Bàu Trúc - một câu chuyện gốm Việt
Đến đất cổ của Vương quốc Chăm Pa, chúng tôi rẽ vào làng gốm Bàu Trúc. Cái tên đến lạ. Bàu là hồ, là hồ, ao, gốm là đất và nước, đang miên man thế thì bắt gặp một em bé Chăm nước da dám nắng.
Gốm Việt luôn là một câu chuyện dài của quá khứ. Từng vóc dáng, hình hài, sắc màu của gốm mang kí ức của lịch sử, của nền văn hóa lâu đời nhưng lại bình dị như đất quê, men quê. Gốm tròn trịa mịn màng từ bàn tay khéo léo đều đặn của nghệ nhân nhưng khi gốm chào đời, mang số phận riêng… tưởng như thế đã là quá nhiều, nhưng một sớm xuân, tôi như lạc vào một miền gốm với bao câu chuyện khác.
Nếu nghệ thuật giúp ta vượt qua những khác biệt của ngôn ngữ, tìm thấy những tương đồng thì ngược lại, gốm là một ngôn ngữ đa thanh. Khá tương đồng về chất liệu, phương thức chế tác nhưng phong cách sáng tạo, sự biến hóa và tâm thế của gốm lại muôn hình vạn trạng. Bắt đầu là việc chứa đựng cái ăn, thức uống, khi đồ dùng truyền thống đã bị cuộc sống tiện nghi loại bỏ, thì như một sợi tơ mỏng mảnh, gốm vẫn song hành cùng con người. Gốm là bình, là hoa biểu tượng, là Thần, Phật nhưng cũng là cục đất trường tồn.
Đã vào đất cổ của Vương quốc Chăm Pa, chúng tôi rẽ vào làng gốm Bàu Trúc. Cái tên đến lạ. Bàu là hồ, là hồ, ao, gốm là đất và nước, đang miên man thế thì bắt gặp một em bé Chăm nước da dám nắng:
- Bàu Trúc là đây phải không con?
- Dạ, phía trước.
Tưởng phải đi xa lắm, hóa ra đứng giữa làng gốm. Nắng xuân trên miền đất Ninh Thuận như vừa đủ độ chín những Tháp Chàm kiên gan giữa miền cát. Bước vào căn nhà ngói mát rượi, là chất giọng Chăm nồng đượm chào tôi. Khách chỉ kịp đáp lời đã bị hút hồn vào ngút ngát gốm.
Trước mắt tôi là những sản phẩm của làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, là một trong hai làng nghề mang đậm bản sắc văn hóa Chăm, là một cách thức sáng tạo gốm độc đáo? Không, không phải chứ, gốm Bàu Trúc đơn giản lắm, chú rùa bằng đất nung như vừa từ dưới nước lên còn lấm lem cát, bức tượng vũ nữ Chăm như mới gặp đâu đây với sức sống của một người con gái, tượng thần Siva trong thần thoại bước ra còn lấp lánh hào quang…
Lạ nỗi, gốm ở xứ Chăm cũng sinh sôi bằng bàn tay những người phụ nữ. Những người phụ nữ được mẹ truyền lại từ bà, họ nâng niu ve vuốt gốm như tắm gội, chăm bẵm những đứa con. Bởi thế, gốm không sinh sôi từ vòng xoay tít mù của bàn xoay mà từ những vòng xoay che chở vun đắp của người nữ nghệ nhân. Người ta gọi gốm người xoay cũng chẳng sai.
Trưa ấy, trong tiếng gà gáy xa xăm, một ngày dân làng không phải đến lễ đền, nhìn đôi mắt một bé gái đang chăm chú theo dõi mẹ làm gốm, tôi được chứng kiến cuộc sinh thành gốm đơn giản đến kì diệu. Gốm ở đây là đất sét, được truyền từ ông tổ nghề Poklong Chanh tự ngàn năm trước. Vị quan quy ẩn đã truyền lại cho những người phụ nữ Chăm gìn giữ những biểu tượng. Người Bàu Trúc làm gốm chậm, không câu nệ ở đường nét tinh sảo mà thô phác nhưng toát lên một vẻ đẹp riêng.
Cả buổi sáng ấy, người phụ nữ đắp một chiếc bình, đất và cát đỏ, nước của hồ Trúc quện vào nhau tạo nên một đời gốm, biết rằng ngày mai những khối hình ấy sẽ cứng cáp, lên nước bóng hay hồng tươi một màu khô để đến với muôn nơi. Cảm nhận bức tượng Tháp Chàm sẽ còn theo tôi trong chuyến bay về với miền Bắc xa xôi và không quên câu chuyện một lần được thưởng lãm cuộc sinh thành của gốm cổ Bàu Trúc.
Bài và ảnh: Bùi Việt Phương
Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/bau-truc-mot-cau-chuyen-gom-viet-287147.html