Biến đổi khí hậu khiến các nhà máy điện hạt nhân khó được làm mát

Trong số tất cả các nguồn năng lượng carbon thấp được dùng để chống lại biến đổi khí hậu, điện hạt nhân thường được coi là ít bị xáo trộn nhất. Nhưng ngành công nghiệp này lại phải đối mặt với việc cắt giảm sản lượng và tăng rủi ro an toàn do chính biến đổi khí hậu.

Theo Wired, mối lo trong công nghệ hạt nhân ngày nay không nằm ở phân tách các nguyên tử, mà là quản lý nguồn nước ở quy mô lớn để giữ cho lò phản ứng nguội. Đó là lý do tại sao rất nhiều cơ sở điện hạt nhân nằm cạnh biển và ven sông lớn.

Nước ấm lên và các dòng sông cạn dần không phải là những thách thức khí hậu duy nhất mà các cơ sở điện hạt nhân phải đối mặt. Đối với các nhà máy gần biển, mực nước biển dâng kết hợp với các cơn bão lớn có thể gây ngập lụt. Ngoài ra, tần suất tảo và quần thể sứa bùng nổ thường xuyên hơn có thể làm tắc nghẽn các đường ống dẫn nước.

Các nhà máy hạt nhân cũng được xây dựng để tồn tại trong hàng thập kỷ với nhiều công trình được xây dựng vào những năm 70 và 80. Đây là mối lo ngại khi chúng được xây rất lâu trước khi các cơ quan quản lý nghĩ đến yếu tố biến đổi khí hậu - điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Ông Thibault Laconde - CEO của Callendar, công ty chuyên tư vấn rủi ro khí hậu tại Paris cho biết: “Không thể di dời một cơ sở đã được xây dựng và việc sửa chữa lại các nhà máy rất tốn kém. Chúng ta có thể thiết kế lại các đường ống để tiếp cận nước sâu hơn, lạnh hơn hoặc bổ sung các hệ thống trao đổi nhiệt mới hơn để giảm nhu cầu sử dụng nước. Nhưng chi phí thường lớn và hiệu quả thu được lại nhỏ.”

Tại Pháp, nơi năng lượng hạt nhân cung cấp 80% nhu cầu điện của đất nước, Tập đoàn điện lực dự kiến sẽ cắt giảm nhiều hơn trong những tháng tới khi mực nước tiếp tục giảm. Điều này dấy lên lo ngại về an ninh năng lượng tại đây khi Châu Âu đang tranh giành nguồn dự trữ năng lượng do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.

Thực hiện : Quang Trịnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bien-doi-khi-hau-khien-cac-nha-may-dien-hat-nhan-kho-duoc-lam-mat