Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu để kiểm soát lạm phát ngay từ tháng đầu năm
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, đặc biệt là giá xăng dầu để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp
Tại Văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và lưu thông phân phối hàng hóa; đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân đặc biệt trong các dịp lễ, tết, tại các địa bàn xảy ra thiên tai, bão lũ, các khu vực bị cách ly phong tỏa.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược được Chính phủ quan tâm chỉ đạo Liên Bộ Công thương- Tài chính có giải pháp đảm bảo nguồn cung và điều hành giá. Ảnh: Hải Anh
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch, hoặc lồng ghép vào các kế hoạch, nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê trong việc rà soát, tính toán các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa, nhất là đối với các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các dịch vụ công thực hiện theo lộ trình thị trường. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng.
Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung; qua đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.
Ổn định thị trường cung cầu xăng dầu trong nước
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính có giải pháp bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường; điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, ổn định của thị trường, cung cầu xăng dầu trong nước.
Trước đó, để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong bối cảnh giá thế giới liên tục tăng, thị trường trong nước có hiện tượng găm hàng, chờ tăng giá, Bộ Công thương đã tổ chức họp khẩn, tìm giải pháp tháo gỡ.
Đáng chú ý là người đứng đầu ngành Công thương có đề nghị Chính phủ cho phép liên Bộ Công thương, Tài chính được linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận giá thế giới. Trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn thì cho phép được sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia khi cần thiết. Về lâu dài, kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật.
Để đảm bảo nguồn cung, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chỉ đạo tăng năng lực sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước năng suất cao nhất có thể; PVN tiếp tục đàm phán các bên liên quan để sớm phục hồi hoạt động có hiệu quả của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nếu vi phạm các điều khoản cam kết và để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là Petrolimex hoặc doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chi phối cần chủ động, tích cực, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng chủ động nguồn nhập khẩu từ cả trong, ngoài nước để không để đứt gãy nguồn cung và không bị sốc vì giá.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, về tổng thể, nguồn cung trong nước đến thời điểm hiện nay vẫn cơ bản được đảm bảo. Bình thường, các Nhà máy Nghi Sơn, Bình Sơn đã đáp ứng được khoảng 75% cho nhu cầu xăng dầu của thị trường trong nước, lượng xăng dầu cần nhập khẩu chỉ là 25%. Từ đầu tháng 01/2022, do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm công suất sản xuất, nên có ảnh hưởng đến nguồn cung. Bộ Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, kể cả trong tình huống xấu nhất là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất.