Bình Dương lấy chất lượng môi trường làm tiêu chí cấp phép

Theo nhiều doanh nghiệp FDI, nếu 10 năm trước đây, Bình Dương được chọn làm nơi đặt nhà máy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu là điều đúng đắn, thì hiện nay vẫn chưa xảy ra những hối tiếc nào.

Trước những thành công trong thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước, Bình Dương xác định, thu hút đầu tư để đưa Bình Dương phát triển thành tỉnh công nghiệp vượt trội trong thời gian tới là nhiệm vụ cần thiết trong các đề án phát triển của tỉnh.

Do đó, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục trải "thảm đỏ” để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp lựa chọn Bình Dương.
* Nâng cấp hạ tầng mạnh mẽ
Theo ý kiến của những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nếu 10 năm trước đây, Bình Dương được chọn làm nơi đặt nhà máy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu là điều đúng đắn, thì hiện nay vẫn chưa xảy ra những hối tiếc nào.

Kiểm tra và đóng gói sữa vào thùng tại nhà máy Nutifood Bình Dương (KCN Mỹ Phước I, Bến Cát). Ảnh: Minh Hưng-TTXVN

Kiểm tra và đóng gói sữa vào thùng tại nhà máy Nutifood Bình Dương (KCN Mỹ Phước I, Bến Cát). Ảnh: Minh Hưng-TTXVN

Tuy nhiên, về kết cấu hạ tầng cần có sự nâng cấp mạnh mẽ, đặc biệt là giao thông để doanh nghiệp thuận lợi trong vận hành sản xuất, tiết kiệm thời gian và nhân lực.
Đến thăm nhà máy sản xuất sữa của Công ty TNHH Nutifood, ông Lê Nguyên Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood đưa nhóm phóng viên đi thăm dây chuyên hiện đại hóa cao của nhà máy, lực lượng nhân viên vận hành dây chuyền không nhiều bởi đa số đều được số hóa. Nhưng nội tại bên trong chính là sức khỏe và thời gian của nhân viên các đơn vị khác vẫn chưa được đảm bảo.
Ông Lê Nguyên Hòa chia sẻ, những cơ chế vận hành và quản lý của chính quyền tỉnh Bình Dương không có gì bàn cãi, bởi tỉnh Bình Dương đã nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ cho doanh nghiệp thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, nhà máy đặt tại tỉnh Bình Dương, cũng là địa bàn lân cận với trung tâm kinh tế phía Nam – Tp. Hồ Chí Minh, do đó, hầu hết nhân viên của nhà máy đều được tuyển dụng tại đây.

Khi cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vẫn duy trì như 10 năm trước đây thì tình trạng kẹt xe diễn ra liên tục, gây ảnh hưởng đến quá trình đưa đón nhân viên, kéo dài thời gian trống khi nhân viên của nhà máy di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đến Bình Dương.
Cùng ý kiến với ông Lê Nguyên Hòa, ông Sompob Witworrasakul, Tổng giám đốc Công ty TNHH giấy Kraft Vina cũng tâm tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng vận hành các dây chuyền sản xuất được số hóa cao chỉ có thể được tuyển dụng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Vì vậy, hạ tầng giao thông hiện nay đã quá tải so với lực lượng lao động di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đến làm việc tại đây, ông Sompob mong muốn tỉnh Bình Dương có sự hợp tác với các địa phương lân cận để nâng cấp hạ tầng cơ sở tốt hơn, phục vụ cho nhu cầu kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Trả lời vấn đề này, ông Mai Bá Trước, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương chia sẻ, xác định phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội là sự nghiệp chung, vừa là lợi ích, vừa là nhiệm vụ của xã hội.

Đến nay, tỉnh Bình Dương đã bước đầu huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các công trình mang tính động lực, đảm bảo kết nối trung tâm đô thị của tỉnh với thành phố mới Bình Dương.
Song song đó là kết nối các hướng đối ngoại với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như đoạn tuyến trùng với đường vành đai Mỹ Phước – Tân Vạn, cầu Thủ Biên, cầu Thới An, đường từ cầu Thới An đến D9T748, đoạn qua khu công nghiệp VSIP IIA,…

Những công trình này cùng với những công trình giao thông đối ngoại đã được đầu tư trước đó đã phát huy vai trò tích cực trong kết nối giao thông, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
* Lấy chất lượng môi trường làm tiêu chí cấp phép
Trong những tháng đầu năm 2020, tỉnh Bình Dương cũng chịu sự ảnh hưởng chung của dịch bệnh COVID-19, dẫn đến kinh tế, xã hội cũng có những biến động đáng kể.

Hệ thống robot xếp dỡ thùng sữa tự động hiện đại được đầu tư lắp ráp tại Nhà máy Nutifood Bình Dương (KCN Mỹ Phước I, Bến Cát). Ảnh: Minh Hưng-TTXVN

Hệ thống robot xếp dỡ thùng sữa tự động hiện đại được đầu tư lắp ráp tại Nhà máy Nutifood Bình Dương (KCN Mỹ Phước I, Bến Cát). Ảnh: Minh Hưng-TTXVN

Trước tình hình này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đã có những giải pháp giải quyết để tình hình dịch bệnh không tác động mạnh mẽ đến kế hoạch kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài đến Bình Dương.
Qua những nỗ lực này, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, tính đến hết tháng 8/2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng 6,7% so với cùng kì năm 2019.

Đây là điều đáng khích lệ trong bối cảnh tổng sản phẩm cả nước trong 8 tháng năm 2020 chỉ tăng 1,8%. Thêm vào đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 8 tháng năm 2020 ước tăng 6,4% so với cùng kỳ 2019; kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 12 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 9,4 tỷ USD, duy trì thặng dư thương mại 2,6 tỷ USD.
Chính vì những kết quả đáng khích lệ này, tỉnh Bình Dương lấy làm động lực đề tiếp tục thực hiện “thảm đỏ” trong thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng và thu hút đầu tư nói chung.

Ông Mai Bá Trước khẳng định, trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc để vừa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể, trong thu hút đầu tư, tỉnh sẽ lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu khi cấp phép, thu hút đầu tư mới, cũng như xem xét, mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch với phương pháp quản trị hiện đại, có gia trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường./.

Nhung-Trà-Tưởng-Hưng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/binh-duong-lay-chat-luong-moi-truong-lam-tieu-chi-cap-phep/170931.html