Bé gái 13 tuổi nhảy lầu vì mẹ kiểm tra điện thoại: Rèn con tuổi dậy thì có khó?
Sự việc bé gái 13 tuổi nhảy lầu do giận mẹ kiểm tra điện thoại của mình khiến không ít bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Sau vụ việc này, cha mẹ nên tìm hiểu rõ các phương pháp dạy con tuổi dậy thì.
Ngày 21/11, bé L.A.Q. (quận 10, TP.HCM) nhảy lầu do giận mẹ kiểm tra điện thoại được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM từ Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng dập gan. Sau khi được các bác sĩ cấp cứu, bệnh nhi đã tỉnh táo, được theo dõi sát và điều trị bảo tồn gan. Theo bác sĩ, bé Q. nhảy lầu tự tử lúc 20h30 ngày 20/11 do giận mẹ kiểm tra điện thoại của mình. May mắn, bé không rơi thẳng xuống đất mà ngã xuống mái tôn tầng 2, sau đó đụng vào xe máy rồi tiếp đất.
Khi con đến tuổi dậy thì, sự thay đổi cả về tâm và sinh lý khiến việc dạy con của nhiều phụ huynh trở nên khó khăn hơn. Dễ tự ái là một đặc trưng trong độ tuổi dậy thì nên các em rất dễ bị tổn thương khi bị mắng nặng lời, đôi khi dẫn đến hành động nông nổi. Chính vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu các phương pháp dạy con tuổi dậy thì để giúp trẻ phát triển tốt ở độ tuổi “ẩm ương” này.
Con cái đến tuổi dậy thì là giai đoạn hết sức nhạy cảm vì tâm lý lứa tuổi này rất phức tạp. Là cha mẹ, bạn hãy chuẩn bị kiến thức phòng xa và uốn nắn kịp thời để định hướng con mình phát triển toàn diện, khỏe mạnh và vui vẻ nhất.
Theo trang tin Hanoi Academy, các phương pháp dạy con tuổi dậy thì sau đây sẽ giúp bạn có phương hướng ứng phó kịp thời với tâm sinh lý trẻ trong độ tuổi này.
Trong thời gian trẻ bước sang tuổi dậy thì, cha mẹ tỏ ra nghiêm khắc quá cũng không được mà thả lỏng quá cũng không xong. Quản lý con cái quá mức sẽ khiến trẻ cảm thấy tù túng, mất tự do mà buông lỏng thì trẻ dễ vướng vào những thói hư, tật xấu.
Ở giai đoạn này trẻ thể hiện cái tôi nhiều nhất nên các em rất muốn tự quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc đời mình. Tốt nhất bạn nên cho trẻ tự quyết những gì chúng có thể, với điều kiện là chúng đã thảo luận vấn đề đó với bạn và bạn đã phân tích cho chúng hiểu vấn đề đó là đúng hay sai. Sau đó, bạn đề nghị chúng phải tự chịu trách nhiệm nếu vấn đề chúng làm là không đúng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thỏa thuận với chúng một số nguyên tắc bất di bất dịch: phải về nhà trước 10 giờ đêm, không bia rượu, thuốc lá, không giao du với các bạn bè xấu, đưa bạn khác giới về khi bố mẹ không có nhà.
Dạy trẻ hiểu rằng cần phải tôn trọng những giới hạn
Khi trẻ đến tuổi dậy thì mà bố mẹ không quan tâm hoặc để cho trẻ tự do làm bất kỳ điều gì mình muốn, chúng sẽ cảm thấy không ai quan tâm đến mình mà tuổi này lúc nào cũng muốn được người khác chú ý. Chính vì thế, chúng sẽ thu hút sự quan tâm của người khác và chứng tỏ bản thân bằng những cách tiêu cực do không được định hướng như ăn mặc thiếu vải, tiếp xúc với những người bạn giang hồ, tham gia đánh nhau, gây sự, gây rối mất trật tự. Dễ sa đà vào các tệ nạn như ma túy, mại dâm…
Dù có bận rộn nhưng hãy dành thời gian quan tâm đến con, tìm hiểu về tâm sinh lý của con để có phương pháp dạy con tuổi dậy thì phù hợp nhất. Đặc điểm tâm lý chung theo lứa tuổi là một phần, ngoài ra tâm sinh lý mỗi trẻ lại mỗi khác phụ thuộc vào chính hoàn cảnh sống và tính cách của trẻ. Vì vậy tìm hiểu đặc điểm của con thông qua quan sát những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.
