Biến đổi khí hậu: Tăng khả năng chống chịu cho vùng ven biển
Trồng rừng, công trình hạ tầng, mô hình sinh kế… và nhiều đầu tư khác là những gì mà dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển (FMCR) đã đem đến cho 8 tỉnh, thành ven biển Bắc Bộ, từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế. Đây đều là những tỉnh, thành có đường bờ biển dài, dễ bị tổn thương trước tác động của khí hậu và nước biển dâng.
Với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững dựa vào cộng đồng, dự án FMCR triển khai trồng rừng đã tập trung sử dụng cộng đồng địa phương để thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, ông Bùi Văn Nhơn cho biết, xã đã được tiếp cận và triển khai dự án từ tháng 8/2021. Với phương châm của dự án, xã đã thành lập 2 nhóm cộng đồng để trồng mới, chăm sóc bảo vệ rừng ngập mặn. Sau 2 năm triển khai, xã đã trồng mới và bổ sung gần 100 ha.
Nhờ có dự án trồng rừng, xã đã tạo việc làm cho khoảng 80 hộ gia đình. Không chỉ có hạng mục trồng rừng, dự án còn đầu tư 3 tuyến đường đê biển với gần 3 km. Các tuyến đường này đã phục vụ người dân đi lại trong chăm sóc, bảo vệ rừng; đi đánh bắt thủy sản, giao thương kinh tế…
Ngoài trồng rừng, dự án còn tạo sinh kế thông qua dự án nuôi lợn nái sinh sản, tạo thu nhập bền vững cho người dân, qua đó giúp họ có thêm động lực trong chăm sóc, bảo vệ rừng, ông Bùi Văn Nhơn cho biết.
Theo ông Bùi Văn Nhơn, dự án được triển khai khác với các dự án trước đây. Đó là dự án sử dụng cộng đồng người dân trên địa bàn nên họ có được thu nhập cũng như qua quá trình trồng họ cũng có trách nhiệm và yêu rừng hơn. Người dân cũng có nhận thức hơn trong trồng và bảo vệ rừng.
Ông Bùi Văn Nhơn so sánh, với các dự án trước đây thường thông qua một doanh nghiệp và họ sẽ liên hệ với người lao động địa phương. Như vậy, người dân trồng rừng sẽ chỉ như đi làm thuê, ngày công không cao. Sau khi trồng xong, họ cũng không có trách nhiệm quản lý bảo vệ diện tích rừng đã trồng.
Với dự án này có mô hình cộng đồng dân cư địa bàn làm nhân lực thực hiện chính dự án. Người dân có công trồng chăm sóc bảo vệ rừng, được hưởng tiện ích hạ tầng từ dự án. Qua đó, thay đổi nhận thức của người dân trong bảo vệ, chăm sóc rừng.
Hoàn thành trồng rừng ngập mặn chưa phải là đã xong và thành công. Loại rừng này cần phải có 4 năm tiếp theo chăm sóc và trồng dặm để đảm bảo tỷ lệ cây sống khỏe, đảm bảo thành rừng sau này. Trong các năm tiếp theo này, các tổ cộng đồng vẫn có trách nhiệm chăm sóc rừng. Tuy nhiên, thu nhập người dân sẽ không cao bằng năm đầu trồng rừng.
Do đó UBND xã Vạn Ninh sẽ báo cáo với UBND thành phố Móng Cái, Ban quản lý rừng phòng hộ xem xét giao khoán quản lý các khu rừng để cộng đồng quản lý và bảo vệ theo chương trình rừng bền vững, ông Bùi Văn Nhơn cho biết.
Ông Bùi Xuân Hiển, Giám đốc dự án FMCR tỉnh Quảng Ninh cũng đánh giá, mô hình cộng đồng để trồng rừng có ưu điểm là người dân được tạo việc làm, có thu nhập trên diện tích rừng ở địa phương của họ. Người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ trồng rừng nên ý thức trách nhiệm được nâng cao rõ rệt.
Vì khi trồng tốt, đúng kỹ thuật, cây ít bị chết thì người dân sẽ ít bị trồng lại. Điều này sẽ giúp cộng đồng có trách nhiệm hơn trong trồng rừng. Sau này việc bảo vệ, phát triển cũng sẽ sử dụng nhóm cộng đồng địa phương. Qua đó sẽ đảm bảo tính bền vững trong quản lý bảo vệ rừng.
Thực hiện dự án này, tỉnh có 33 nhóm cộng đồng. Số thành viên các nhóm từ 50-100 người. Bà con trong cộng đồng nhận công việc sẽ tự điều phối, sắp xếp thời gian để trồng đảm hiệu quả việc được nhận. Như vào cuối vụ trồng rừng, bà con sẽ trồng rừng cả đêm và sáng sớm theo thủy triều.
Với tỉnh Quảng Ninh, mùa vụ trồng rừng chỉ được từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, tỉnh phấn đấu sẽ trồng xong diện tích còn lại để đảm bảo thời vụ và sẽ trồng được 150 ha trồng mới và 690 ha trồng bổ sung rừng phòng hộ.
Không chỉ trồng rừng, dự án cũng đã đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng như nâng cấp đường lâm nghiệp, các công trình đường giao thông nông thôn, hệ thống đê kè… đóng góp cho ngành giao thông, thủy lợi và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chẳng hạn như các xã Vinh Quang, Đông Hưng, Tây Hưng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã được đầu tư cứng hóa nhiều tuyến đề biển. Theo ông Vũ Văn Để, Chủ tịch UBND xã Đông Hưng cho biết, khi được đầu tư sẽ có sự gắn kết với các xã trong phòng chống lụt bão. Đặc biệt khi được đầu tư bài bản, hàng năm huyện sẽ không phải đầu tư nâng cấp, cải tạo theo kiểu “nhỏ giọt” do không có nguồn vốn.
Ông Vũ Văn Để vui mừng cho biết, nhờ dự án, xã đã được đầu tư 3 tuyến đường lâm sinh ở thôn Thái Hưng, thôn Thủy Hưng. Đây là các thôn giáp ranh đê biển, đều trực tiếp bị ảnh hưởng nếu có bão gió. Các tuyến lâm sinh rất cần thiết đầu tư để hỗ trợ ứng phó thiên tai. Khi mặt đê được cứng hóa thì công tác ứng phó lụt bão, hộ đê cũng thuận lợi hơn.
Mục tiêu của xã Đông Hưng sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024, nhưng khó khăn lớn nhất là nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng nông thôn, hạ tầng thủy lợi… “Rất may mắn là xã đã nằm trong dự án đầu tư. Bởi vậy, các công trình phục vụ cho tuần tra, bảo vệ rừng, các tuyến đê biển… được hỗ trợ đầu tư nên đã gỡ nút thắt lớn cho địa phương”, ông Vũ Văn Để chia sẻ.
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án cũng hỗ trợ xã Đông Hưng trồng và bảo vệ 200 ha rừng ngập mặn hiện có của địa phương, góp phần bảo vệ đê biển.
Ông Phạm Hồng Vích - Phó Trưởng ban Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự án FMCR đã đóng góp gần 4.000 ha rừng phòng hộ ven biển cho đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định 1662/QĐ-TTg. Cùng với đó là trên 20 công trình bảo vệ rừng; 90 gói cơ sở hạ tầng cũng như các mô hình sinh kế cho người dân ven biển yên tâm trong chăm sóc và bảo vệ rừng.