Bình Phước và con đường tôi đã chọn (Kỳ cuối)

BPO - Tháng 11-2017, cuốn hồi ký “Bình Phước và con đường tôi đã chọn” của Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước giai đoạn 1997-2001 Bùi Thanh Phong được xuất bản. Cuốn hồi ký được hoàn thiện qua ghi chép, thể hiện của nhà báo Trần Phương, kể về quá trình rèn luyện, chiến đấu, đồng cam cộng khổ với đồng đội, đồng chí và nhân dân cả trong chiến tranh và xây dựng quê hương sau khi hòa bình. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh, Báo Bình Phước trân trọng trích đăng một số nội dung trong cuốn hồi ký.

TỰ HÀO VỀ QUÁ KHỨ, TIN TƯỞNG VÀO TƯƠNG LAI

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới ngày nào đó khoảng 1.500 cán bộ từ Bình Dương lên nhận nhiệm vụ, đã đến lúc chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ 2001-2006…

…Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII diễn ra trong 3 ngày 9, 10, 11-1-2001. Khác với Đại hội lần thứ VI diễn ra cuối năm 1997 do cơ sở vật chất không bảo đảm phải tổ chức tại huyện Bình Long, đại hội lần này được tổ chức tại thị xã Đồng Xoài - trung tâm tỉnh lỵ mới được thành lập tách ra từ huyện Đồng Phú và đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2000. Đại hội được tổ chức tại hội trường tỉnh nằm giữa trụ sở Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Lúc này trung tâm hành chính tỉnh đã cơ bản được xây dựng xong. Đường sá khang trang tấp nập xe cộ qua lại, dáng dấp của một đô thị trẻ năng động đã bắt đầu hình thành, các khu dân cư, khu thương mại dần sầm uất. Ngoảnh nhìn lại, đông đảo cán bộ đặt chân đến thị trấn Đồng Xoài ngày mới tái lập tỉnh đều không khỏi tự hào. Sau tròn 4 năm, những ai tới Đồng Xoài ngày ấy nay có dịp trở lại không khỏi ngỡ ngàng với sự đổi thay nhanh chóng. Với cương vị là người đứng đầu tỉnh trong 4 năm đó, tôi cũng tự hào vì mình đã dốc sức, tận tâm làm việc đóng góp một phần vào sự phát triển ấy.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đánh giá toàn diện các mặt công tác của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ VI, những thành tựu đạt được, những bài học rút ra và đặt mục tiêu mới cùng các giải pháp để thực hiện mục tiêu đó trong nhiệm kỳ mới. Tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Một trong những kết quả nổi bật nhất là trong công tác xây dựng Đảng. Từ 325 tổ chức cơ sở đảng tại thời điểm đại hội cấp cơ sở cuối năm 1997, đến tháng 12-2000 đã có 398 tổ chức cơ sở đảng thuộc 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, bình quân mỗi năm có thêm 24 đến 25 cơ sở đảng được thành lập. Hệ thống chính trị toàn tỉnh được củng cố, nâng cao sức chiến đấu và hiệu quả hoạt động... Bên cạnh đó, kinh tế của tỉnh luôn duy trì tăng trưởng trên 10% mỗi năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Khi tách tỉnh năm 1997 nông - lâm nghiệp 71,6%, dịch vụ 25,4%, công nghiệp chỉ có 3%, đến năm 2001 nông - lâm nghiệp chỉ còn 62,2%, dịch vụ 25,1%, công nghiệp tăng lên 12,7%... Bình Phước đã được đánh giá chuẩn bị vượt ra khỏi nhóm những tỉnh nghèo nàn, lạc hậu trong cả nước, đồng thời tiềm năng cho thấy sẽ bật lên phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là tiền đề để hơn 2 năm sau, tháng 6-2003, Bình Phước được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ, cùng với TP. Hồ Chí Minh, 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và 2 tỉnh được đưa vào cùng với Bình Phước là Long An và Tây Ninh.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII thành công tốt đẹp cũng là lúc tôi chuyển giao nhiệm vụ công tác cho các đồng chí kế cận. Đến lúc này, mặc dù cũng có vấn đề chưa giải quyết được tới nơi tới chốn, còn những dở dang và có cả những mục tiêu chưa đạt được, nhưng tôi nhận thấy các nhiệm vụ được Đảng giao cho tôi đã nỗ lực hết sức mình để hoàn thành, từ ngày đầu tiên vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, cho đến khi rời cương vị là người đứng đầu Đảng bộ của một tỉnh.

