Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ: Cần làm rõ trách nhiệm việc tiếp nhận máy lọc thận đã qua sử dụng

Ông Cao Minh Chu, Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ vừa có công văn khẩn yêu cầu Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ ngưng ngay việc tiếp nhận máy lọc thận nhân tạo đã qua sử dụng do Công ty cổ phần máy lọc thận Việt Nam tài trợ.

Công văn khẩn của Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ yêu cầu ngưng ngay việc tiếp nhận máy chạy thận nhân tạo đã qua sử dụng

Công văn khẩn của Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ yêu cầu ngưng ngay việc tiếp nhận máy chạy thận nhân tạo đã qua sử dụng

Ngày 05/12/2019, bác sĩ (BS) Võ Hồng Sở, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP.Cần Thơ ký biên bản xác nhận tài trợ cho y tế với Công ty cổ phần máy lọc thận Việt Nam. Theo đó, Công ty cổ phần máy lọc thận Việt Nam tài trợ cho bệnh viện 05 máy lọc thận nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Điều đáng nói tất cả 5 máy này đều là máy đã qua sử dụng. Theo giấy chứng nhận chất lượng và số lượng thì có 3 máy được sản xuất vào tháng 11/2011 và 2 máy được sản xuất vào tháng 7/2012. Tờ khai nhập khẩu cho thấy các máy này được nhập vào Việt Nam vào năm 2012.

Theo quy định của Bộ Y tế và quy chế của Bệnh viện thì trách nhiệm làm tham mưu về thiết bị vật tư y tế cho Ban giám đốc bệnh viện là của phòng Vật tư –Thiết bị y tế (VT-TBYT) bệnh viện nhưng trong trường trường hợp này vai trò của phòng VT-TBYT đã bị triệt tiêu mà thay vào đó là sự tham mưu của bà Nguyễn Việt Thúy, Trưởng phòng Tài chính-Kế toán (TC-KT) của bệnh viện. Lãnh đạo phòng VT-TBYT hoàn toàn không biết gì về việc nhận tài trợ 5 máy lọc thận nhân tạo này cho đến khi được mời tham gia cuộc họp Hội đồng khoa học-Công nghệ (HĐKHCN).

Ngày 11/3/2020, HĐKHCN bệnh viện họp để thông qua việc nhận 5 máy chạy thận nhân tạo được tài trợ. Tại cuộc họp, nhiều thành viên trong HĐKHCN của bệnh viện băn khoăn vì trước đây có thông tin là được tài trợ máy mới hoàn toàn nhưng nay lại nhận máy đã qua sử dụng. Có ý kiến không đồng ý nhận máy bởi thiết bị đã qua sử dụng, khấu hao tài sản đã hết, chưa qua kiểm định an toàn kỹ thuật vì thế sẽ không đảm bảo an toàn phục vụ bệnh nhân lọc thận nhân tạo… Tuy nhiên, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng KHCN của bệnh viện, chủ tọa cuộc họp, BS Võ Hồng Sở kết luận: “Thống nhất nhận 5 máy về bệnh viện, giao cho phòng VT-TBYT thẩm định kỹ thuật (nếu cần thì thuê thẩm định)… Trong trường hợp không đủ an toàn thì tháo linh kiện ra sử dụng thay thế cho máy khác bị hư hỏng”.

Như phần trên đã đề cập, cả 5 máy lọc thận này đã qua sử dụng nhưng được sử dụng ở bệnh viện nào thì chưa rõ, khấu hao tài sản gần hết (8-9 năm). Theo Thông tư 45/2018/TT-BTC ngày 7/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức đơn vị do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý thì đối với trang thiết bị y tế sử dụng tối đa là 10 năm (khấu hao mỗi năm là 10%).

Điều đáng nói hơn, việc kiểm định An toàn kỹ thuật từ cơ quan chuyên môn đối với 5 máy chạy thận nhân tạo này chưa được thực hiện; Công ty cổ phần máy lọc thận Việt Nam chưa có văn bản thông báo cho phòng VT-TBYT của bệnh viện về việc bàn giao nhận thiết bị (thủ tục bắt buộc) nhưng Ban giám đốc bệnh viện đã cho phép công ty này mang 4 máy đến lắp đặt hoàn chỉnh ở khoa Nội thận-Tiết niệu-Lọc máu và một máy ở khoa khác của bệnh viện.

Cần nhấn mạnh rằng, để quản lý trang thiết bị y tế Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày15/5/2016, Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 36/2016/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định số 03/2020/NĐ-CP ngày 01/01/2020 sửa đổi bổ sung Nghị định số 36/2016/NĐ-CP nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trang thiết bị y tế, đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân. Bởi mỗi thiết bị y tế đều có một vòng đời nhất định từ khi người sử dụng phát sinh nhu cầu, vận hành thực tế và loại bỏ. Để khai thác được tối đa hiệu suất cũng như kéo dài vòng đời thiết bị, người sử dụng cần có quá trình quản lý và kiểm soát liên tục các rủi ro trong các công đoạn quá trình sử dụng.

Các máy lọc thận đã qua sử dụng được lắp hoàn chỉnh tại BVĐK TP.Cần Thơ

Các máy lọc thận đã qua sử dụng được lắp hoàn chỉnh tại BVĐK TP.Cần Thơ

Thế nhưng bất chấp các quy định hiện hành, quy chế của BVĐK TP.Cần Thơ, lãnh đạo BVĐK TP.Cần Thơ đã “dễ dãi” nhận các máy đã gần hết niên hạn sử dụng về bệnh viện với ý tưởng là nếu không đủ điều kiện đưa vào sử dụng cho bệnh nhân thì lấy phụ tùng sửa chữa cho các máy khác (?!) Đây là việc làm tùy tiện thể hiện sự xem thường các quy định khắc khe của ngành y tế và tính mạng của bệnh nhân.

Trước việc làm không đúng các qui định của Nhà nước về tiếp nhận quản lý trang thiết bị y tế của bệnh viện, lãnh đạo phòng VT-TBYT đã có báo cáo gửi đến Ban giám đốc bệnh viện và Sở Y tế TP. Cần Thơ phản ánh vụ việc này.

Tại công văn khẩn số 1255/SYT ngày 9/4/2020, Giám đốc sở Y tế TP. Cần Thơ Cao Minh Chu ký, trong đó nêu rõ: “Lĩnh vực lọc thận có liên quan trực tiếp tính mạng con người, luôn tìm ẩn khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Hơn nữa, trong thời gian qua đã có sự cố liên quan lọc thận nhân tạo xảy ra ở các địa phương. Vì vậy, việc tiếp nhận máy chạy thận nhân tạo đã qua sử dụng là chưa phù hợp. Sở Y tế yêu cầu Giám đốc Bệnh viên Đa khoa TP.Cần Thơ ngưng ngay việc tiếp nhận máy chạy thận nhân tạo đã qua sử dụng”.

Hiện tại, khi ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển y tế còn khó khăn, các bệnh viện thường huy động các nguồn tài trợ. Tuy nhiên, việc BVĐK TP.Cần Thơ nhận 05 máy lọc thận nhân tạo như trên là việc làm thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng người bệnh cần phải được được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trách nhiệm để tránh tình trạng bất chấp các quy định, gây hoang mang dư luận như những gì đã xảy ra trước đây tại bệnh viện này.

Cửu Long

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/benh-vien-da-khoa-tp-can-tho-can-lam-ro-trach-nhiem-viec-tiep-nhan-may-loc-than-da-qua-su-dung-42010.html