Bên trong bệnh viện dã chiến

'Con em nó mới mổ hàm ếch, nó không ăn được cơm và đồ cứng mà chỉ húp được cháo hoặc mì gói. Em hết tiền rồi, giờ chỉ mong có được thùng mì, gói cháo cho qua bữa. Mẹ em bị đột quỵ nhưng cũng mắc COVID-19 đã được chuyển đến bệnh viện nhưng mấy ngày nay không có thông tin gì, em có linh cảm chẳng lành'- chị Huỳnh Thị Giàu, một bệnh nhân mắc COVID-19 khóc, kể.

Số ca F0 đang tăng lên từng ngày ở TPHCM

Chới với giữa đại dịch

Lúc nhân viên y tế Bệnh viện Dã chiến Thu dung điều trị COVID-19 số 3 đi thăm khám, họ nghe tiếng khóc phát ra từ căn phòng số 0403 thuộc lầu 4, khu B. Cánh cửa hé mở sau nhiều lần được gọi, người phụ nữ với gương mặt khắc khổ dắt theo hai bé gái gầy gò, ốm yếu ra chào. Chị là Huỳnh Thị Giàu (31 tuổi, ngụ tại phường 6, quận 4, TPHCM) đã được cách ly, điều trị từ ngày 15/7 cùng 3 đứa con sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hai mắt đỏ hoe, chị nghẹn ngào: “Xin lỗi bác sĩ, con em đói quá nên mới khóc, em đang nhờ xin cháo với mì gói cho nó nhưng chưa được. Suất cơm của cả nhà đều đầy đủ nhưng con bé 4 tuổi không ăn được vì mới mổ tật hàm ếch và cắt thắng lưỡi, giờ bé chỉ nuốt được mấy loại thức ăn mềm. Bác có cách nào giúp mẹ con em, giờ em cũng không biết phải làm sao để lo cho chúng nữa”.

Tình huống không ai mong đợi diễn ra khiến mọi người đều khựng lại vài giây, một nhân viên hậu cần nhanh chóng liên hệ tiếp tế để xin đồ ăn cho các bé. Nhưng trong tình hình khó khăn chung, các mặt hàng thực phẩm không có sẵn nên lực lượng tiếp tế cũng chỉ hỗ trợ được một phần bánh ngọt cho hai đứa trẻ lót dạ, tạm qua cơn đói.

Giữ khoảng cách an toàn, đủ để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm, phóng viên báo Tiền Phong đang theo chân các y bác sĩ đã nán lại bên hành lang phòng bệnh của mẹ con chị Giàu. Như gần khóc, chị tâm sự: “Ba mẹ đặt cho cái tên là Giàu nhưng số em sao khổ quá. Em đã “qua hai lần đò” nhưng bố của lũ trẻ đều bỏ theo người khác để lại 3 đứa con và mẹ già một vai em gồng gánh. Để nuôi 5 miệng ăn, mẹ con em làm bánh cay bán dạo bên đường, mỗi ngày cũng được vài trăm nghìn tiền lời nhưng gặp hôm mưa gió thì lỗ vốn. Em đang cố gắng để lo cho gia đình thì dịch COVID-19 ập tới, cuộc sống trở nên khốn khổ quá”.

Đầu năm 2021, mẹ chị Giàu là bà Phạm Thị Phương đang đẩy xe đi bán bánh thì bị đột quỵ. Hơn nửa năm qua, mẹ chị nằm một chỗ, không thể đi lại cũng không nói được. Tưởng như vậy đã hết khổ ai ngờ dịch COVID-19 quét qua xóm trọ khiến nhiều người nhiễm. “Em cầu trời cho cả nhà được an toàn nhưng không ngờ bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm cả 5 người trong gia đình em đều dương tính. Chẳng kịp chuẩn bị gì, em quơ vội vài bộ quần áo của cả nhà rồi theo xe vào khu điều trị. Cứ nghĩ mẹ em được ở cùng, không ngờ bà phải chuyển sang Bệnh viện Trưng Vương vì bệnh viện dã chiến không điều trị ca bệnh nặng. Mẹ em đã bỏ ăn trước khi nhập viện, mấy ngày nay em không nhận được thông tin gì về bà, em có linh cảm chẳng lành” - chị Giàu mếu máo.

Áp lực quá tải bệnh nhân mắc COVID-19 đè nặng lên vai của đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện. Ảnh: Vân Sơn

Áp lực quá tải bệnh nhân mắc COVID-19 đè nặng lên vai của đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện. Ảnh: Vân Sơn

Mơ ước lớn nhất của người phụ nữ khốn khổ bây giờ là mẹ chị được bình an và các con có đủ mì, đủ cháo ăn qua ngày. “Trước khi nhập viện, em mượn được 500 nghìn đồng nhưng giờ sắp hết rồi, tài khoản cũng chẳng có nên phải nhờ những người hàng xóm đang cách ly, điều trị cùng trong bệnh viện đặt online mua đồ ăn cho các con. Em hy vọng mọi việc sẽ ổn để gia đình sớm được sum họp”- chị Giàu nói.

