Trong lịch sử Trung Hoa, vua Càn Long là một trong những nhân vật nổi bật được hậu thế vẫn còn nhắc đến. Trong suốt những năm trị vì của Càn Long, nhà Thanh bước vào thời kỳ hoàng kim chưa từng có. Sau khi Càn Long qua đời, ông được chôn cất tại Thanh Dụ Lăng.
Tuy nhiên, cái chết của vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử đã thu hút rất nhiều kẻ trộm mộ đến đào bới Thanh Dụ Lăng nhưng chưa một ai thành công. Thay vào đó, những người đã từng vào trong đều kinh hãi kể lại sự cố "tâm linh" đã gặp phải. Theo thời gian, lời đồn đại này được lưu truyền trong dân gian.
Năm 1928, Tôn Điện Anh gặp phải khó khăn về tài chính. Để ngăn cản những binh lính trở nên "nổi loạn", ông nghĩ ra cách đi trộm mộ để lấy tiền nuôi quân.
Người ta kể lại rằng có người đã tận mắt nhìn thấy Tôn Điện Anh mở ba cửa mộ của Thanh Dụ Lăng, nhưng đến cửa mộ thứ tư, ông hoàn toàn bất lực. Cuối cùng, ông chọn cách dùng thuốc nổ để mở lối vào.
Tuy nhiên, điều họ không ngờ tới là "trấn long thạch" dùng để cố định quan tài của Càn Long đã bị vỡ. Chiếc quan tài cũng rời khỏi vị trí ban đầu.
Để ngăn quan tài của các Hoàng đế bị di chuyển, người xưa thường đặt viên đá rồng gọi là "trấn long thạch" để cố định chúng. Hơn nữa, trọng lượng quan tài của Càn Long khoảng vài tấn, làm sao một vật nặng như vậy lại có thể tự mình "chui" ra sau cửa lăng?
Khi đó, rất nhiều binh lính đi vào cùng với Tôn Điện Anh đều sợ đến mức "mặt cắt không còn một giọt máu", vội vàng rút lui. Sau khi nghe tin, một số quan lại trong triều đình nhà Thanh vội vàng sửa sang và di chuyển quan tài về chỗ cũ đồng thời niêm phong lại cửa mộ.
Ngay sau khi Tôn Điện Anh rời đi, một nhóm cướp khác cũng đến để tìm hiểu. Tuy nhiên, điều họ không ngờ là cánh cửa cuối cùng dù làm cách nào cũng không hề lay chuyển.
Trước khi tiến vào trong, họ đã từng nghe qua chuyện về chiếc quan tài biết di chuyển nhưng điều khiến đám trộm kinh hãi là chiếc quan tài lại một lần nữa "bò đến" cửa bức bình phong.
Nếu lần đầu tiên bắt gặp thì có thể coi chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng đến lần thứ 2 thì câu chuyện không hề đơn giản. Những tên cướp quá sợ hãi liền quỳ rạp xuống đất cầu xin, một số khác lập tức bỏ chạy khỏi cửa. Tóm lại, lần trộm mộ thứ hai này lại thất bại.
Những sự kiện tâm linh này dưới góc nhìn của người hiện đại có vẻ như đã bị phóng đại. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một truyền thuyết nhưng đến năm 1975, sự việc tương tự lại xảy ra.
Khi đó, một đoàn khảo cổ quyết định tiến vào Thanh Dụ Lăng để tiến hành nghiên cứu và khảo sát. Một lần nữa họ phát hiện quan tài bị "di chuyển" chặn trước cửa mộ. Tất cả các chuyên gia '"lão làng" trong giới khảo cổ đều không biết giải thích thế nào cho đúng.
Một số học giả cho rằng chính vì trong Thanh Dụ Lăng có nước đọng nên quan tài của Càn Long đã bị dịch chuyển. Nhưng trên thực tế, cách giải thích này không hợp lý. Vì cỗ quan tài nặng tới vài tấn nên không thể dễ bị dịch chuyển như vậy.
Hơn nữa, ghi chép trong "Bảo hi nhật ký" có ghi lại rằng "Thanh Lăng đã tích nước cao khoảng 3 đến 4 thước (khoảng 1,2 đến 1,6 mét). Nhưng đó không phải là nước mưa mà xuất phát từ lỗ suối trong lăng mộ". Nói cách khác, nước ở trong lăng chưa đủ để nhấn chìm quan tài chứ đừng nói đến việc để nó trôi nổi trên đó.
Tuy nhiên, cho đến ngày nay, vẫn chưa có lời giải thích nào có thể lý giải được việc chiếc quan tài của Càn Long "biết đi". Giới khoa học kỳ vọng một ngày nào đó khoa học công nghệ phát triển hơn sẽ có thể giải mã bí ẩn kì lạ này.
Lê Trang (TH)