Bên trong thế giới giàu có đang tìm mọi cách để phụ nữ sinh thêm con

Nhiều nước phát triển đang nối gót Nhật Bản trong nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh nhằm giảm thiểu tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lao động tại các quốc gia này.

Nhật Bản từng có thời điểm nổi lên như một siêu cường kinh tế vào năm 1989. Những công ty của đất nước mặt trời mọc đã vượt mặt nhiều doanh nghiệp mang tính biểu tượng của Mỹ với điển hình là tập đoàn Rockefeller.

Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng tại xứ sở Phù Tang đã diễn ra một cách âm thầm khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục. Các nhà hoạch định chính sách gọi đây là "cú sốc 1.57" - số ca sinh trung bình trên mỗi phụ nữ Nhật Bản trong độ tuổi sinh sản thời điểm đó.

Khi tỷ lệ sinh giảm, các loại thuế sẽ tăng trong khi quỹ an sinh xã hội bị bóp chặt. Trẻ em Nhật Bản sẽ thiếu tương tác xã hội với bạn bè đồng trang lứa và nguồn cung lao động cũng sẽ suy kiệt.

Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục

Kể từ những năm 1990, Nhật Bản bắt đầu triển khai các chính sách thúc đẩy người dân sinh con nhiều hơn.

Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp cải thiện chế độ thai sản, khuyến khích nam giới làm việc nhà và kêu gọi rút ngắn giờ làm việc.

Vào năm 1992, Nhật Bản bắt đầu trợ cấp tiền mặt trực tiếp 2 tháng 1 lần để hỗ trợ chăm sóc trẻ em.

Sau 3 thập kỷ ròng rã, các chính sách nói trên vẫn chưa thể phát huy tác dụng. Vào năm 2023, tỷ lệ sinh của Nhật Bản là 1,2 ca trên mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tại Tokyo, con số này thậm chí còn thấp hơn.

Cũng trong năm 2023, số ca sinh tại Nhật Bản rơi vào mức thấp nhất kể từ khi chính phủ nước này triển khai chính sách khuyến sinh vào năm 1989.

Không chỉ ở Nhật Bản, tỷ lệ sinh giảm là tình trạng chung của các nước phát triển. Theo báo cáo do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố năm 2019, một nửa dân số thế giới sống ở những quốc gia có tỷ lệ sinh giảm xuống dưới "mức khuyến cáo" là 2,1 ca sinh trên một phụ nữ.

Tomáš Sobotka, phó Giám đốc Viện Nhân khẩu học Vienna, đã sử dụng một phép tính để minh họa cho tác động của việc tỷ lệ sinh giảm.

Tại Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới là 0,72 ca sinh trên một phụ nữ, hơn một triệu trẻ em được sinh ra vào năm 1970. Con số này vào năm 2023 là 230.000 trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi cá nhân sinh ra tại Hàn Quốc vào năm 2023 sẽ phải làm việc để chu cấp cho 4 người đã nghỉ hưu (sinh vào năm 1970).

Ông Sobotka nói thêm rằng nếu không có một làn sóng nhập cư quy mô lớn vào Hàn Quốc thì "việc tổ chức và sắp xếp xã hội nước này sẽ trở nên cực kỳ khó khăn".

 Tỷ lệ sinh tại một số nước Đông Á đang ở mức thấp kỷ lục. Ảnh: Bloomberg.

Tỷ lệ sinh tại một số nước Đông Á đang ở mức thấp kỷ lục. Ảnh: Bloomberg.

Tình cảnh tương tự cũng đang xảy ra tại nhiều nước phát triển như Italy và Mỹ: người cao tuổi chiếm phần lớn cơ cấu dân số, các đô thị thưa thớt người, công việc kinh doanh chững lại.

Mở cửa cho người nhập cư là giải pháp đơn giản cho tình trạng già hóa dân số song tiềm ẩn nguy cơ về mặt chính trị tại các quốc gia có tỷ lệ sinh bị chững lại.

Trên khắp châu Âu, Đông Á và Bắc Mỹ, nhiều quốc gia đã nối gót Nhật Bản bằng cách đưa ra chế độ nghỉ phép có lương dành cho cha mẹ và trợ cấp chăm sóc trẻ em bằng tiền mặt. Theo LHQ, số quốc gia cố gắng thúc đẩy tỷ lệ sinh đã tăng từ 19 lên 55 trong giai đoạn 1986-2015.

Qua nhiều thập kỷ, chính phủ các nước đã ban hành nhiều loại chính sách khuyến sinh khác nhau song việc sinh con trong các gia đình hiện đại dường như vẫn chững lại.

