Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng khắp Thụy Sĩ
Tối 9/6, khoảng 10.000 người dân thành phố Geneva (Thụy Sĩ) đã xuống đường biển tình phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc.
Cuộc biểu tình trùng với thời điểm diễn ra lễ tang của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi đã tử vong sau khi bị cảnh sát chẹn cổ hồi tháng trước và đây cũng là cuộc biểu tình lớn nhất kiểu như vậy ở Thụy Sĩ cho đến nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, những người biểu tình đã mang theo các biểu ngữ như “Silence is no longer an option” (Im lặng không còn là sự lựa chọn), “Racism is also a pandemic” (Phân biệt chủng tộc cũng là đại dịch) và “I can’t breathe” (Tôi không thở được) - lời nói cuối cùng của ông Floyd trước khi chết.
Họ đã thành lập các nhóm gồm 300 người để tuân theo các quy định về tụ họp công cộng của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đây là cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc mới nhất xảy ra ở Thụy Sĩ. Trước đó, các cuộc biểu tình tương tự cũng đã diễn ra tại một số thành phố và thị trấn của nước này như Zurich, Basel, Lausanne và thủ đô Bern.
Tình trạng phân biệt chủng tộc không chỉ xảy ra ở Mỹ mà cũng xảy ra ở Thụy Sĩ. Theo báo cáo của Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc LB Thụy Sĩ (EKR), năm 2019 có 352 trường hợp phân biệt chủng tộc đã được báo cáo ở nước này, tăng 30% chỉ trong vòng một năm.
Tương tự như vậy, tỷ lệ dân số được báo cáo là mục tiêu của nạn phân biệt chủng tộc đã tăng lên trong những năm gần đây, từ 10% năm 2014 lên gần 17% vào năm 2018. Riêng trong năm ngoái, tại Thụy Sĩ có khoảng 20 vụ việc (gần 7%) liên quan đến tình trạng phân biệt chủng tộc.
Báo cáo thường niên của EKR đã thu thập các số liệu về phân biệt chủng tộc để cung cấp cho khoảng 20 trung tâm tư vấn ở Thụy Sĩ. Mặc dù số liệu của báo cáo trên có thể thấp hơn thực tế, nhưng cho phép có cái nhìn tổng quan về tình trạng phân biệt chủng tộc đang diễn ra ở nước này.