Bầu cử Tổng thống Mỹ: Hai ứng viên Trump, Biden vào trận so găng đầu tiên

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa 2 ứng viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden vào tối 29-9 (giờ địa phương) tại TP Cleveland, bang Ohio có thể thu hút nhiều sự quan tâm của cử tri Mỹ

uộc tranh luận đầu tiên giữa 2 ứng viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden vào tối 29-9 (giờ địa phương) tại TP Cleveland, bang Ohio có thể thu hút nhiều sự quan tâm của cử tri Mỹ, theo các nhà quan sát chính trị nước này. Họ cũng đưa ra dự đoán về những chiến lược phòng thủ, tấn công mà 2 ứng viên có thể lựa chọn, cũng như tác động khả dĩ của các cuộc tranh luận tổng thống đối với khả năng vào Nhà Trắng sau cuộc bầu cử ngày 3-11 tới.

Hai ông Donald Trump và Joe Biden. Ảnh: USA Today

Hai ông Donald Trump và Joe Biden. Ảnh: USA Today

Sau cuộc tranh luận đầu tiên nói trên, hai ứng viên còn gặp nhau trong 2 lần "so găng" nữa vào các ngày 7-10 và 22-10.

Cuộc tranh luận đầu tiên dự kiến kéo dài 90 phút, được điều phối bởi phóng viên Chris Wallace của đài Fox News, gồm 6 chủ đề: Hồ sơ của hai ứng viên, Tòa án Tối cao, đại dịch Covid-19, kinh tế, sắc tộc và bạo lực tại các thành phố Mỹ, tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Những động thái, quan điểm của 2 ứng viên kể từ khi cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu cho thấy bức tranh tương phản đáng kể giữa họ về nhiều chủ đề của cuộc tranh luận đầu tiên.

Tòa án Tối cao

Công việc chuẩn bị cho cuộc tranh luận tại TP Cleveland, bang Ohio - Mỹ. Ảnh: Reuters

Công việc chuẩn bị cho cuộc tranh luận tại TP Cleveland, bang Ohio - Mỹ. Ảnh: Reuters

Tranh cãi về việc đề cử người thay thế thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời đang gây chia rẽ mạnh mẽ không chỉ giữa 2 ứng viên tổng thống mà còn cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ. Ngay trước khi tranh luận diễn ra, Tổng thống Donald Trump đã đề cử thẩm phán Amy Coney Barrett ngồi vào chiếc ghế trống này và kêu gọi Thượng viện (hiện do Đảng Cộng hòa kiểm soát) tiến hành bỏ phiếu từ giờ cho đến cuộc bầu cử.

Trái lại, ông Biden thúc giục hoãn cuộc bỏ phiếu này cho đến khi xác định được người chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Nỗi lo của cả ứng viên này và Đảng Dân chủ là bà Barrett, một người theo đường lối bảo thủ, có thể bỏ phiếu bãi bỏ Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (còn gọi là Obamacare) trong trường hợp nó bị đưa lên Tòa án Tối cao.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và thẩm phán Amy Coney Barrett. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và thẩm phán Amy Coney Barrett. Ảnh: Reuters

Ông Joe Biden phát biểu về vấn đề Tòa án Tối cao hôm 27-9. Ảnh: Reuters

Ông Joe Biden phát biểu về vấn đề Tòa án Tối cao hôm 27-9. Ảnh: Reuters

Đại dịch Covid-19 và kinh tế

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 204.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất việc ở Mỹ, hai vấn đề này dự kiến được nói đến nhiều tại cuộc tranh luận. Đối mặt chỉ trích vì giảm nhẹ hiểm họa của Covid-19 trong những ngày đầu nó bùng phát, ông Trump tiếp tục có nhận định bị xem là lạc quan so với tình hình dịch bệnh tại nước này ngay trước thềm tranh luận.

Vì thế, không gì khó hiểu khi Tổng thống Donald Trump sẽ tận dụng cuộc đối đầu với ông Biden để biện hộ cách thức xử lý dịch Covid-19 của mình thời gian qua với lập luận rằng tình hình có thể còn tệ hơn. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng sẽ nỗ lực thuyết phục cử tri rằng chỉ có ông mới giúp kinh tế hồi phục và cải thiện sự an toàn của công chúng vào thời điểm hỗn loạn này.