Nhân viên y tế cũng phải nén lại đau thương

Gia đình chị Giàu cùng những người mắc COVID-19 đang điều trị tại BV dã chiến số 3

Gia đình chị Giàu cùng những người mắc COVID-19 đang điều trị tại BV dã chiến số 3

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, số ca bệnh tăng nhanh, nhân viên y tế đang được huy động từ tất cả các bệnh viện để phục vụ cho công tác dự phòng và điều trị. Cuộc chiến chống dịch căng như dây đàn cũng đẩy nhiều y bác sĩ vào tình thế đau lòng, xót xa. Mới đây nhất, một nữ bác sĩ là N.T.T. đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện được chi viện điều trị cho Bệnh viện Dã chiến số 3. Đang làm nhiệm vụ, thì tin bà nội qua đời như “sét đánh ngang tai” khiến chị khóc nghẹn. Nhưng chị phải nén lại nỗi đau tinh thần của mình, gạt nước mắt để tiếp tục bước vào cuộc chiến giúp bệnh nhân chống chọi với dịch bệnh.

Bùi ngùi trước tình cảnh của đồng nghiệp, Bác sĩ Lê Đức Thành Nhân, Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện chia sẻ: “Chúng tôi hiểu nỗi đau của đồng nghiệp mình khi người thân mất nhưng không thể về chịu tang. Ai cũng đồng cảm, chia buồn và động viên chị cố gắng vượt qua nỗi đau. Những ngày gần đây, với sự ân cần sẻ chia từ lãnh đạo bệnh viện, tinh thần của chị đã ổn định. Nghề y của chúng tôi là vậy, cứu người nhưng đôi lúc người thân của mình ra đi thì cũng đành chịu. Mọi người đang cố gắng để vượt lên khó khăn, cống hiến hết mình cho cuộc chiến chống dịch”.

“Trước khi nhập viện, em mượn được 500 nghìn đồng nhưng giờ sắp hết rồi, tài khoản cũng chẳng có nên phải nhờ những người hàng xóm đang cách ly, điều trị cùng trong bệnh viện đặt online mua đồ ăn cho các con. Em hy vọng mọi việc sẽ ổn để gia đình sớm được sum họp”. Chị Huỳnh Thị Giàu

Số ca bệnh tăng nhanh đang gây nhiều áp lực cho việc điều trị. Hơn ai hết các y bác sĩ là những người đang phải túc trực liên tục để điều trị cho bệnh nhân nhưng chính họ cũng đang là những người chịu tổn thương. Chị Nguyễn Thị Mới (48 tuổi), Điều dưỡng trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Thống Nhất đang tham gia chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 8, kể: “Tôi lập gia đình trễ, lại bị hiếm muộn nên vợ chồng chỉ có một cháu năm nay mới 12 tuổi. Nhận nhiệm vụ đã một tuần nay nhưng tôi gần như không có thời gian dừng tay để liên lạc với con. Lâu ngày con nó nhớ nên gọi điện vào hỏi thăm nhưng tôi chỉ nói được một vài câu rồi cúp máy”. Theo chị Mới, xa gia đình, xa con rất nhớ nhưng vì công việc, vì cộng đồng nên đành phải bỏ lại tình cảm riêng tư.

Dịch COVID-19 không trừ bất kỳ ai, các y bác sĩ tham gia chống dịch cũng có thể trở thành F0 bất kỳ lúc nào. Trường hợp điển hình nhất là BS Phan Minh Tuấn, khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi Chức năng. Khi đang làm nhiệm vụ điều phối cách ly F1 tại Ký túc xá Đại học Sài Gòn, anh không may bị mắc COVID-19 phải ngừng công việc để nhập viện điều trị từ ngày 29/6 đến nay. Bác sĩ Tuấn cho biết, đã chích ngừa đủ 2 mũi vắc xin nên sau khi mắc bệnh thì gần như không có biểu hiện triệu chứng. “Những ngày trong bệnh viện, mình theo dõi thông tin thấy đồng nghiệp đang quá vất vả. Mình đang chờ kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ hai để xin trở lại sát cánh cùng các anh chị em để chia lửa phần nào áp lực mọi người đang phải cố gắng vượt qua”- anh Tuấn nói.

Vân Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ben-trong-benh-vien-da-chien-post1356749.tpo