Ngày 29-1-2019, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi, trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Phong. Ảnh: Thanh Nga

Bình Phước đã và đang đổi thay từng ngày. Bình Phước đã từ nửa dưới lên nửa trên của trong cả nước như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng đánh giá. Với cương vị và trách nhiệm của một đảng viên hưu trí đang sinh hoạt tại Đảng bộ thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tôi cho rằng để Bình Phước tăng tốc phát triển nhanh hơn nữa, xứng đáng với truyền thống anh hùng, với lịch sử truyền thống từng là "thủ đô" trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước bên cạnh đánh giá chính xác ưu điểm, thế mạnh, cũng phải nhìn thẳng vào thực tế những khuyết điểm, bất lợi của mình để có giải pháp phát huy ưu điểm, thế mạnh và khắc phục khuyết điểm, bù đắp bất lợi, tìm ra hướng đi phát triển tốt nhất.

***

…Tôi tin suốt quá trình 20 năm phát triển sau ngày tái lập cũng như trong tương lai, Thường trực, Thường vụ, Ban Chấp hành và toàn thể Đảng bộ tỉnh cũng như tất cả nhân dân không một ai muốn Bình Phước tụt lại phía sau. Tôi cho rằng thế trận lòng dân vẫn là thế trận quan trọng nhất. Trong chiến tranh, chúng ta tạo ra được thế trận lòng dân để cả dân tộc sẵn sàng đưa con em đi kháng chiến, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình. Bây giờ làm cuộc cách mạng xã hội dân chủ nhân dân, xây dựng xã hội chủ nghĩa thì thế trận lòng dân phải làm như thế nào, chúng ta có nghĩ đến trường hợp lòng dân không thuận? Chúng ta không cải cách hành chính, cứ để thủ tục hành chính hành dân; chúng ta không tạo điều kiện cho dân bung ra sản xuất theo đúng mục tiêu cao nhất chúng ta đặt ra là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; chúng ta để cho tham nhũng lộng hành, tàn phá đất nước... thì không chỉ chúng ta tụt lại về kinh tế - xã hội mà thế trận lòng dân của chúng ta cũng bị ảnh hưởng, thậm chí có thể bị lung lay nếu khuyết điểm của chúng ta cứ kéo dài mãi mà không được sửa chữa. Những vấn đề đó chúng ta phải phấn đấu quyết liệt, kiên trì. Có lúc anh em nói chuyện "xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay chậm quá". Tôi giải thích chuyện gì cũng phải có thời gian, có cái độ của nó và phải có niềm tin. Nói ngày mai phải có liền khó lắm.

Cuộc cách mạng nào cũng cần phải có một thời gian nhất định, kiểm nghiệm, tổng kết, rồi bước đi lên một bước nữa. Đảng đổi mới là vấn đề sống còn, cách mạng đổi mới cũng là vấn đề sống còn. Không đổi mới thì sẽ chết, còn đổi mới là cả quá trình cực khổ, gian lao, thử nghiệm. Đổi mới cũng có anh em nôn nóng quá, đi đến chỗ làm hư hại, gây tổn thất cho Nhà nước, cho Đảng. Vấn đề này cũng phải rút ra bài học kinh nghiệm. Cán bộ phải ở gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, rồi tóm lược lại, chắt lọc ra tổng kết, rồi phải trả về cho nhân dân. Nhân dân phải nhìn thấy chúng ta nói thẳng nói thật, đánh giá đúng sự thật. Thời gian qua có những hư hại, tổn thất không nhỏ cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúng ta đã quá chú trọng thành tích mà không đánh giá đúng mức tổn thất đó hoặc giấu giếm khuyết điểm của mình. Tôi nghĩ như vậy là rất nguy hiểm đối với sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng.

Trong quá trình vận động và phát triển, tôi cho rằng, dù là một cá nhân hay tập thể, thậm chí một quốc gia, khi đi tới thành công chắc chắn có những khó khăn nhất định. Người lãnh đạo có những thời điểm phải đưa ra quyết định đứng giữa ranh giới có thể dẫn tới thành công hoặc thất bại, có thể dẫn tới được tuyên dương nhưng cũng có thể trở thành khuyết điểm. Là một cán bộ, đảng viên, đặc biệt là một người lãnh đạo thì cần tự kiểm điểm mỗi ngày, trước mỗi hành động, mỗi quyết định đưa ra và phải thẳng thắn, trung thực trước nhân dân, trung thực trước đồng chí của mình, trước Đảng.

25 năm tái lập, Bình Phước đã phát triển vượt bậc. Mặc dù còn có những khiếm khuyết, có những mất mát, nhưng những gì các thế hệ lãnh đạo cùng tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước làm được thật đáng tự hào. Tự hào về quá khứ và những thành tựu chúng ta đạt được, tôi tin tưởng chỉ ít năm nữa Bình Phước sẽ thật sự trở thành một đầu tàu mạnh mẽ trong vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ.

(Trần Phương trích lược)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/129553/binh-phuoc-va-con-duong-toi-da-chon-ky-cuoi