Trợ lý Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Brett Giroir giới thiệu một bộ xét nghiệm Covid-19 nhanh tại một sự kiện ở Nhà Trắng hôm 28-9. Ảnh: Reuters

Trợ lý Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Brett Giroir giới thiệu một bộ xét nghiệm Covid-19 nhanh tại một sự kiện ở Nhà Trắng hôm 28-9. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, đối thủ Biden sẽ có cơ hội công kích năng lực lãnh đạo của ông Trump bằng cách nêu bật tình hình dịch bệnh và tình trạng kinh tế còn đối mặt nhiều thách thức. Nếu thắng cử, ông Biden xem vai trò của mình là dỡ bỏ "những rào cản" đe dọa nỗ lực ứng phó Covid-19 hiệu quả do chính quyền ông Trump "dựng lên". Chẳng hạn, trong lúc chính quyền ông Trump thúc ép các bang mở cửa lại trước khi khống chế dịch bệnh, ông Biden sẽ khuyến khích bắt buộc đeo khẩu trang và tiến hành các biện pháp phong tỏa mới, nếu cần.

Tóm lại, chiến lược chống Covid-19 của ông Biden được xem là hiệu quả nhất để khống chế Covid-19: một chương trình xét nghiệm - truy dấu - cách ly, các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang bắt buộc, phân phối vắc-xin công bằng một khi được giới khoa học bật đèn xanh.

Chủng tộc và bạo lực tại các thành phố

Hai ứng viên cũng cho thấy những khác biệt lớn về quan điểm đối với vấn đề "chủng tộc và bạo lực".Ông Trump bị chỉ trích là đang vẽ nên một bức tranh không đúng sự thật về tình trạng bạo lực đường phố tràn lan tại nước Mỹ. Riêng ứng viên Biden cáo buộc ông Trump "thổi bùng ngọn lửa bạo lực và chia rẽ đất nước vì lợi ích chính trị".

Tổng thống Donald Trump hôm 1-9 xem xét thiệt hại tại một cơ sở kinh doanh theo sau những cuộc biểu tình chống lại sự phân biệt chủng tộc xuất phát từ vụ cảnh sát bắt một người da màu tên Jacob Blake tại TP Kenosha, bang Wisconsin. Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump hôm 1-9 xem xét thiệt hại tại một cơ sở kinh doanh theo sau những cuộc biểu tình chống lại sự phân biệt chủng tộc xuất phát từ vụ cảnh sát bắt một người da màu tên Jacob Blake tại TP Kenosha, bang Wisconsin. Ảnh: Reuters

Ở chiều ngược lại, ông chủ Nhà Trắng tìm cách gắn kết đối thủ với các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và ý định ngưng cấp ngân sách cho cảnh sát. Ông Trump cũng cảnh báo rằng ông Biden sẽ tìm cách giải giới những người Mỹ tuân thủ pháp luật.

Ngoài ra, bằng cách tuyên bố mình là tổng thống của "luật lệ và trật tự", ông Trump muốn thuyết phục cử tri rằng tội phạm là mối đe dọa và chỉ có ông mới ngăn được nó.

Ông Joe Biden hôm 3-9 có chuyến đi đến gặp người thân của Jacob Blake, một người da màu bị cảnh sát bắn tại TP Kenosha, bang Wisconsin. Ảnh: Reuters

Ông Joe Biden hôm 3-9 có chuyến đi đến gặp người thân của Jacob Blake, một người da màu bị cảnh sát bắn tại TP Kenosha, bang Wisconsin. Ảnh: Reuters

Tính toàn vẹn của cuộc bầu cử

Tổng thống Trump hôm 24-9 từ chối cam kết chuyển giao quyền lực hòa bình nếu thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới, đồng thời dự báo cuộc chiến bầu cử có thể sẽ kết thúc tại Tòa án Tối cao. Nhà lãnh đạo này thời gian qua đã nhiều lần bày tỏ nghi ngờ về tính hợp pháp của hình thức bỏ phiếu qua thư và cho rằng hình thức này sẽ dẫn đến gian lận dù không trưng ra bằng chứng nào.

Đáp lại, ông Biden gọi phát biểu trên là "phi lý" trong lúc chiến dịch tranh cử của ông cảnh báo chính phủ Mỹ hoàn toàn có khả năng "tống khứ người xâm phạm" ra khỏi Nhà Trắng.

Ông Eric S. Heberlig, chuyên gia tại Trường ĐH Bắc Carolina (Mỹ), chỉ ra những yếu tố quan trọng có thể tác động đến các cuộc tranh cử năm nay. Trước hết, Tổng thống Trump đang bị đối thủ dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận nên cần có màn trình diễn ấn tượng để thúc đẩy chiến dịch tranh cử của mình.

Ngoài ra, do ông Trump đang là tổng thống đương nhiệm, nhiều câu hỏi sẽ nhằm vào năng lực lãnh đạo và quyết sách của ông trong lúc nắm quyền. Điều này đẩy ông Trump vào thế phòng thủ và cho ông Biden cơ hội tấn công.

Chưa hết, trong bối cảnh ông Trump tìm cách nêu bật đối thủ đã cao tuổi và bị lão suy, nếu ông Biden có cuộc tranh luận chấp nhận được (chưa cần quá xuất sắc), người ta có thể kết luận ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ có màn trình diễn tốt hơn mong đợi và giành chiến thắng trong vòng so găng đầu tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 27-9. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 27-9. Ảnh: Reuters

Theo chuyên gia David Schultz của Trường ĐH Hamline (Mỹ), ông Trump sẽ tìm cách hướng sự chú ý vào tuổi tác và tính cách của ông Biden như từng làm với bà Hillary Clinton hồi năm 2016. "Ông Trump cũng sẽ tìm cách đưa cuộc tranh luận rời xa chủ đề đại dịch sau khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông không xử lý tốt cuộc khủng hoảng này" - ông Schultz nhận định.

Ngoài ra, tổng thống đương nhiệm có thể tìm cơ hội gắn kết ông Biden với các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc, tình trạng bạo lực, bạo động và ý định ngưng cấp ngân sách cho cảnh sát.

Về phía ông Biden, theo nhà phân tích chính trị Scott Bennett, ông Trump sẽ dẫn dắt nhịp độ và chiều sâu của cuộc tranh luận. Ứng viên này cần chứng tỏ mình có năng lực ngồi vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng, đồng thời bổ sung sự phấn khích nhất định vào chiến dịch tranh cử đang bị xem là tẻ nhạt của mình.Trong nỗ lực tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ những cử tri chưa quyết định bỏ phiếu cho ai, ông Biden có thể công kích ông Trump về những vấn đề như cách đối phó đại dịch Covid-19 và vực dậy nền kinh tế đang chịu tác động mạnh của dịch bệnh, quyền phá thai, vấn đề chăm sóc sức khỏe...

Không ít tranh cãi đã nổ ra xung quanh cuộc tranh luận sắp tới. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8 nói bà nghĩ không nên có bất kỳ cuộc tranh luận nào giữa hai ứng viên tổng thống.

Tuyên bố này từng làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông Biden, buộc nhóm tranh cử của ông này nhiều lần khẳng định cựu Phó tổng thống sẽ chấp nhận các cuộc tranh luận tổng thống như kế hoạch. Dù vậy, khi xuất hiện trên đài CBS hôm 25-9, bà Pelosi vẫn thắc mắc về việc tổ chức các cuộc tranh luận với lý do đằng nào thì ông Trump cũng "đâu có nói thật".

Ông Joe Biden tại một cuộc vận động tranh cử ở TP Warren, bang Michigan - Mỹ hôm 9-9. Ảnh: Reuters

Ông Joe Biden tại một cuộc vận động tranh cử ở TP Warren, bang Michigan - Mỹ hôm 9-9. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định những cuộc tranh luận tổng thống vẫn luôn đáng được chờ đợi. Đối với cuộc đối đầu sắp tới giữa hai ông Trump và Biden, những chủ đề nóng và một loạt tranh cãi liên quan khiến sự kiện này có thể thu hút nhiều người xem hơn hẳn cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử 4 năm trước.

Theo ông Schultz, người xem sẽ chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất, cũng như những sơ suất, phát ngôn sai có thể có của cả hai ứng viên. Dù vậy, ông Heberlig nhận định các cuộc tranh luận có thể không tác động nhiều đến những người đã có quyết định ngay từ đầu: Người chiến thắng luôn là ứng viên ưa thích của mình.

Phương Võ - Lê Duy

(Theo Sputnik, Reuters, The Washington Post, CNN, Vox)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/emagazine-bau-cu-tong-thong-my-hai-ung-vien-trump-biden-vao-tran-so-gang-dau-tien-20200929194204501.htm