Biển Đông: Trung Quốc giúp đỡ hay giăng bẫy Philippines?
Mặc dù về danh nghĩa hai nước đang 'bắt tay' nhau để triển khai cái gọi là 'khai thác chung' nhưng phía sau tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn với hệ lụy lâu dài.
Hôm 30-10, Bộ Ngoại giao Philippines chính thức xác nhận Manila và Bắc Kinh đã thành lập Ủy ban Giám sát liên chính phủ Philippines - Trung Quốc (TQ) về hợp tác phát triển dầu khí tại cuộc họp ở TQ vào hai ngày trước đó, tờ Philippine Star viết.
Trung Quốc muốn giúp Philippines?
Bất chấp rất đông chính trị gia, cựu chính trị gia, chuyên gia và người dân Philippines phản đối chủ trương ăn chia với TQ theo tỉ lệ 60/40, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn kiên quyết đường lối khai thác chung với TQ ở vùng biển được cho là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Giới chính trị gia hoài nghi cú bắt tay Trung-Philippines lưu ý ông Duterte rằng: (i) Nếu muốn hợp tác với TQ thì Bắc Kinh phải công nhận chủ quyền của Philippines tại vùng biển hai nước khai thác chung; (ii) Ông Duterte không có thẩm quyền bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 để đổi lại bản hợp đồng với TQ như gợi ý từ phía Bắc Kinh.
Trong chuyến thăm của ông Duterte đến TQ vào cuối tháng 8, Đại sứ Philippines Chito Sta Romana nói với báo chí tại Bắc Kinh rằng: “Tôi nghĩ rằng hợp đồng (khai thác chung giữa TQ và Philippines - PV) phải tuân thủ hiến pháp Philippines và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bên cạnh đó, vì TQ cũng là bên liên quan nên bản hợp đồng cũng cần phải phù hợp với hiến pháp TQ”.
Gần đây nhất, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tiếp tục trấn an người dân trên Twitter rằng: “TQ không cần dầu mỏ và khí đốt của chúng ta. Chúng ta mới chính là người cần. TQ là bên duy nhất đề xuất giúp đỡ phát triển (việc khai thác dầu khí)”.
Thông tin này của ông Teodoro Locsin Jr. gặp phải sự phản biện từ nhà báo người Anh Bill Hayton. Theo đó, ông Hayton đặt hoài nghi đối với nhận định TQ là bên duy nhất đề xuất phát triển dầu khí với Philippines. Hai tập đoàn Shell (của Anh - Hà Lan) và Chevron (Mỹ) cũng đã và đang giúp Philippines phát triển dầu khí. “TQ đang đe dọa gây chiến tranh nhằm ngăn cản Philippines phát triển các nguồn lực tài nguyên” - ông Hayton viết trên trang Twitter hôm 28-10.
Một ngày sau, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. bác bỏ nhận định của ông Hayton, khẳng định TQ không dọa chiến tranh với Philippines liên quan đến các vấn đề tài nguyên. Vị này nói thêm với các vùng biển không có tranh chấp, TQ không có vấn đề gì khi thực hiện các cam kết theo luật pháp của Philippines.
Hay Manila sập bẫy Bắc Kinh?
Thực tế, không thể bác bỏ việc TQ đe dọa gây chiến tranh với Philippines ở biển Đông nhằm yêu cầu nước này thay vì chống lại Bắc Kinh, phải chuyển sang trạng thái sẵn sàng thảo luận về các đề xuất khai thác chung của TQ.
Rất nhiều lần chính ông Duterte đề cập đến khả năng xung đột vũ trang với TQ nếu Manila đưa quân đội ra biển Đông, thậm chí trong khu vực EEZ của mình. Ông Duterte không ngại thừa nhận nếu xảy ra chiến tranh, Philippines sẽ sớm thất bại, thiệt hại. “Ông Tập muốn đánh cá và không ai có thể cản ông ấy” và vì đó, theo người đứng đầu chính phủ Philippines, phải hợp tác với TQ để hưởng lợi “nhiều hơn” (tức 60%).
Thứ hai, sẽ không có chuyện TQ chấp nhận các khu vực khai thác chung thuộc chủ quyền Philippines. Chí ít là đến lúc này, quan điểm chính thức của Bắc Kinh không đổi với bốn không: (i) không tham gia, (ii) không công nhận thẩm quyền của tòa, (iii) không chấp nhận và (iv) không thi hành phán quyết. Bắc Kinh nhiều lần thông qua nhiều kênh khẳng định: Hãy quên phán quyết đi, rồi Philippines-TQ sẽ cùng hợp tác để khai thác tài nguyên; hoặc TQ sẽ tiếp tục khẳng định lập trường không chấp thuận phán quyết của tòa.
Như vậy, so với câu chuyện TQ không dọa chiến tranh, chỉ muốn giúp Philippines thì khả năng Manila sập bẫy Bắc Kinh dường như khả dĩ hơn rất nhiều. Theo đó, TQ thành công trong việc biến vùng biển trong EEZ Philippines thành vùng có tranh chấp, từ đó tạo cơ sở lấn lướt và thâu tóm như trường hợp bãi cạn Scarborough năm 2012. Nên nhớ, khi các doanh nghiệp dầu khí TQ xuất hiện ở vùng biển Philippines thì việc can dự, không loại trừ bằng biện pháp quân sự, từ phía Bắc Kinh càng trở nên dễ dàng hơn.
Có hai kịch bản liên quan đến khả năng TQ chấp nhận tuân thủ phán quyết. Trường hợp thứ nhất, Bắc Kinh hoàn toàn tự nguyện chịu tuân thủ. Khả năng này gần như không thể xảy ra. Trường hợp còn lại là Bắc Kinh bị các nước trên thế giới buộc phải chấp hành phán quyết. Liệu việc bị quốc tế lên án có quan trọng cho TQ không? Câu trả lời là có, bởi nước này cũng cần phải thông thương với các nước khác để sinh tồn.
Cựu phó chánh án Tòa Tối cao Philippines
ANTONIO CARPIO
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/bien-dong-trung-quoc-giup-do-hay-giang-bay-philippines-867490.html