang này); trong khi đó, Kamala Harris tham gia 53 sự kiện, tới thăm 9 bang, trong đó 6/7 bang xung đột.

Về vận động tài chính, ông Trump tổ chức 6 sự kiện gây quỹ, còn bà Harris tổ chức 4 sự kiện. Mặc dù tổ chức ít sự kiện hơn, song bà Harris lại duy trì khoảng cách khá lớn so với đối thủ về số tiền quyên góp được. Theo dữ liệu mới nhất của Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), số tiền thu được trong tháng 9 của bà Harris là 221,8 triệu USD, gấp ba lần so với ông Trump (chỉ thu được 62,7 triệu USD). Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cũng vượt xa ứng viên của đảng Cộng hòa về số tiền hiện có.

Tuy nhiên, bà Harris có vẻ “hụt hơi” ở giai đoạn cuối của cuộc chạy đua, khi tỷ lệ ủng hộ của bà giảm dần theo thời gian. Ví dụ, trong số 35 cuộc thăm dò được tiến hành vào tháng 9, chỉ có 6 cuộc thăm dò mang lại lợi thế cho ông Trump, 3 cuộc thăm dò ghi nhận kết quả hòa. Khoảng cách mà bà Harris tạo ra trước đối thủ luôn duy trì ở mức 1,8 điểm phần trăm trở lên.

Tuy nhiên, bước vào tháng 10, 25 cuộc thăm dò được thực hiện, trong đó 7 cuộc thăm dò ghi nhận lợi thế dành cho ông Trump. Theo số liệu của Real Clear Politics (RCP), một trang web chuyên về tin tức chính trị và tổng hợp dữ liệu thăm dò ý kiến được thành lập tại Mỹ vào năm 2000, khoảng cách của bà Harris so với đối thủ đã bị thu hẹp xuống còn 0,3 điểm phần trăm tính đến ngày 23/10. Nếu so với các cuộc bầu cử trước đây, cùng thời điểm vào năm 2016, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton dẫn trước Donald Trump 5,5 điểm phần trăm. Tính đến cuối tháng 10 năm 2020, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ khi đó là Joe Biden đã dẫn trước đối thủ Donald Trump tới 8,1 điểm phần trăm.

Mặc dù cả bà Clinton và ông Biden đều không duy trì được lợi thế cho đến trước ngày bầu cử, song rõ ràng mức độ tín nhiệm của cử tri dành cho các ứng cử viên của đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử trước cao hơn đáng kể so với bà Harris hiện nay. Bà Clinton cho dù dẫn trước đối thủ của mình là Donald Trump trong cuộc bầu cử vào năm 2016, nhưng lại không giành đủ số phiếu cần thiết trong cử tri đoàn (để giành chiến thắng, mỗi ứng viên cần phải giành tối thiểu 270 phiếu bầu của đại cử tri). Nói cách khác, mặc dù bà Harris đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò, nhưng khoảng cách là rất mong manh, thậm chí bà có thể thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vì không đạt đủ số phiếu của đại cử tri.

Cục diện sẽ được quyết định ở các bang xung đột (cùng nhau đưa ra 93 phiếu đại cử tri). Theo trang tổng hợp FiveThirtyEight tính đến ngày 24/10, ông Trump dẫn trước ở bang Arizona (1,8 điểm phần trăm), Georgia (1,5 điểm phần trăm), Pennsylvania (0,3 điểm phần trăm) và Bắc Carolina (1,2 điểm phần trăm). Bà Harris dẫn trước với khoảng cách mong manh ở Wisconsin (0,2 điểm phần trăm), Michigan (0,7 điểm phần trăm) và Nevada (0,1 điểm phần trăm). Nếu kết quả thăm dò này được duy trì, ông Trump sẽ có thể giành được 281 phiếu đại cử tri và bà Harris sẽ giành được 257 phiếu.

Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát mới của Financial Times về vấn đề kinh tế, 44% cử tri tin vào năng lực lãnh đạo của ông Trump hơn (bà Harris nhận được 43%). Đây là tín hiệu lạc quan đối với ông Trump và đảng Cộng hòa khi giới chuyên gia nhận định, nền kinh tế vẫn là yếu tố hàng đầu để cử tri quyết định bầu cho ai.

