Bí thư Thành ủy TPHCM: Sống chung với người mắc nhưng không để xảy ra dịch Covid-19
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, yêu cầu từ kết quả kiểm soát tốt dịch Covid-19, sắp tới phải tiếp tục làm tốt hơn trong công tác phòng dịch để khôi phục lại sản xuất kinh doanh cùng các hoạt động đời sống trong một trạng thái mới. Đó là TPHCM vừa thực hiện các nhiệm vụ nhưng đảm bảo an toàn, không phát sinh dịch Covid-19 trên địa bàn.
Sáng 16-4, Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM đã diễn ra trực tuyến tại 15 điểm cầu trên địa bàn thành phố.
Tại điểm cầu Thành ủy có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
Hội nghị đặc biệt
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ đây là hội nghị đặc biệt nhất, vì Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM không tập trung cùng một hội trường và đều đeo khẩu trang khi dự hội nghị Thành ủy. Hội nghị lần này được tổ chức từ xa với nhiều điểm cầu nhằm phòng, chống dịch Covid-19.
“Tinh thần là ngăn chặn nguy cơ nhưng vẫn tiến hành các hoạt động bình thường”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và thông tin, hội nghị sẽ đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I và bàn nhiệm vụ quý 2-2020 cũng như đến cuối năm.
Theo đồng chí, trong thời gian qua, diễn biến dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên toàn cầu và TPHCM cũng bị ảnh hưởng nặng. Cho nên, một nhiệm vụ quan trọng nữa của hội nghị là đánh giá việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Bởi vì, nếu không phòng, chống dịch bệnh thành công thì mọi việc khác không thể tiến hành theo kế hoạch.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, rất sớm của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Thành ủy cùng Chính quyền TPHCM, chúng ta đã phòng ngừa dịch Covid-19 ở thành phố thành công.
“Nếu không phòng ngừa thành công, số người nhiễm ngày càng tăng, chúng ta sẽ không kiểm soát được”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích và chỉ rõ, khi đó các bệnh viện sẽ quá tải, người dân phải hạn chế tối đa đi lại. Điều này sẽ tạo ra bầu không khí lo lắng thì khi đó không thể phát triển TP được.
Đồng chí tái khẳng định, trong quý 1-2020, TPHCM đã làm được việc là không để dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn. Chia sẻ thêm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, ngày 23-1 nước ta có ca đầu tiên và đến nay, cả nước có 268 ca mắc Covid-19.
Trong đó, số người phải điều trị tại bệnh viện vào ngày 29-3 là 163 bệnh nhân - là cao nhất. Số bệnh nhân giảm và hiện nay còn 98 bệnh nhân (vào ngày 15-4).
Tại TPHCM, ngày có số người nằm viện điều trị cao nhất là ngày 28-3, với 42 bệnh nhân và giảm dần còn 9 người (vào ngày 15-4).
Kết quả này đến từ việc chúng ta huy động toàn bộ hệ thống chính trị hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh, đồng thời phát hiện kịp thời những người đến TPHCM có nguy cơ lây nhiễm và cách ly kịp thời, triệt để.
Đây là tiền đề quan trọng mà trong thời gian qua, TPHCM vẫn duy trì được hoạt động sản xuất.
Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin thêm về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tính đến 8 giờ ngày 16-4, toàn thế giới có 2.083.033 người mắc. Dịch bệnh đã xảy ra tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong đó, ở Mỹ, đến sáng 16-4 đã có 644.089 người.
Tính chung 20 nước có số người mắc Covid-19 nhiều nhất (từ 20.000 người trở lên) chiếm tới 85% số ca bệnh trên toàn cầu, hầu hết là những nước có thu nhập cao.
Tính đến ngày 15-4, trên thế giới, bình quân trên 1 triệu người thì có 260 người mắc. Trong khi, lúc cao điểm nhất (có 54 ca mắc), trên 1 triệu người dân TPHCM có 5 người mắc.
Kết quả kiểm soát dịch bệnh giữ được như Việt Nam và TPHCM là rất đáng trân trọng.
Điểm sáng xuất khẩu trong mùa dịch
Đồng chí điểm sơ một số giải pháp đã thực hiện trong phòng, chống dịch Covid-19 như không cho người nước ngoài vào. Người dân trong nước cũng hạn chế di chuyển. Điều này gây ra nhiều ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, trước tiên là ngành dịch vụ giảm rất mạnh, doanh thu ngành ăn uống giảm gần 32%, doanh thu ngành giáo dục giảm 26% trong quý 1-2020. Ngoài ra, giá trị giao dịch trong lĩnh vực bất động sản giảm gần 13%.
“Nhu cầu giảm, dịch vụ giảm, nguồn cung cũng giảm và vì thế GDP giảm”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét và cho rằng, về lâu dài muốn tăng thì phải tăng cầu. Điều này có nghĩa là phải tăng nhu cầu, phải có người cần đến hàng hóa dịch vụ, mà trước hết là nhu cầu tiêu dùng của 10 triệu dân thành phố.
Cũng theo đồng chí, nếu nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố tiếp tục giảm thì không có cách nào phát triển, tăng trưởng kinh tế được.
Bày tỏ lo lắng khi tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong quý đầu năm 2020 chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích lý do là vì cầu giảm, dẫn đến cung cũng giảm theo.
Trong lĩnh vực sản xuất, những mặt hàng gắn với xuất khẩu vẫn duy trì ở mức khá. Trong đó, xuất khẩu tăng 7,5% so với cùng kỳ, tập trung ở hàng điện tử, máy tính. Tính chung, xuất khẩu trong quý đạt hơn 9,85 tỷ USD trong quý 1. Trong 4 ngành công nghiệp chủ lực của TPHCM thì ngành điện tử (tăng 11%), hóa chất (tăng 8%) vẫn tăng, nhưng dệt may và cơ khí giảm. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất vẫn còn khó khăn, nhưng vẫn còn đang sản xuất và sắp tới có cơ hội tăng trở lại.
