Bệnh dịch ở Pháp có chiều hướng 'hạ nhiệt'

Sức ép đối với các bệnh viện ở Pháp tiếp tục giảm bớt khi số người nhập viện giảm ngày thứ hai liên tiếp và số bệnh nhân nặng duy trì đà đi xuống suốt hơn một tuần qua. Diễn biến mấy ngày qua cho thấy dịch bệnh ở Pháp có chiều hướng chững lại. Cũng trong ngày 16-4, Tổng thống Pháp kêu gọi các nước EU đoàn kết trong vấn đề tài chính để cùng vượt qua khủng hoảng hiện nay, hướng tới sự phục hồi kinh tế chung trong khu vực.

Người dân xếp hàng dài chờ tới lượt vào mua hàng thiết yếu tại một siêu thị ở ngoại ô Paris ngày 16-4.

Người dân xếp hàng dài chờ tới lượt vào mua hàng thiết yếu tại một siêu thị ở ngoại ô Paris ngày 16-4.

Theo Bộ Y tế Pháp, tính tới tối ngày 16-4, số người nhập viện so với ngày ngày trước ít hơn 474 trường hợp. Số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực cũng giảm từ 6.457 xuống còn 6.208, bớt đi 209 người, không nhiều bằng hôm trước nhưng duy trì đà giảm suốt 8 ngày qua. Còn số tử vong tăng từ 17.167 lên 17.920, tăng 753 trường hợp trong một ngày gồm 417 ca ở bện viện, còn lại ở các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế-xã hội.

Tổng Cục trưởng Y tế Pháp nhận định rằng các số liệu trong những ngày gần đây cho thấy bệnh dịch "có thể đã đạt đỉnh." Số bệnh nhân được điều trị trong bệnh viện giảm không nhiều nhưng duy trì đà đi xuống liên tục. Tuy nhiên, tình hình ở các khu điều trị tích cực vẫn còn rất nhiều áp lực, nên các biện pháp ngăn chặn sự lây lan phải tiếp tục được duy trì nghiêm ngặt.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì cuộc họp ngày 16-4 với Hội đồng Khoa học để thảo luận các giải pháp cho các giai đoạn dỡ bỏ lệnh phong tỏa bắt đầu từ ngày 11-5.

Chính phủ Pháp đã đề ra thời hạn khôi phục dần các hoạt động từ ngày 11-5, đồng thời tích cực chuẩn bị các phương án ngăn chặn sự lây lan. Học sinh sẽ là những đối tượng đầu tiên trở lại trường khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, tuy nhiên quyết định này gây nhiều tranh cãi trong mấy ngày qua. Nhiều người lo ngại về việc triển khai các biện pháp phòng dịch ở trường học. Nếu không có quy trình ngăn ngừa nghiêm ngặt và có đủ đồ chống dịch như khẩu trang, nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, rồi lan rộng ra cộng đồng.

Các chuyên gia Pháp hiện vẫn rất thận trọng trong việc dự báo diến biến của dịch bệnh trong những tuần tới do chưa thể tiến hành xét nghiệm sàng lọc trên quy mô toàn quốc. Giáo sư Jean-François Delfraissy, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Chính phủ, cho rằng việc khôi phục hoạt động trên các lĩnh vực cần được xem xét và triển khai rất thận trọng. Việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa có thể phải dời lại nếu không hội đủ các điều kiện cần thiết: xét nghiệm trên diện rộng và thiết lập hệ thống xác định những người đã tiếp xúc với các ca nhiễm mới.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Kinh tế (Anh) đăng ngày 16-4, Tổng thống Pháp cho rằng khu vực EU đang ở trong một giai đoạn đầy thử thách có tính quyết định đến sự tồn tại của một khu vực không chỉ có sự đoàn kết về chính trị mà cả kinh tế. Vì vậy, ông Emmanuel Macron cho rằng các quốc gia thành viên không còn sự lựa chọn nào khác mà cần thiết lập thêm một quỹ phục hồi khẩn cấp 400 tỷ euro để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Italy và Tây Ban Nha.

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, Pháp ủng hộ đề xuất này và nỗ lực vận động những nước còn chưa chấp thuận như Đức vì không thể có một thị trường chung nếu không có sự đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề tài chính để vượt khủng hoảng bệnh dịch và phục hồi kinh tế. Khu vực EU hiện đang trong giai đoạn để khẳng định EU là một dự án chính trị hay chỉ là kinh tế.

Tiếp theo một số nước EU, ngày 16-4, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ thông báo về các thời hạn nới lỏng lệnh phong tỏa gồm ba giai đoạn. Theo đó, từ ngày 27-4, một số cửa hàng bán lẻ và dịch vụ sẽ được mở cửa trở lại cùng với hoạt động khám chữa bệnh. Tiếp đó là các trường mẫu giáo và tiểu học cũng như toàn bộ chợ và cửa hàng lớn có thể hoạt động trở lại từ ngày 11-5. Giai đoạn cuối cùng từ ngày ngày 8-6 là cho trường học từ cấp hai trở lên, thư viện, bảo tàng, vườn thú và thực vật. Khi đó, lệnh cấm tụ tập quá 5 người cũng được dỡ bỏ. Tuy nhiên quyết định cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 27-5 nếu số người nhiễm mới được xác nhận không cao.

Về biện pháp phát hiện nguy cơ lây nhiễm sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, ngày 16-4, Na Uy đưa ra một ứng dụng theo dõi qua điện thoại di động để giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Ứng dụng Smittestopp (ngăn lây nhiễm) do nước này phát triển sẽ cung cấp thông tin cho các cơ quan y tế về sự lây lan của dịch, đồng thời thông báo cho mỗi người dùng biết họ đã tiếp xúc với người mắc Covid-19.

Đại dịch Covid-19 có chiều hướng chững lại tại châu Âu. Nhiều nước trong khu vực đã đề ra các giai đoạn nới dần phong tỏa. Ngày, 15-4, Ủy ban châu Âu cũng công bố "lộ trình gỡ bỏ phong tỏa," để có sự phối hợp hành động giảm thiểu các hệ quả tiêu cực của quá trình này đối với các nước thành viên.

Bà Stella Kyriakides, Ủy viên châu Âu phụ trách Y tế và An toàn Thực phẩm, cho rằng quá trình trở lại bình thường sau giai đoạn phong tỏa đòi hỏi một tiếp cận chung của châu Âu, với sự phối hợp cẩn trọng giữa các quốc gia thành viên, được thiết lập trên các cơ sở khoa học và được tiến hành với tinh thần đoàn kết. Chiến lược phối hợp ra khỏi khủng hoảng được xây dựng nhằm đưa khu vực tiến từng bước chắn chắn ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, nối lại các hoạt động y tế. Bà Stella Kyriakides nói: Con đường phía trước còn dài, phải thích ứng với cuộc sống có virus vì chưa có các biện pháp trị liệu và một vaccine hiệu quả.

KHẢI HOÀN

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44114702-benh-dich-o-phap-co-chieu-huong-ha-nhiet.html