"Các chính sách phải mang tính cưỡng chế cao mới có thể thay đổi mong muốn của người dân trong độ tuổi sinh con được", ông Sobotka nói.

Con cái có đồng nghĩa với trở ngại?

Trên thực tế, một số chính phủ có thể thay đổi tỷ lệ sinh nhưng theo chiều hướng giảm xuống.

Đơn cử, ở Đông Á, Trung Quốc đã ban hành chính sách một con trong suốt ba thập kỷ. Sau Thế chiến 2, Nhật Bản cũng khuyến khích rộng rãi việc sử dụng các biện pháp tránh thai và hợp pháp hóa quyền phá thai trong nỗ lực kiểm soát dân số.

Tương tự, ở Hàn Quốc, chính phủ đã hợp pháp hóa phá thai vào đầu những năm 1970 và không khuyến khích các gia đình sinh nhiều hơn hai con.

 Tỷ lệ sinh thấp kéo theo sự già hóa dân số và dẫn đến nhiều tác động lên xã hội. Ảnh: OWP.

Tỷ lệ sinh thấp kéo theo sự già hóa dân số và dẫn đến nhiều tác động lên xã hội. Ảnh: OWP.

Tại châu Âu và Mỹ, tỷ lệ sinh giảm khi một lượng lớn phụ nữ tham gia vào thị trường lao động. Bên cạnh đó, khi tôn giáo không còn tác động mạnh đến lối sống của người dân, tỷ lệ sinh cũng bị ảnh hưởng.

Sự tiến bộ của nền y tế cũng dẫn đến sự suy giảm về tỷ lệ sinh. Khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm, người ta cũng không có nhu cầu sinh nhiều con nữa.

Khi các nền kinh tế chuyển từ mô hình kinh doanh hộ gia đình trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn yêu cầu một lượng lớn nhân công là con cái trong nhà, sang các ngành công nghiệp và giải trí. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ sinh giảm, theo New York Times.

Bên cạnh đó, việc sinh nhiều con cũng đang gặp một số trở ngại. Chi phí nhà ở và giáo dục tăng cao cộng với tình hình nền kinh tế thiếu ổn định khiến người trẻ lo ngại về khả năng tài chính khi sinh nhiều con.

Nhà nghiên cứu Poh Lin Tan thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore cho rằng việc con cái không còn đảm bảo sẽ chăm sóc cha mẹ khi về già trong bối cảnh hiện tại khiến nhiều người lưỡng lự về việc sinh con.

"Việc có con giờ đây trở thành vấn đề thuần túy về ý muốn. Sinh con đồng nghĩa với sự hy sinh về thời gian, sở thích và cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp", bà Tan nói.

Vai trò của người cha

Bất chấp sự thay đổi trong lối sống và cách xã hội vận hành, những định kiến về người phụ nữ gắn liền với vai trò chăm sóc con cái và gia đình vẫn tồn tại.

"Những kỳ vọng cố hữu của xã hội đã không còn phù hợp với lối sống hiện nay", nhà kinh tế học Matthias Doepke thuộc Trường Kinh tế London nhận định. "Đây là gốc rễ vấn đề của tình trạng tỷ lệ sinh cực thấp tại những nước phát triển".

Ở Nhật Bản, một nền văn hóa đòi hỏi phái nữ phải đảm đương nội trợ, phụ nữ gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình.

Nhà xã hội học Kumiko Nemoto thuộc Đại học Senshu đã phỏng vấn 28 phụ nữ Nhật Bản làm việc tại các vị trí điều hành hoặc quản lý. Phần lớn trong số họ không có con.

 Nhà xã hội học Kumiko Nemoto thuộc Đại học Senshu. Ảnh: SSRC.

Nhà xã hội học Kumiko Nemoto thuộc Đại học Senshu. Ảnh: SSRC.

Những người đã sinh con hoặc phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bố mẹ hoặc phải chi trả tới 2.000 USD mỗi tháng cho việc chăm sóc con.

"Hầu hết đều nói rằng chồng của họ không phụ giúp gì trong việc trông nom con cái", bà Nemoto nói.

Một số người bảo thủ và các học giả tôn giáo đề xuất rằng thay vì khuyến khích những người cha làm việc nhiều hơn, các chính phủ nên khuyến khích phụ nữ nghỉ việc để nuôi con.

Tuy nhiên, ngay cả những quốc gia như Phần Lan và Hungary ban hành các chính sách phúc lợi hào phóng, chẳng hạn như để cha mẹ nghỉ làm tới hai hoặc ba năm sau khi một đứa trẻ được sinh ra, vẫn không thấy sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ sinh.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/ben-trong-the-gioi-giau-co-dang-tim-moi-cach-de-phu-nu-sinh-them-con-post1504112.html