Đồng chí phân tích, nếu vẫn không có người đến mua hàng hóa của TPHCM cũng như hoạt động dệt may, cơ khí khó khăn thì các doanh nghiệp trong các ngành nghề này ngưng hoạt động sẽ gia tăng. Trong quý 1, số doanh nghiệp giải thể tăng hơn 50% so cùng kỳ, doanh nghiệp tạm ngưng tăng gần 32%. Đây là hậu quả tất yếu khi không có khách hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy TPHCM, trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, TPHCM cùng với cả nước, vì cả nước đã nỗ lực không ngừng kéo giảm số người mắc Covid-19 phải điều trị thì điều kiện phục hồi sản xuất, thương mại sẽ từng bước tốt hơn.
Dẫn chứng số liệu tội phạm hình sự tăng 10%, có nguyên nhân từ không ít người bị giảm thu nhập, số người ra đường giảm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý nhiệm vụ sắp tới phải tiếp tục củng cố, thực hiện các biện pháp an sinh xã hội, an dân cũng như tiếp tục thực hiện phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Khái quát lại, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian qua đã được TPHCM thực hiện tốt. Đó là tổ chức phòng, chống dịch bệnh tốt. Đây là tiền đề mà TPHCM vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức độ nhất định và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới: Không để xảy ra dịch, dù vẫn còn người mắc. Chúng ta sẽ chuyển sang trạng thái sống chung với người mắc nhưng có thể kiểm soát được để không có dịch.
Phòng, chống dịch tốt để khôi phục lại các hoạt động xã hội
Liên quan đến những nhiệm vụ sắp tới, đồng chí gợi mở hội nghị tập trung thảo luận về những vấn đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, nhiệm vụ trước hết và hàng đầu là TPHCM phải cùng cả nước, vì cả nước phòng, chống dịch Covid-19 thật tốt. Kết quả này là tiền đề để làm mọi việc khác.
“Chúng ta hoàn toàn có thể làm được, với kết quả đã đạt được cũng như những bài học kinh nghiệm và mô hình thời gian qua”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ tin tưởng và nhấn mạnh đến yêu cầu phòng ngừa dịch bằng những giải pháp lớn. Đó là kiểm soát chặt chẽ tất cả những người vào TPHCM. Nếu phát hiện trường hợp nào có nguy cơ thì phải cách ly kịp thời. Đây là công việc đang được ngành y tế vẫn thực hiện hàng ngày. Tất cả những người vào TPHCM bằng hàng không, đường sắt đều được phải giám sát.
Đồng chí còn gợi ý về việc xây dựng kế hoạch có dự báo số lượng người vào TPHCM gia tăng để tổ chức kiểm tra, giám sát đạt được kết quả tốt nhất.
“Kiểm soát đầu vào hết sức quan trọng và sẵn sàng cách ly khi phát hiện có nghi ngờ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
Theo đồng chí, ban đầu cứ 1 người mắc Covid-19, TPHCM cách ly 280 người và hiện nay bình quân 222 người. Đây cũng là giải pháp rất đặc thù của Việt Nam, là không chỉ cách ly bệnh nhân mà còn cách ly đối với những người có nguy cơ, gồm F1, F2, thậm chí F3. Việc tổ chức cách ly chặt chẽ đã làm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cùng với đó, mỗi người phải tự phòng ngừa bằng việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Những giải pháp lâu nay chúng ta thực hiện đúng thì sẽ tiếp tục.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, từng doanh nghiệp, từng ngành nghề, từng cơ quan xây dựng quy tắc ứng xử an toàn dịch cho đơn vị, cho ngành.
“Khi nào chưa có vaccine phòng ngừa thì có thể không bằng 0, nhưng từ những bài học đã nêu, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng sẽ duy trì được số người nhiễm rất thấp và có thể kiểm soát được dịch bệnh”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Theo đồng chí, suốt 83 ngày qua (kể từ ngày 23-1, nước ta có ca đầu tiên), đến nay cả nước có 268 ca mắc Covid-19. Như vậy, bình quân mỗi ngày cả nước có 3,2 ca mới, hoàn toàn nằm trong khả năng xử lý của ngành y tế. Tựu trung lại, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chúng ta còn phải tiếp tục thực hiện thật tốt công phòng chống dịch, nhưng gắn với đó là từng bước khôi phục lại các hoạt động xã hội. Trong đó, dự kiến 15-5, TPHCM sẽ cho học sinh đi học trở lại.
Trong thời gian từ đây tới đó thì phải xây dựng bộ quy tắc trường học an toàn trong dịch Covid-19. Tương tự, các lĩnh vực kinh doanh, giao thông, sản xuất cũng xây dựng quy tắc an toàn với dịch Covid-19.
Cùng với đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu tập trung đẩy mạnh là chương trình công tác, gắn với đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp, với 10 nội dung, hoạt động trọng điểm.
Cũng liên quan đến vấn đề này là việc tập trung, tiếp tục chỉ đạo chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, đảm bảo kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng bộ theo kế hoạch.
Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 40 cũng cũng nghe báo cáo kết quả thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, từ khi có nguy cơ dịch Covid-19 thì đơn thư phản ánh có giảm. Song, đây là giải pháp mà Ban Thường vụ chỉ đạo quyết liệt trong 2 năm qua nên hội nghị sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy báo cáo chuyên sâu về nội dung này.