Cơ hội chiến thắng của 2 ứng viên dưới góc nhìn chuyên gia

Giới chuyên gia cũng đặc biệt quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 và đưa ra những nhận định của riêng mình. Tương tự như kết quả của các cuộc thăm dò dư luận gần đây, các ý kiến chuyên gia chia đều cơ hội chiến thắng cho cả hai ứng viên. Trở lại đầu tháng 9, nhà sử học Allan Lichtman, người đã dự đoán chính xác kết quả của 9/10 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây nhất (trừ năm 2000), cho rằng Kamala Harris sẽ giành chiến thắng.

Vào ngày 23/10, tờ The New York Times dẫn nhận định của nhà phân tích và cố vấn chính trị nổi tiếng Nate Silver đã khẳng định về khả năng chiến thắng của Donald Trump. Ông Nate Silver đánh giá thấp về độ chính xác trong các cuộc thăm dò dư luận, đồng thời nhận định về khả năng giành chiến thắng của ông Trump ở 6/7 bang xung đột.

Đồng thời, nhiều nhà quan sát ở Mỹ cũng không loại trừ kịch bản không ai trong số 2 ứng viên nhận được đủ 270 phiếu đại cử tri theo yêu cầu. Ví dụ, CNN đã đưa ra 3 kết hợp phân bổ phiếu bầu sẽ dẫn đến việc cả ông Trump và bà Harris đều chỉ giành được 269 phiếu bầu. Trong trường hợp này, quyền lựa chọn tổng thống mới thuộc về Hạ viện, theo quy tắc “một bang - một phiếu bầu”. Để giành chiến thắng ở Hạ viện, một ứng cử viên phải nhận được tối thiểu 26 phiếu bầu (nước Mỹ có tổng 50 bang).

Trong kịch bản 269-269, phó tổng thống sẽ được Thượng viện lựa chọn, cơ quan hoạt động theo cơ chế một thượng nghị sĩ một phiếu bầu. Nếu Hạ viện không bầu được tổng thống trước ngày 20/1, các thượng nghị sĩ có thể bổ nhiệm một phó tổng thống mới làm nguyên thủ quốc gia cho đến khi Hạ viện quyết định. Nhưng nếu phó tổng thống không được bầu trước ngày 20/1 thì Tu chính án thứ 20 của Hiến pháp Mỹ sẽ có hiệu lực, theo đó chủ tịch Hạ viện (hiện là đảng viên Cộng hòa Mike Johnson) tạm thời đảm nhận quyền lực của tổng thống.

Điều đáng nói là cả Thượng viện và Hạ viện đều phải bầu ra một phó tổng thống và tổng thống mới nếu cuộc bầu cử sắp tới không phân định người thắng - kẻ thua. Hiện nay, đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện, còn đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện. Vào năm 2024, một phần ba Thượng viện và toàn bộ Hạ viện sẽ tái tranh cử. Do đó, vào ngày 3/1/2025, Quốc hội mới ở Mỹ sẽ ra mắt, trong đó cán cân quyền lực có thể khác so với hiện nay.

Theo Vladimir Vasiliev, chuyên gia tại Viện Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, các cuộc thăm dò gần đây không phản ánh đúng tình hình chính trị - xã hội và tâm lý của cử tri Mỹ. Có chăng, dữ liệu có thể là đáng tin cậy từ kết quả của các thị trường dự đoán (Prediction Market), điển hình như Polymarket, nơi cử tri Mỹ đặt cược vào người chiến thắng. Theo số liệu tính đến ngày 24/10, 63,9% đang đặt cược vào Donald Trump, 36,1% đặt cho Kamala Harris. Theo chuyên gia người Nga, Polymarket khó có thể cung cấp con số chính xác nhưng cho thấy xu hướng khách quan trong tâm lý cử tri.

“Không ai trong số 2 ứng viên thuyết phục được cử tri về sự vượt trội của họ, có thể đưa ra lời giải thích tại sao họ nên được bầu. Năm 2016 và 2020 tình hình hoàn toàn khác. Ông Trump vào năm 2016 thể hiện mình là một ứng cử viên mang đến sự thay đổi và ông Biden trong năm 2020 cũng vậy. Kết quả nhiều khả năng sẽ là một chiến thắng sít sao, gây ra những mâu thuẫn, căng thẳng trong đời sống chính trị Mỹ sau bầu cử”, ông Vladimir Vasiliev nhận định.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bau-cu-tong-thong-my-giai-doan-chay-nuoc-rut-trump-va-harris-bat-phan-thang-bai-229096.htm