Quy định nghiêm nhưng luôn vị tha với những lỗi lầm
Hãy đưa ra những nguyên tắc hợp lý đối với trẻ, càng tỉ mỉ càng tốt. Thời gian đầu do chưa quen với những quy tắc này, trẻ có thể sẽ liên tục vi phạm. Tuy nhiên đừng mắng mỏ trẻ mà hãy tỏ ra bao dung, độ lượng, dùng những lời lẽ nhẹ nhàng để phân tích cái đúng cái sai trong hành động hay suy nghĩ của trẻ. Đồng thời, tỏ ra hơi thất vọng khi biết chúng đã làm như vậy và bày tỏ thái độ mong rằng lần sau chúng sẽ không mắc lỗi thêm một lần nào nữa.
Sự bao dung, độ lượng của bạn sẽ khiến con bạn tôn trọng bạn hơn. Hãy luôn cố gắng là tấm gương của trẻ để có thể tâm phục khẩu phục bạn. Nóng nảy và giận dữ là thái độ tuyệt đối không nên áp dụng khi dạy trẻ ở lứa tuổi này.
Hãy làm bạn cùng con
Ở tuổi dậy thì, con luôn cần một người bạn, rất cần một người bạn kịp thời để sẻ chia, tâm sự. Ba mẹ nên làm bạn với con thông qua nguyên tắc, không dò xét, kiểm tra thái quá, không xâm phạm đời tư của con như đọc lén tin nhắn điện thoại, đọc nhật ký, tin nhắn chat… Điều đó vô tình tạo khoảng cách giữa bạn và con ngày một xa hơn.
Hãy làm bạn với con thông qua việc trò chuyện hàng ngày, thông qua việc nhiệt tình mời bạn bè của con đến chơi, làm bạn với các bạn của con. Khi bạn có thiện chí, khi các bạn của con đến nhà chơi, bạn sẽ biết con bạn là người như thế nào, phát triển theo chiều hướng nào để kịp thời điều chỉnh. Những người bạn của con cũng có thể giúp cha mẹ có thêm nguồn tin tin cậy để điều chỉnh việc dạy dỗ, giáo dục con đúng đắn hơn.
Hãy làm bạn với con qua những cuốn sách, tặng con những cuốn sách mà con cần. Sách về tâm sinh lý tuổi mới lớn, sách về những câu chuyện tình yêu đẹp, sách về mơ ước, hoài bão tương lai, sách về cuộc sống…
Hãy làm một người bạn bí mật với con qua mạng xã hội, email, yahoo, skyper… Có thể con bạn sẽ dễ dàng trải lòng mình, muốn được chia sẻ với một người bạn online. Bạn sẽ kịp thời bên con những lúc con cần nhờ ý tưởng thú vị này.
Hành trình dạy con, bên con ở giai đoạn tuổi dậy thì luôn có nhiều thách thức. Nhưng nếu bạn biết bỏ qua những nguyên tắc, biết bỏ qua sự phán xét và quan tâm thái quá để cảm nhận bằng tình thương và sự sẻ chia, con bạn sẽ vững tin vượt qua cái tuổi nông nổi này.
Phương pháp dạy con tuổi dậy thì có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách thức mà bố mẹ truyền tải dựa trên chính tính cách hàng ngày của trẻ. Có những trẻ bắt buộc phải nghiêm nhưng có những trẻ lại cần nhẹ nhàng giải thích, tỉ tê. Việc thực hiện không đúng phương pháp, phương pháp không phù hợp với tính cách của con rất có thể sẽ phản tác dụng.