Bệnh sa sút trí tuệ tấn công người cao tuổi

Sa sút trí tuệ (SSTT) hay còn gọi bệnh mất trí nhớ đang là vấn đề sức khỏe tâm thần của người cao tuổi (NCT) hiện nay. Cả nước hiện có khoảng trên 500.000 bệnh nhân mắc phải căn bệnh này và số lượng người bệnh tăng lên mỗi năm cùng với quá trình già hóa dân số của nước ta. Việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách ngay từ đầu sẽ có ý nghĩa quan trọng trong chăm sóc sức khỏe tâm thần của NCT.CĂN BỆNH NGUY HIỂM

SSTT là một hội chứng suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày. Bệnh này không chỉ tác động xấu đến thể chất, tâm lý xã hội và kinh tế của người bị SSTT mà còn cả với những người chăm sóc họ. SSTT là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng khuyết tật và phụ thuộc ở NCT trên toàn thế giới.

NCT cần quản lý tốt các bệnh lý nền để giảm thiểu nguy cơ mắc chứng SSTT.

NCT cần quản lý tốt các bệnh lý nền để giảm thiểu nguy cơ mắc chứng SSTT.

Căn bệnh này cũng gây ra rất nhiều phiền toái cho không chỉ bản thân người bệnh mà còn cho cả gia đình của họ. Việc nhận thức và hiểu biết không đầy đủ về chứng SSTT trong xã hội có thể gây ra sự kỳ thị và tạo các rào cản, làm giảm cơ hội được chẩn đoán, điều trị và chăm sóc cho người mắc bệnh SSTT.

Thông tin từ Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), vào thời điểm năm 2019, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số Việt Nam và dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Tại Tiền Giang, tuổi thọ trung bình của người dân là trên 76 tuổi, tỷ lệ NCT trong cộng đồng tăng qua từng năm với khoảng hơn 11% dân số.

Theo Tiến sĩ Bác sĩ (TS.BS) Trần Công Thắng, Phó Trưởng Khoa Y, Trưởng bộ môn Thần kinh, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer và Rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam, SSTT là vấn đề sức khỏe của NCT.

Trên thế giới, bệnh mất trí nhớ chiếm khoảng 6% người trên 60 tuổi, số lượng người bị mất trí nhớ trên toàn thế giới hiện nay khoảng 60 triệu người. Riêng ở Việt Nam, từ năm 2010 đã có 2 nghiên cứu trong cộng đồng thực hiện tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam.

Tỷ lệ người bị bệnh mất trí nhớ trên NCT có tỷ lệ dao động từ 5% đến 6%, ước tính số người bị SSTT khoảng 500.000 - 600.000 người. Bởi vì NCT càng lúc càng tăng, chính vì vậy SSTT là nhóm bệnh có tỷ lệ càng lúc càng tăng, số lượng người mắc càng lúc càng nhiều. Tuy nhiên, bệnh lý này chưa được quan tâm và chẩn đoán, điều trị sớm.

Hiện nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam ở mức trên 75 tuổi, chắc chắn đây là nhóm bệnh mà trong tương lai không chỉ bác sĩ thần kinh mà cả bác sĩ đa khoa tổng quát, bác sĩ các chuyên ngành đều gặp trường hợp bệnh nhân than phiền là bị quên. Quên là một biểu hiện đầu tiên của nhóm bệnh lý SSTT.

PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Theo TS.BS Trần Công Thắng, cách quan trọng của việc phòng bệnh là phải có kiến thức về bệnh lý này. Bởi vì chúng ta không thể phòng bệnh được nếu không biết nó là cái gì. Chia sẻ kiến thức nhận biết bệnh SSTT, TS.BS Trần Công Thắng cho biết: “Biểu hiện bệnh thường người ta sẽ bị quên. Quên thể hiện ở nhiều mức độ, mức độ 1 thể hiện là sự giảm tập trung chú ý.

Người bệnh quên việc mình chuẩn bị làm hoặc đang làm việc gì đó mà bị một việc khác cắt ngang làm cho họ không nhớ việc mình đang làm. Biểu hiện thứ hai là quên những tình tiết mình đã tham dự, ví dụ người bệnh quên đi việc cùng người thân tham gia bữa tiệc.

Biểu hiện quên đi những công việc mà mình đã lên kế hoạch, gọi là giảm chức năng điều hành. Có trường hợp người bệnh quên về mặt ngôn ngữ, chẳng hạn như muốn dùng một từ gì đó mà đột ngột không nhớ ra được, hoặc quên tên người thân, quen.

