Bình Phước: Giải quyết việc làm đảm bảo an sinh xã hội

Với hơn 40.000 lao động là đồng bào dân tộc, năm 2019, các cấp, các ngành của tỉnh Bình Phước đã thực hiện một loạt các chính sách, chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm đã làm cho đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện.

Theo báo cáo của tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh hiện có khoảng 196.446 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 20,14% tổng dân số toàn tỉnh. Trong năm 2019, công tác giải quyết việc làm và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách xã hội được các cấp, các ngành hết sức quan tâm. Cùng với đó, công tác khám chữa bệnh được duy trì tốt, quốc phòng an ninh luôn đảm bảo, công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được tăng cường.

Cụ thể, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 40.000 lao động, đào tạo nghề cho gần 8.000 lao động, giảm gần 2.000 hộ nghèo trên toàn tỉnh. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở tỉnh đạt 86,2%, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 130.000 người, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là hơn 4.000 người, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 120.070 người và các đối tượng tham gia có xu hướng ngày càng gia tăng. Có thể thấy, tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế hài hòa với đảm bảo an sinh xã hội.

Bình Phước tập trung công tác giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bình Phước tập trung công tác giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm và đã đạt một số kết quả tích cực. Các chính sách đã góp phần làm cho đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện.

Trước tình hình đó, tỉnh ủy Bình Phước đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” với quyết tâm thực hiện giảm nghèo bền vững cũng như chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Bình Phước đã huy động, tập trung mọi nguồn lực, tích hợp các chính sách đẩy mạnh công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung hỗ trợ các nhu cầu thực tế của hộ nghèo như hỗ trợ xây dựng nhà ở, sửa nhà, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, hỗ trợ con giống, nông cụ, nước sinh hoạt,... Dự kiến sau khi tổng kết kế hoạch giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019 sẽ tiếp tục thực hiện giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trong năm 2020.

Trong năm 2019, nhờ có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn tỉnh đã giảm 1.166 hộ nghèo dân tộc thiểu số, đạt 117% so với kế hoạch, từng bước làm thay đổi tích cực đời sống cũng như nhận thức của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì thực trạng nguồn lao động chất lượng của tỉnh vẫn còn thấp. Đội ngũ lao động chất lượng cao, công nhân lành nghề vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, số lượng lao động mùa vụ từ các tỉnh khác đến làm việc tại tỉnh đến Bình Phước rất lớn. Số lượng lao động mùa vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn có thu nhập cao hơn nên việc thu hút lao động vào làm việc khu vực công nghiệp và dịch vụ rất khó khăn, nhất là những lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặt khác, tính từ năm 2013 đến nay, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm không được phân bổ mới tới tỉnh đã ảnh hưởng nhiều đến các chỉ tiêu giải quyết việc làm mới theo kế hoạch đã được UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trong khi đó, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh còn ít do còn gặp khó khăn về chi phí đi xuất khẩu, mà phần lớn người lao động không thuộc diện chính sách nên không được vay vốn.

Do vậy, để thực hiện tốt “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Bình Phước cần đưa ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể hơn, quy định rõ trách nhiệm của các ngành liên quan để chương trình được triển khai đúng thời hạn và đạt hiệu quả cao nhất.

Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-phuoc-giai-quyet-viec-lam-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-130983.html