Bí ẩn đá chia ruộng của người Mông

Những bãi đá cổ có hình khắc chưa giải mã được nằm rải rác trên đất nước ta lưu truyền thông điệp bí ẩn về cuộc sống cổ xưa. Trong số đó, phiến đá khắc vạch để đánh dấu chia ruộng đất hiện ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ít được nhắc đến nhưng hé lộ bí mật về cách quản lý hành chính cấp làng, bản của người Mông xưa kia sinh cư lập nghiệp tại khu vực biên giới xa xôi này.

Ruộng bậc thang của người Mông ở Sin Suối Hồ. Ảnh: TTH

Ruộng bậc thang của người Mông ở Sin Suối Hồ. Ảnh: TTH

Một điều thú vị nữa là người Mông ở bản Sin Suối Hồ coi phiến đá cổ là tài sản chung của bản và gọi bằng cái tên mang tính ước lệ, “làm mới” nó cho dễ hiểu là “Đá Sổ đỏ”. Nhiều người dân trong bản không hề biết có sự tồn tại của phiến đá cổ này và cũng không rõ “Đá Sổ đỏ” lại có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử.

Khi chúng tôi hỏi thăm đường tới phiến đá cổ, nhiều người trong bản Sin Suối Hồ mới về định cư ngạc nhiên vì chưa hề nghe đến cái tên Đá Sổ đỏ. Tiếp tục len lỏi vào các con đường nhỏ, dẫn vào ngóc ngách tận cuối bản, phiến đá cổ nằm ở giữa một cụm dân cư đông đúc gồm nhiều nhà trình tường của người Mông. Trên sườn đồi thoai thoải, đống đá tròn mòn vẹt với nhiều phiến lớn chồng lên nhau, mỗi phiến đều có các vạch khắc sâu, rõ nét, uốn lượn mang dấu ấn chế tác của bàn tay con người. Trông toàn diện, đống đá vằn vện rất nhiều hình khắc, như một bản đồ đá thu nhỏ mô phỏng lớp lớp ruộng bậc thang, trùng điệp và gối lên nhau như phong cảnh thật hay gặp ở miền Tây Bắc.

Các hình khắc kiểu vân tay trên Đá Sổ đỏ có nhiều dấu hiệu mòn theo năm tháng, do mưa nắng và thời gian, do chân người dẫm lên leo trèo. Dù vậy, chất liệu đá giữ lại rất tốt ý đồ của những người khắc lên đó. Nó còn rất rõ, sâu và liền mạch. Đôi chỗ, giữa các phiến đá có chữ viết kiểu hình khối và các vết khắc khác nhau biểu thị một thông điệp nào đó chưa giải mã được.

Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho chúng tôi biết, hiện nay, phiến đá cổ có các vạch khắc được khai thác thành một điểm tham quan cho du khách mỗi khi đến đây du lịch. Bản Sin Suối Hồ cắm một vài chiếc bảng chỉ dẫn và cổng đề dẫn có dòng chữ: Đá Sổ đỏ - di sản cổ đại của người Mông. Anh Chỉnh cho biết, cũng rất ít khi có khách du lịch tìm hiểu kỹ càng về phiến đá và cũng không có văn tự hoặc tài liệu gì tính niên đại của di sản này.

“Đây thực chất là bãi đá dùng để đánh dấu quyền sử dụng đất của người Mông xưa kia trên đất Sin Suối Hồ. Mỗi một vạch khắc được quy ra tương đương với một khoảnh ruộng bậc thang đã khai khẩn được”. Dân tộc Mông rất coi trọng việc định cư ở nơi nào có thể khai hoang được ruộng lúa. Đặc biệt, họ là dân tộc có truyền thống thông thạo kỹ thuật làm ruộng lúa nước bậc thang. “Người Mông ăn theo mây”, câu ngạn ngữ này mô tả chính xác cách lập làng, khai phá đất canh tác của dân tộc Mông. Chỉ cần ở miền đất cao, có nguồn nước chảy từ trên cao xuống, đất đai màu mỡ là có thể lập bản. Việc dẫn nước vào từng thang ruộng rất dễ dàng do kỹ thuật cân bằng khi san ruộng và gối đầu ruộng lên hệ thống nước chảy từ núi xuống.

Sin Suối Hồ là một nơi có địa hình như thế. Trải qua nhiều đời, những khoảnh ruộng bậc thang ngày nay có ở khắp nơi trong bản, quy hoạch theo hình vành nón ôm trọn lấy cụm dân cư. Ngay cả hình khắc trên đá cũng mô phỏng theo dạng các vùng ruộng bậc thang được khai phá theo kỹ thuật uốn lượn phù hợp với các thung lũng, sườn đồi và cách bố trí nguồn nước chảy xuống.

Không chỉ có ý nghĩa là một di sản của thế hệ trước để lại, Đá Sổ đỏ cho thấy cách quản lý đất đai theo thiết chế làng bản của người Mông ở Tây Bắc xưa kia. Hình thức khắc lên đá để ghi dấu quyền sử dụng đất đai khai phá được chứng minh họ rất trọng công lao động, sự sáng tạo và sở hữu ruộng đất. Họ coi ruộng nương là tài sản bảo đảm cho cuộc sống định cư, từ bỏ du canh.

Thực tế chứng minh, bản Sin Suối Hồ bao gồm hơn 100 hộ gia đình người Mông quần tụ và sinh sống nhiều đời tại đây. Đây cũng là một trong những bản Mông hiện sung túc với cơ chế tự cung, tự cấp truyền thống. Họ tự canh tác lúa nước đủ ăn quanh năm và có động lực, tiềm năng cũng như bề dày truyền thống để sáng tạo nhiều cách làm giàu có hiệu quả, trong đó có mô hình du lịch cộng đồng.

Đá Sổ đỏ tại bản Sin Suối Hồ. Ảnh TTH

Đá Sổ đỏ tại bản Sin Suối Hồ. Ảnh TTH

Như vậy, từ Đá Sổ đỏ ở Sin Suối Hồ, có thể thấy các bãi đá cổ khác đã từng làm đau đầu các nhà khoa học như: Bãi đá cổ Sa Pa (Lào Cai), Bãi đá cổ Nấm Dẩn (Hà Giang)... vì chưa giải mã thấu đáo, đều nằm giữa các thung lũng, các khu vực có nhiều ruộng bậc thang. Việc khắc đá để đánh dấu quyền sử dụng đất ở Sin Suối Hồ là một gợi ý để tìm hiểu sâu hơn về các bãi đá cổ sau khi đã có nhiều giả thuyết về sự ra đời và tồn tại của các hình khắc đá. Trong lĩnh vực khảo cứu lịch sử, các bia ký bằng đá hiện nay được xem là văn tự cổ đại, niên đại xa nhất để nghiên cứu về các vùng địa lý.

Đá Sổ đỏ có thể cũng là một dạng bia ký tự nhiên tồn tại cùng với thời gian, trở thành di sản quý giá của người Mông, đồng thời đưa cộng đồng này trở thành vùng dân cư giàu có về di sản văn hóa. Hơn nữa, những phiến đá và hình khắc bí ẩn còn là chỗ dựa tinh thần cả bản, khẳng định mảnh đất lập bản tồn tại nhiều đời và ý nghĩa vững chắc của chủ quyền về đất đai, an ninh, quản lý hành chính cấp bản, vùng dân cư ở trong khu vực biên giới.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bi-an-da-chia-ruong-cua-nguoi-mong-post433666.html