Bé trai nguy hiểm tính mạng sau hơn 1 tháng mệt mỏi, uống nhiều nước, giảm 10kg

Bé trai 13 tuổi nhập viện cấp cứu với mức đường huyết cao gấp 5 lần chỉ số bình thường. Bệnh nhi có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu cấp cứu muộn.

Chỉ số đường huyết tăng cao gấp 5 lần, trẻ sụt cân, mệt mỏi

Bé Đ.P.B (13 tuổi trú tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), được gia đình đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).

Trước đó, trẻ thường xuyên kêu mệt mỏi, uống rất nhiều nước và buồn ngủ, giảm 10kg. Khoảng 10 ngày trước khi vào viện, bé có đi xe máy tự ngã, trẻ đau vùng đầu và vai hai bên.

Tại bệnh viện, kết quả thăm khám và kiểm tra cho thấy trẻ có biểu hiện lơ mơ, chỉ số đường máu tăng rất cao (34,7 mmol/L) so với ngưỡng bình thường (<7,8mmol/l), toan ceton do đái tháo đường. Bệnh nhân được chuyển tới khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, truyền bù dịch và điện giải, duy trì insulin nhanh để kiểm soát đường huyết và điều chỉnh toan ceton. Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của trẻ ổn định hơn.

Sau 7 ngày điều trị tích cực tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), sức khỏe của trẻ ổn định hơn.

Sau 7 ngày điều trị tích cực tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), sức khỏe của trẻ ổn định hơn.

Bác sĩ Hà Thị Hằng, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, cho biết trẻ nhiễm toan ceton do đái tháo đường có thể biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não, sốc giảm thể tích do mất nước, thậm chí tử vong.

Ở trẻ em, đái tháo đường type 1 là hay gặp nhất. Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống.

Với đái tháo đường type 2, vấn đề chính là sự đề kháng Insulin. Các tuyến tụy có thể tạo ra Insulin, thường với số lượng lớn, nhưng Insulin không hoạt động tốt vì các tế bào trong cơ thể đề kháng lại các tác dụng của Insulin. Với đái tháo đường type 2, một thời gian sau tuyến tụy bị suy kiệt, cơ thể trở nên đề kháng với insulin và rơi vào tình trạng thiếu insulin.

Trước đây, bệnh đái tháo đường type 2 thường chỉ xảy ra ở người lớn. Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2, do số lượng trẻ em thừa cân/béo phì ngày càng tăng nhanh.

Ngoài hai type đái tháo đường phổ biến trên, ở trẻ em còn có thể gặp các bệnh lý như đái tháo đường sơ sinh (trẻ dưới 1 tuổi), đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi, hoặc đái tháo đường đi kèm với các tình trạng bệnh lý khác gây tổn thương tuyến tụy (đái tháo đường thứ phát).

Ngăn ngừa đái tháo đường ở trẻ em bằng cách nào?

Theo Ths.BS Hương Giang, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh đái tháo đường type 1 không thể ngăn ngừa được, bệnh đái tháo đường typ 2 đôi khi có thể được ngăn ngừa. Tăng cân quá mức, béo phì và lối sống ít vận động là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Cách giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2:

Đảm bảo trẻ ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Khuyến khích trẻ ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng – như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein nạc – có thể giúp ngăn ngừa tăng cân quá mức, một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh đái tháo đường type 2.
Hạn chế thức ăn và đồ uống có đường.
Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất nhiều.

Lan Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/be-trai-nguy-hiem-tinh-mang-sau-hon-1-thang-met-moi-uong-nhieu-nuoc-giam-10kg-169241027115158445.htm