Bình Dương: Nhà đầu tư tranh nhau người lao động
Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh xây nhà máy sản xuất, Bình Dương đang chứng kiến cảnh thiếu nguồn lao động trầm trọng, dẫn đến các doanh nghiệp lôi kéo, tranh nhau nguồn lao động.
Thông tin này được ghi nhận tại buổi gặp gỡ của UBND tỉnh Bình Dương với nhà đầu tư Đài Loan diễn ra vào ngày 21-8.
Tại buổi gặp gỡ, ông Wu Chun Ying, Hội trưởng Chi hội Thương gia Đài Loan tỉnh Bình Dương, than thở nhiều nhà máy sản xuất của doanh nghiệp Đài Loan trên địa bàn đang rất khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động. Tình trạng thiếu nhân lực có tay nghề trong khoảng thời gian qua đã dẫn đến việc nhân viên nhảy việc liên tục vì bị lôi kéo bởi nhiều nhà tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp thu hút lao động bằng tiền lương dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Tình trạng này nếu không tìm hướng giải quyết sẽ rất khó cho hoạt động sản xuất nói chung, ông Ying nêu ý kiến.
Chia sẻ với TBKTSG Online bên lề sự kiện, ông Ying nói thêm rằng tình trạng thiếu hụt diễn ra ở cả phân khúc lao động phổ thông và phân khúc lao động có tay nghề. Một số nhà đầu tư mới đến địa phương muốn có lực lượng lao động thì kéo người lao động của các nhà máy hiện hữu bằng cách nâng mức lương lên cao. Có đơn vị nâng lên đến 50% so với mức lương mà doanh nghiệp hiện hữu đang trả.
Tương tự, ông Richard Tsai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc (CEO) của DDK, doanh nghiệp kết nối các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Bàu Bàng, cho biết nhiều doanh nghiệp trong khu Bàu Bàng đang thiếu hụt lao động. Khu công nghiệp này đang thu hút khá nhiều nhà đầu tư Đài Loan đến xây dựng nhà xưởng mới với nhu cầu hiện nay lên đến hơn 10.000 lao động, các nhà đầu tư mong chính quyền địa phương hỗ trợ việc thu hút nguồn lao động đến đây làm việc.
Tại hội nghị, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cũng chia sẻ nỗi khó khăn về nguồn nhân lực với doanh nghiệp. Trong thời gian gần đây, cơ quan này đã ghi nhận nhiều lời phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác về tình trạng không tuyển dụng được dủ nhân công cần thiết.
Bản thân Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thấy tình trạng nguồn cung lao động trên địa bàn tỉnh không thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng tăng cao của các nhà máy sản xuất nên đã chủ động kết nối các trung tâm giới thiệu việc làm của các tỉnh thành lân cận nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực nói trên. Bởi, tình trạng thiếu nhân công đang diễn ra tại các địa phương xung quanh vốn cũng đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp.
Việc chi trả lương cho lao động đang đi theo cơ chế thị trường, nên cơ quan quản lý nhà nước về lao động khó có thể can thiệp bằng biện pháp hành chính. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có chính sách phúc lợi tốt, như cung cấp nhà trọ, hỗ trợ chi phí điện thoại, xăng xe... cho người lao động thì doanh nghiệp sẽ nâng cao tính cạnh tranh về nguồn lao động.
Sắp tới, Bình Dương tiếp tục làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp các nước để tìm hướng giải quyết, trong đó việc tổ chức đào tạo nghề cho người lao động sẽ được tiếp tục đẩy mạnh thông qua việc phối hợp giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Tại một số khu vực, địa phương này cũng đặt ra mục tiêu sẽ thu hút những ngành ít thâm dụng lao động...
Trong thời gian qua, Bình Dương được đánh giá có cơ sở hạ tầng tốt, nhất là hạ tầng giao thông, thế nhưng tại hội nghị các doanh nghiệp Đài Loan cũng tỏ ra e ngại về hạ tầng giao thông, vì hiện nay có nhiều nơi xảy ra ùn tắc dẫn đến cản trở hoạt động vận chuyển và kinh doanh. Các nhà đầu tư kỳ vọng tỉnh sẽ nâng cấp hạ tầng giao thông nhiều hơn nữa.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng cho rằng dù đã nỗ lực nhưng việc phát triển hạ tầng giao thông hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của hoạt động đầu tư, kinh tế.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc,Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, vượt qua 63 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, Đài Loan hiện trở thành nhà đầu tư nước ngoài có vốn cam kết nhiều nhất vào địa phương này với 843 dự án có tổng số vốn đăng ký hơn 5,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn tỉnh. Doanh nghiệp tại Bình Dương hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp dệt may, giày dép, chế tạo sản phẩm phụ trợ cho ngành ô tô, y tế, dược phẩm, hóa mỹ phẩm và chế biến thực phẩm,...
Ông Trúc cho biết, 7 tháng đầu năm nay, nhiều nhà đầu tư Đài Loan đã tiếp tục tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh và đã đăng ký đầu tư hơn 237 triệu đô la.
Qua 7 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 1,836 tỉ đô la Mỹ, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 31% so với chỉ tiêu năm 2019.
Hùng Lê