Quên về nhận thức trong không gian và thời gian dễ đi lạc. Và một tình trạng nguy hiểm chính là quên cách hành xử cho đúng quy chuẩn xã hội, tức là giảm về nhận thức xã hội. Đó là 6 nhóm triệu chứng quên của nhóm bệnh lý SSTT. Một người khoảng 40 - 50 tuổi hầu như đều mắc phải 1 trong 6 nhóm triệu chứng của bệnh này”.

Về phòng ngừa và điều trị, theo TS.BS Trần Công Thắng, đầu tiên mọi người phải nhận biết bản thân có khả năng bị bệnh khi phát hiện có một trong số những triệu chứng như vậy thì phải đi khám ở bác sĩ để được tư vấn, làm test chẩn đoán để phát hiện sớm bệnh.

Trong não con người trung bình có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh và các tế bào này chết dần đi, do đó khi phát hiện bệnh sớm, tế bào thần kinh trong não chưa bị chết nhiều thì khả năng điều trị bệnh hiệu quả.

Vấn đề thứ hai là phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Yếu tố nguy cơ gây bệnh hàng đầu hiện nay là các bệnh lý như: Đái tháo đường, cao huyết áp, béo phì, nghiện hút thuốc lá, nghiện rượu bia… Yếu tố nguy cơ thứ hai là yếu tố chấn thương vùng đầu. Yếu tố nguy cơ thứ ba là yếu tố liên quan đến stress, trầm cảm. Chúng ta cần phải biết sắp xếp cuộc sống để không bị quá tải, không bị stress.

Stress dẫn đến mất ngủ, cũng sẽ thúc đẩy bệnh SSTT xảy ra. Và một yếu tố nguy cơ hay gặp nữa đó là yếu tố gia đình. Trong gia đình có người bệnh thì nguy cơ mắc bệnh của con cái tăng lên 10% so với bình thường. Những yếu tố nguy cơ làm cho quá trình sinh bệnh bị thúc đẩy và quá trình tích lũy những sản phẩm thoái hóa trong não sẽ tăng lên, khiến bệnh xuất hiện sớm.

Bên cạnh yếu tố nguy cơ gây bệnh, chúng ta cần phải biết yếu tố nào giúp cho não chúng ta tốt lên để vừa ngăn chặn yếu tố nguy cơ vừa bổ sung các yếu tố có lợi cho não. Yếu tố giúp não tốt lên đó chính là học vấn. Nếu cố gắng học thì não sẽ được máu tưới tốt hơn, dẫn đến tế bào thần kinh được nuôi dưỡng tốt hơn; các tế bào thần kinh kết nối nhiều hơn, từ đó vấn đề nhận thức sẽ giữ ổn định, không bị SSTT.

Nói chung, bệnh SSTT không thể chữa khỏi, do vậy việc phòng ngừa có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ người dân khỏi chứng bệnh nguy hiểm này. TS.BS Trần Công Thắng khuyến cáo người dân nên chú ý tới các yếu tố phòng bệnh SSTT, đó là rèn luyện trí não, các hoạt động kích thích tinh thần như: Đọc sách, giải câu đố, chơi trò chơi chữ có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng SSTT và làm giảm tác động của bệnh.

Hoạt động thể chất và xã hội có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng SSTT và giảm các triệu chứng của bệnh. Theo đó, mỗi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần; đồng thời, hạn chế ngồi lâu. Hút thuốc, uống rượu, bia có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ và các bệnh về tim mạch, do đó phải nói không với các chất này để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh SSTT và cải thiện sức khỏe; bổ sung đủ vitamin, vì lượng vitamin D trong máu thấp tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các dạng SSTT khác. Do đó, người dân nên bổ sung vitamin D thông qua viên uống bổ sung theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc qua thực phẩm giàu chất này như: Trứng, sữa, hải sản…

Ngoài ra, vitamin B và C cũng hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh này. Huyết áp cao, tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ não, là nguyên nhân của SSTT mạch máu nên cần được quản lý tốt, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đó là chế độ ăn giàu trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và axit béo omega-3 để tăng cường sức khỏe và làm giảm nguy cơ mắc chứng SSTT. Một điều quan trọng nữa là ngủ đủ và ngủ ngon giấc 8 tiếng mỗi đêm giúp thần kinh và trí não khỏe mạnh cũng như tránh nguy cơ mắc bệnh SSTT.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202410/benh-sa-sut-tri-tue-tan-cong-nguoi-cao-tuoi-1024328/