Bí thư đoàn xã 'mê' làm từ thiện, tiên phong phát triển kinh tế
Tốt nghiệp cử nhân Đại học Sư phạm Huế từ năm 2012, Trần Thanh Cần (SN 1988) trở về Hà Tĩnh lập nghiệp và tham gia công tác Đoàn ở xã Sơn Phú, Hương Sơn.
Hết lòng vì cộng đồng
Tốt nghiệp cử nhân Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Huế từ năm 2012 nhưng tìm việc làm không thuận lợi, anh Trần Thanh Cần (SN 1988) quyết định trở về quê lập nghiệp và tham gia công tác Đoàn ở địa phương.
Anh được bầu giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã - Chủ tịch Hội LHTN xã từ năm 2017 đến nay. Với trình độ, kỹ năng được đào tạo tại trường đại học cùng với sự xung kích, nhiệt huyết và tấm lòng nhân ái, anh đã đưa phong trào Đoàn ở xã miền núi dẫn đầu toàn huyện.
Anh Cần cùng đoàn viên thanh niên xã tái chế lốp xe cũ thành bồn hoa, khu vui chơi.
Hơn 8 năm gắn với công tác Đoàn - hội là chừng đó thời gian anh dành mọi tâm huyết của mình cùng với tổ chức đoàn tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng như: thu gom và xử lý rác thải; chỉnh trang vườn hộ, sửa chữa nhà ở cho người neo đơn; trồng và chăm sóc hoa, cây xanh trên các tuyến đường trục thôn, trục xã; đóng góp ngày công xây dựng khu vui chơi thiếu nhi, khuôn viên hội quán thôn...
Không kể trưa nắng, bất cứ ở đâu có xe đạp cũ, anh Cần đều sẵn sàng lên đường.
Không chỉ thế, từ đầu năm 2020 đến nay, anh còn khởi xướng cùng nhóm thiện nguyện xã Sơn Phú đi đến các hộ dân trong và ngoài xã xin những chiếc xe đạp cũ về sửa chữa, lắp ráp, trở thành những chiếc xe đạp mới trao tặng cho trẻ em nghèo.
Những chiếc xe đạp cũ sẽ được tân trang, sửa chữa.
Anh Cần chia sẻ: “Mỗi chiếc xe được bà con ủng hộ, chúng tôi phải mua thêm phụ tùng, sơn sửa lại mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng nhìn niềm vui của các em nhỏ khi nhận xe, bao nhiêu vất vả lại tan biến. Chúng tôi chỉ mong có thêm nhiều chiếc xe cũ để mình được sửa chữa làm mới”.
... để trao tặng cho trẻ em nghèo trên địa bàn.
Được biết, đến nay, Đoàn xã Sơn Phú đã trao hơn 30 chiếc xe đạp cho trẻ em nghèo. Ngoài ra, Bí thư Đoàn xã thường xuyên tổ chức các hoạt động gây quỹ để trao tặng quà hàng chục suất quà cho gia đình chính sách, người có công, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
Không dừng lại ở đó, thời điểm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên địa bàn, Trần Thanh Cần là tình nguyện viên tích cực hỗ trợ hậu cần cho các khu cách ly. Anh còn là người tiên phong làm hàng nghìn chiếc kính chống giọt bắn, may khẩu trang tặng các y, bác sỹ ở khu cách ly và bệnh viện.
Những chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động được anh Cần và thanh niên xã thiết kế trao tặng Trường Tiểu học Sơn Phú.
Đồng thời phối hợp với Ban Thường vụ Huyện đoàn thiết kế và lắp đặt 5 buồng khử khuẩn phục vụ công tác phòng dịch; thiết kế lắp đặt 3 máy rửa tay sát khuẩn tự động trao tặng Trường Tiểu học Sơn Phú để sử dụng đón học sinh trở lại trường học an toàn.
Anh còn là thành viên tích cực của Câu lạc bộ máu sống huyện Hương Sơn với 3 lần hiến máu trực tiếp giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Tiên phong phát triển mô hình kinh tế mới
Không chỉ tích cực trong các hoạt động đoàn, anh Cần còn là người đầu tiên du nhập thỏ nuôi về địa phương từ năm 2012. Anh cho biết, ban đầu anh đầu tư 20 con thỏ giống từ Trại Giống thỏ Việt Nhật ở tỉnh Ninh Bình về nuôi làm giống. Nhờ chăm sóc tốt, đàn thỏ nhanh lớn, có trọng lượng vượt trội so với giống thỏ địa phương và phát triển dần lên hơn 200 con.
Anh Cần (bên trái) là người đầu tiên du nhập thỏ nuôi về địa phương từ năm 2012.
Mô hình đang phát triển và mang lại nguồn thu nhập khá thì không may vào năm 2015, anh Cần gặp rủi ro do thỏ mắc dịch bại huyết. Quyết không nản chí, anh tìm hiểu kỹ hơn về kỹ thuật nuôi và vắc-xin phòng chống bệnh cho thỏ, tiếp tục vực dậy mô hình và mở rộng quy mô đàn thời điểm cao nhất đến 500 con.
Hệ thống máng cho thỏ ăn do anh Cần sáng chế đã trở thành sản phẩm được nhiều địa phương tìm mua.
Anh còn cải tiến hệ thống máng tự động ở ngoài chuồng giúp thỏ dễ dàng sử dụng thức ăn. Với tiện ích của máng, giá thành rẻ, độ bền cao, sản phẩm máng ăn tự động của anh Cần được nhiều mô hình nuôi thỏ tìm đến mua. Đến nay, anh đã xuất bán đến hơn 50 nghìn máng thức ăn cho các thị trường Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Đồng Nai...
Ngoài ra, anh đang chăn nuôi gần 100 con gà, 30 đôi bồ câu, trồng thêm 100 gốc ổi Tân Châu ruột đỏ... Thời gian rảnh, anh nhận làm thêm cơ khí gia công các sản phẩm khung cửa, cổng, lợp mái.
Ngoài thỏ, anh Cần còn nuôi gà, bồ câu và trồng thêm 100 gốc ổi Tân Châu ruột đỏ.
Mô hình kinh tế không chỉ góp phần giúp anh Cần trang trải cuộc sống gia đình mà còn mang đến việc làm thời vụ cho 4 thanh niên trên địa bàn.
Phó Bí thư Huyện đoàn Hương Sơn Nguyễn Văn Linh đánh giá: “Đồng chí Cần không chỉ là cán bộ đoàn xuất sắc, tấm gương tình nguyện tiêu biểu mà còn là thanh niên trẻ kinh doanh giỏi. Anh có khá nhiều tài lẻ về hội họa, thư pháp, làm thơ, đàn sáo...
Dưới sự điều hành của anh, Đoàn xã Sơn Phú luôn là lá cờ đầu trong phong trào tuổi trẻ toàn huyện với nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Nhiều mô hình, cách làm của anh Cần đã và đang được nhân rộng trên địa bàn. Anh cũng chính là minh chứng tiêu biểu trong điển hình thanh niên học và làm theo Bác".