Báu vật của người già

Có một lần, một người bạn của tôi đăng lên mạng thông tin 'Tìm bố lạc'. Trong bài viết ấy, bạn nói rằng bố bạn đã bỏ nhà đi mấy hôm nay. Kèm theo thông tin ấy là tấm ảnh một người đàn ông hơn 65 tuổi, trông còn minh mẫn, nét mặt sáng sủa, hiền lành.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mẩu thông báo trên mạng ấy khiến rất nhiều người vào hỏi thăm, nhưng chưa đầy 1 giờ đồng hồ sau, bạn đã xóa đi. Sau đó, bạn mới tâm sự cùng tôi, rằng khi thông tin ấy đăng lên mạng, bố bạn đã liên lạc với gia đình báo về nhà bình an, mặc dù trước đó bao nhiêu cuộc gọi đến ông đều không nghe máy, tin nhắn không trả lời.

Hóa ra, người bố bỏ đi không phải do lãng trí hay lạc đường như nhiều trường hợp khác, mà vì giận con cái. Ông có ba người con, vợ đã mất từ 3 năm trước. Trước kia, vợ chồng ông sống với nhau rất êm ấm, hòa thuận, quan tâm, săn sóc lẫn nhau. Từ khi bà bệnh nặng mất đi, ông về sống với các con, nhưng dường như không hòa nhập được với đời sống mới. Ông ít nói, ít cười, hay thui thủi một mình.

Dạo gần đây, thấy ông có vẻ thoải mái, vui vẻ hơn con cháu cũng mừng, nhưng rồi phát hiện ra ông thường lên mạng, kết bạn, chuyện trò với nhiều người. Thậm chí đi hẹn gặp những nhóm bạn trên mạng. Các con cảm thấy lo lắng và sốc, vì bố đã lớn tuổi lại đi kết bạn lung tung, gặp gỡ những người xa lạ, rất thiếu an toàn.

Các con nói mãi, cấm cản bố mãi nhưng ông không nghe. Ông bảo, lúc trước ở quê ông còn có bạn bè bà con, nay lên thành phố lớn, hàng xóm đi làm hết, thui thủi một mình, con cháu bận rộn, ngoài những người bạn trên mạng ra ông còn có ai nữa. Đỉnh điểm là các con lấy điện thoại của bố, chặn toàn bộ những tài khoản mà ông đã kết bạn. Trong phút bức xúc, bố con đã nổ ra tranh cãi hết sức nặng nề. Ngày hôm sau, ông bố bỏ đi không nói lời nào.

Người bạn tôi tâm sự rằng bố đi một tuần, cả nhà báo cho công an địa phương, liên lạc tìm kiếm khắp nơi, nhắn cho bố bao nhiêu tin nhắn mà không được. Mẹ mất đi, bố ít nói, bố trầm lặng, buồn phiền. Không ai thực sự nghĩ mình phải làm gì đó để thay đổi, kéo bố ra khỏi trạng thái ấy. Các con đi làm tối ngày, các cháu đi học và có nhiều mối quan tâm của tuổi trẻ. Một cụ già lủi thủi trong căn nhà rộng, không có ai để bầu bạn, cuối cùng phải lên mạng để tìm lấy bạn cho mình.

Và khi ấy, những người con cũng chỉ nhìn nhận sự việc ở khía cạnh hành vi của bố “không phù hợp với tuổi tác”. Họ mặc định rằng, bố lớn tuổi rồi thì chỉ nên chăm cây, chăm hoa, uống trà, xem thời sự, ai lại đi lên mạng kết bạn lung tung làm gì, nhỡ gặp lừa đảo thì sao. Họ nghĩ rằng mình đang có lý, đang tỉnh táo, lo lắng cho bố, rằng bố lẩm cẩm rồi nên mới dễ tin người, dễ kết bạn đến thế.

Nhưng khi bố đi rồi, nghĩ lại, những người con mới thấy rằng, những lần bố nhờ con, nhờ cháu hướng dẫn lên mạng họ đều rất qua loa, thờ ơ. Những mối quan hệ bạn bè bố kết trên mạng, họ cũng chưa một lần kiểm tra, xem xét xem thực hư thế nào, đã vội xóa hết của bố. Nỗi hối hận ngập tràn tâm hồn những người con sau khi bố bỏ đi khỏi nhà.

Bạn tôi kể lại, sau nhiều phen thuyết phục, xin lỗi, bố đã cho họ địa chỉ để đến đón. Thì ra ông bố nương náu ở nhà một ông bạn già khác, cũng làm quen trên mạng. Bố bạn tôi hóa ra đã tự mày mò lên mạng để làm quen với cả một hội có chung đam mê là chim cảnh và những buổi gặp gỡ của họ là ở những câu lạc bộ, vườn chim cảnh để uống cà phê, chuyện trò, nhờ vậy mà người bố đã tìm lại được sự kết nối với mọi người xung quanh, bắt đầu yêu đời trở lại.

Sau cái đận hú vía ấy, cả đại gia đình nhà bạn tôi từ các con đến các cháu ai cũng quan tâm, chăm sóc ông về tình cảm, tinh thần nhiều hơn. Những đứa cháu còn bỏ thời gian hướng dẫn ông sử dụng điện thoại, AI, cách lên mạng tốt nhất cũng với nhiều kiến thức công nghệ hữu ích.

Đó là một kết thúc có hậu với gia đình người bạn của tôi, vì đã có thể tự soi xét, tự nhìn nhận và thay đổi thái độ sống, thay đổi cách hành xử đối với cha mẹ. Nhưng vẫn còn ngoài kia, bao nhiêu cụ già cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, cô đơn trong thế giới của riêng mình, mang sự cô đơn ấy lên cả thế giới ảo. Có bao nhiêu người con, mải mê, quay cuồng với những dự định, kế hoạch, với cuộc vui riêng của mình mà quên rằng, quỹ tích cuộc đời của ta, của con ta có thể còn dài, nhưng với cha mẹ là tính ngày, tính tháng. Rằng với người già, sự quan tâm, đồng hành của con cháu quý hơn mọi báu vật trên đời...

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bau-vat-cua-nguoi-gia-post528417.html