Bí ẩn mộ cổ 8.000 tuổi của 'người tí hon' không tay
Ngôi mộ cổ với hài cốt được trang trí bằng đất son khai quật ở Indonesia khiến giới khảo cổ bối rối bởi trạng thái chôn cất kỳ dị và những nghịch lý trong kết quả phân tích.
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia Úc khẳng định trong ngôi mộ cổ vừa tìm thấy ở đảo Alor (Indonesia) là hài cốt của một đứa trẻ. Kết quả phân tích răng cho thấy đứa trẻ đã ít nhất 6-8 tuổi, trong khi khung xương cho thấy hài cốt mới 4-5 tuổi.
Ở trẻ em, sự khác biệt về kích thước giữa 2 độ tuổi này khá rõ ràng. Vì thế các nhà khoa học nghi ngờ rằng đứa bé này thuộc về một tộc người lùn bí ẩn nào đó từng sinh sống ở đây. Điều này không quá vô lý, vì các hòn đảo Indonesia từng in dấu chân những tộc người bé nhỏ hơn thông thường, bao gồm cả "người Hobbit", tức loài người tuyệt chủng Homo floresiensis.
"Chúng tôi sẽ thực hiện thêm một số nghiên cứu về sức khỏe cổ sinh để tìm hiểu xem bộ xương nhỏ hơn này có liên quan đến chế độ ăn uống, môi trường hay có thể do bộ lạc của đứa trẻ này là một nhóm bị cô lập di truyền trên đảo" – tiến sĩ Samper Carro cho biết.
Đứa trẻ cũng được chôn cất theo một nghi thức vô cùng kỳ lạ với đất son bôi lên trán và má, cùng một viên đá cuội màu đất son đặt bên dưới đầu. Tay và chân của hài cốt cũng bị loại bỏ trước khi chôn cất, có lẽ là đem đi an táng ở một nơi khác.
Phong tục loại bỏ xương dài từng xuất hiện trong các ngôi mộ cổ ở các đảo lân cận như Java, Borneo và Flores vào thời điểm 8.000 năm về trước, nhưng đây là đứa trẻ đầu tiên được khai quật trong một ngôi mộ và có dấu vết của nghi lễ an táng.
Theo bài công bố trên tạp chí Quaternary International, sau phát hiện ban đầu này các tác giả sẽ tiếp tục phân tích, đối chiếu hài cốt này với các bằng chứng khảo cổ khác để truy tìm bộ tộc tí hon của đứa trẻ, từ đó có thể hiểu thêm về cách ăn uống, sinh hoạt cũng như các lễ nghi an táng đầy huyền bí của họ. Đây là một phát hiện vô cùng quan trọng bởi hầu mộ cổ của trẻ em vắng bóng ở nơi đây cho đến thời điểm 3.000 năm về trước.