Bí ẩn khối đá 10.000 năm có vết cắt thẳng đứng
Khối đá nặng hàng trăm tấn, có vết cắt nhẵn đến mức khó tin. Chính bí ẩn này khiến khối đá trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của giới khoa học.
Khối đá khổng lồ này có tên Al Naslaa, ở ốc đảo sa mạc Tayma, thuộc Ả-rập Xê-út, được phát hiện lần đầu vào năm 1883. Khối đá nặng hàng trăm tấn, có vết cắt nhẵn đến mức khó tin giống như được cắt bằng laser hay máy móc hiện đại mặc dù có cách đây hàng chục nghìn năm.
Các nhà khảo cổ tin rằng từ xa xưa, ốc đảo này từng có con người sinh sống. Nhưng Al Naslaa liệu có do con người cắt hay không thì vẫn chưa có câu trả lời. Al Naslaa đứng cân bằng trên một phiến đá mỏng, chia làm 2 phần, mỗi phần cao khoảng 7m, mặt sau không phẳng như phía trước. Trên bề mặt khối đá còn khắc họa các hình vẽ và ký tự rất lạ, bí ẩn.
Hiện chưa ai hiểu rõ ý nghĩa của những hình vẽ và ký tự này, vì vậy có rất nhiều giả thiết được đưa ra. Theo các nhà khảo cổ, những ghi chép cổ nhất về ốc đảo Tayma có từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, nơi từng có con người sinh sống nên Tayma có thể là một phần của tuyến đường bộ quan trọng nối Biển Đỏ của bán đảo Arab với thung lũng sông Nile. Các nhà địa chất suy đoán, đường cắt tạo ra sau chấn động mạnh từ mặt đất làm khối đá bị tách rời. Lý giải khác cho rằng vết nứt hình thành do áp lực từ môi trường tác động lên khớp của đá.
Có hai giải thiết chính tạo lên khối đá, một là do tự nhiên (khí hậu), hai là do con người. Về khí hậu, nhiều người cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên, rung động trong lòng đất làm nứt đôi khối đá, giúp nó đứng vững qua hàng nghìn năm mà không bị xê dịch. Theo giải thiết này, vật liệu đá gần như sắp đứt gãy, khi cát thổi vào các vết nứt đá, vật liệu bị xói mòn nhanh nên dẫn đến tách đôi.
Giả thiết thứ 2, đây là tác phẩm của người ngoài hành tinh hoặc một nền văn minh đã biến mất với trình độ kỹ thuật điêu luyện, bởi độ chính xác hoàn hảo đến từng milimet, kèm theo các hình vẽ và ký tự bí ẩn, là minh chứng đáng tin có bàn tay con người. Dù chưa có câu trả lời thỏa đáng, song khối đá này vẫn thu hút hàng nghìn du khách đến với Tayma hàng năm.