Bệnh kiết lỵ ở trẻ có nguy hiểm?

Kiết lỵ là một dạng bệnh lý nhiễm trùng đường ruột bởi một số loài vi khuẩn hay ký sinh trùng gây ra. Khi mắc bệnh trẻ thường bị đau bụng âm ỉ, tiêu chảy và sốt… điều này khiến các bậc cha mẹ lo lắng.

Kiết lỵ là bệnh lý thường gặp ở trẻ, đặc biệt ở những nơi kém phát triển và điều kiện vệ sinh kém. Vì vậy, việc phát hiện sớm để được điều trị kịp thời và đúng cách là vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân gây bệnh kiết lỵ ở trẻ

Nguyên nhân chính khiến trẻ bị kiết lỵ trong đó thường thấy là bệnh kiết lỵ do trực khuẩn hoặc bệnh lỵ Shigellosis - Bệnh thường lây lan do thức ăn bị nhiễm khuẩn và môi trường vệ sinh kém, khiến vi khuẩn dễ lây lan.

Bệnh kiết lỵ do amip: Bệnh này thường xảy ra những nơi có điều kiện vệ sinh kém, amip có thể gây ô nhiễm thức ăn, nước uống và lây nhiễm sang người khác do chúng có thể tồn tại trong thời gian dài bên ngoài cơ thể.

Đây là bệnh lý tương đối phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên so với người trưởng thành thì bệnh xảy ra nhiều ở trẻ em hơn, đặc biệt là ở độ tuổi từ 2 - 4 tuổi.

Nhiều người thường hỏi tại sao trẻ em mắc kiết lỵ nhiều hơn, lý do thực sự rất đơn giản, bệnh kiết lỵ lây truyền qua phân, vì vậy trong trường hợp có một người thân trong gia đình bị bệnh này, khi đi vệ sinh không rửa tay và chạm vào đồ ăn của người khác sẽ khiến vi khuẩn lây lan. Trong khi hệ miễn dịch cơ thể nói chung và đường ruột của trẻ chưa thực sự hoàn thiện, nên nguy cơ rối loạn, tổn thương do vi khuẩn cũng cao hơn. Vì thế, trẻ em dễ bị kiết lỵ và bị nhiều hơn so với người lớn.

Ngoài ra phân của chó, mèo hoặc thú cưng nuôi trong gia đình cũng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh. Khi trẻ chơi đùa, tiếp xúc với các con vật như sờ vào lông, bò ra nền nhà rồi vô tình cầm thức ăn đưa tay lên miệng cũng khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Kiết lỵ là một dạng bệnh lý nhiễm trùng đường ruột bởi một số loài vi khuẩn hay ký sinh trùng gây ra. Ảnh minh họa.

Kiết lỵ là một dạng bệnh lý nhiễm trùng đường ruột bởi một số loài vi khuẩn hay ký sinh trùng gây ra. Ảnh minh họa.

Biểu hiện khi trẻ bị bệnh kiết lỵ

Các triệu chứng của bệnh kiết lỵ có thể từ nhẹ đến nặng, phần lớn phụ thuộc vào chất lượng vệ sinh ở những nơi nhiễm trùng đã lây lan và phụ thuộc vào nguyên nhân gây kiết lỵ. Nhưng hầu hết trẻ sẽ đều cảm thấy đau quặn bụng và tiêu chảy, mót rặn nhiều lần trong ngày.

Rối loạn đại tiện: Người bệnh thường đi đại tiện rất nhiều lần, mỗi lần ra rất ít phân, thậm chí không có phân, rất khó đại tiện, đau rát hậu môn kèm theo cảm giác đòi hỏi đại tiện một cách bức thiết.

Phân thường rất ít, dạng lỏng lẫn với chất nhầy niêm dịch, xuất hiện máu tươi, máu lẫn niêm dịch, bọt và hơi; đôi khi chỉ có máu và niêm dịch không có.

Mỗi lần đi đại tiện người bệnh thường thấy đau quặn từng cơn dọc theo khung đại tràng, đặc biệt là vùng đại tràng, Sigma và trực tràng, kèm theo cảm giác đau có phản xạ mót rặn, đau buốt. Sau khi đại tiện thì đau và mót rặn, trong một ngày có rất nhiều cơn, dẫn đến đại tiện nhiều lần.

Ngoài ra, trẻ còn có các biểu hiện khác như: Sốt nhẹ, nhưng chủ yếu là đau quặn bụng, mót rặn. Sốt cao nếu là do Shigella. Tùy theo từng nguyên nhân, người bệnh có thể có những dấu hiệu như nôn, sôi bụng, bán tắc ruột…

Biến chứng của bệnh kiết lỵ tuy ít nhưng lại rất nguy hiểm, Một số biến chứng khi trẻ mắc bệnh là tình trạng mất nước, do thường xuyên bị tiêu chảy và nôn mửa. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mất nước kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu amip lây lan đến gan có thể gây áp xe gan. Đối với bệnh lỵ do Shigella có thể ngăn chặn hồng cầu đến thận, dẫn đến thiếu máu ở thận, số lượng tiểu cầu thấp và gây ra suy thận.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh kiết lỵ, cha mẹ nên cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước

Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh kiết lỵ, cha mẹ nên cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc kiết lỵ?

Khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ mắc kiết lỵ, cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, Tuyệt đối không tự điều trị cho trẻ. Cha mẹ cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của các bác sĩ.

Cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn giúp trẻ nhanh hồi phục. Cho trẻ ăn món ăn không chứa dầu mỡ tốt cho tiêu hóa như rau củ quả luộc và các món nhạt. Bổ sung Oresol để cung cấp nước cho cơ thể, tránh tình trạng mất nước. Ăn nhiều các loại hoa quả tươi hoặc có thể ép thành nước uống, để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Cần cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, không ăn thức ăn rắn hoặc quá cứng để cơ thể dễ dàng hấp thụ và không gây áp lực lên dạ dày của trẻ.

Bệnh kiết lỵ phần lớn bắt nguồn từ việc vệ sinh kém, vì vậy, để giảm nguy cơ lây nhiễm, cha mẹ nên cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là trước và sau khi đi vệ sinh. Việc làm này có thể làm giảm tần suất nhiễm khuẩn Shigella và các loại tiêu chảy khác tới 35%. Ngoài ra, hãy đảm bảo tuân theo nguyên tắc ăn chín, uống sôi để phòng ngừa cho trẻ.

Mời độc giả xem thêm video:

BS Trần Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-kiet-ly-o-tre-co-nguy-hiem-169230202094153976.htm